Có tình trạng bị vênh nhau giữa các Luật

Việc chưa bảo đảm tính nhất quán, tính đồng bộ, tính khoa học ở một số dự án luật từ xây dựng đến ra trình, cho nên có một số nội dung giữa các luật còn xảy ra tình trạng bị vênh.

Phát biểu tại phiên thảo luận sáng 30/5/2018, ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cho rằng, do chưa bảo đảm tính nhất quán, tính đồng bộ, tính khoa học ở một số dự án luật từ xây dựng đến ra trình, cho nên có một số nội dung giữa các luật đã bị vênh.

Góp ý tại Phiên thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) cho rằng, trong xây dựng luật, sửa đổi, bổ sung luật chưa bảo đảm tính nhất quán, tính đồng bộ, tính khoa học ở một số dự án luật từ xây dựng đến ra trình, cho nên có một số nội dung giữa các luật đã bị vênh.

“Ví dụ Luật Quy hoạch và Luật Đất đai. Thời gian công bố quy hoạch giữa Luật Quy hoạch và Luật Đất đai đã bị vênh, Luật Đất đai cho 30 ngày sau khi được phê chuẩn thì công bố, nhưng Luật Quy hoạch chỉ cho 15 ngày công bố, tôi rất buồn vì sao lại để như vậy”.

Đại biểu này chỉ ra những hạn chế của quá trình xây dưng Luật. Thứ nhất, trong tờ trình đánh giá sự tham gia góp ý của các đoàn đại biểu Quốc hội chất lượng chưa cao, nhưng đại biểu này còn cho biết một hạn chế nữa là ý kiến góp ý của các đoàn chưa được tiếp thu nghiêm túc, chưa có giải trình.

Có nhiều ý kiến các đoàn đại biểu, của các đại biểu hết góp ý sức trách nhiệm nhưng đến phần tiếp thu đưa vào không thấy đâu, cũng không giải thích lý do vì sao không tiếp thu.

Thứ hai, một số ý kiến đề xuất, kiến nghị của các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, bộ, ban, ngành, từ thực tiễn đề xuất bổ sung đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhưng chưa được đưa vào.

“Cách đây 1 năm chúng tôi có đề nghị làm sao nâng Pháp lệnh 34 về thực hiện dân chủ cơ sở, Nghị định 04 và 60 về thực hiện dân chủ đối với cơ quan, đơn vị sự nghiệp nhà nước, thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp, nhưng đến nay đề nghị đó không đưa vào, không giải thích như thế nào”, ông Việt nêu.

Giải trình các vấn đề đại biểu quốc hội nêu, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Nguyễn Khắc Định nói, hàng năm theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tại kỳ họp đầu năm Quốc hội thông qua chương trình xây dựng luât, pháp lệnh năm sau và điều chỉnh xây dựng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm trước thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều triển khai từ tháng 12, để tháng 5 có tài liệu trình Quốc hội thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ động phối hợp sớm với Chính phủ, không đợi Chính phủ mới xem xét.

Cho nên tính chủ động Quốc hội cao hơn so với trước đây. Tuy nhiên, có những phần chưa đạt yêu cầu sẽ tiếp tục khắc phục.

Thứ hai, Chính phủ và Thường vụ Quốc hội chủ động, luôn xem xét kỹ các vấn đề trước khi đưa ra trình Quốc hội, không trình các vấn đề mà Thường vụ Quốc hội cảm thấy ý kiến còn khác nhau chưa đồng thuận cao cho nên mới có chuyện lùi, rút.

Còn chuyện các đại biểu nói các Ủy ban còn nể nang, né tránh, thuận theo cơ quan trình, chuyện đó là có thật, kể cả tài liệu Chính phủ trình, các cơ quan, kể cả Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị hồ sơ rất chậm, nhưng Thường vụ vì công việc vẫn đưa ra xem xét sớm và trình báo cáo Quốc hội sớm và khi các cơ quan thẩm tra có ý kiến với các cơ quan chủ trì soạn thảo thì cũng có ý kiến xuôi chiều, cũng có ý kiến đồng thuận, nhưng khi ra Thường vụ là Thường vụ yêu cầu làm lại.

Về việc đại biểu nói không hoàn thành chương trình, kế hoạch, nếu so với chương trình Quốc hội thông qua thì số lượng không đạt, bởi vì có số không đạt yêu cầu phải rút ra, nhưng so với tổng số thì vượt kế hoạch.

Thế Hoàng

Nguồn Đầu Tư: http://baodautu.vn/co-tinh-trang-bi-venh-nhau-giua-cac-luat-d82451.html