'Cò' tiền từ thiện giữa vùng lũ, xử sao?

Người phụ nữ 'ăn chặn' 3 triệu trong tổng số 8 triệu đồng mà ca sĩ Thủy Tiên tặng cho người nghèo khó có thể bào chữa theo cách này hay cách khác, nhưng hành động 'cò từ thiện' rất khó chấp nhận và đáng bị lên án.

Sau những ngày dịch bệnh căng thẳng, đặc biệt trong những ngày gần đây, khi lũ lụt đang hoành hành tại miền Trung, nhiều câu chuyện về những tấm lòng tốt đã làm ấm lòng người dân cả nước, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách như một truyền thống quý báu của dân tộc.

Những tấm lòng nhân ái ấy chính là động lực tinh thần rất lớn, động viên người dân vượt qua khó khăn, truyền cảm hứng cho xã hội, tạo ra một môi trường tích cực trong việc nhân lên những việc làm tốt, có ích.

Bão lũ bủa vây miền Trung, nhiều tấm lòng khắp nơi gửi gắm từ thiện giúp đỡ người dân.

Bão lũ bủa vây miền Trung, nhiều tấm lòng khắp nơi gửi gắm từ thiện giúp đỡ người dân.

Như một sự động viên với những tấm lòng thiện nguyện, ngày 17/10, tại chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo” trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu: “Chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau" không phải là lời hô hào suông, đó là sự đồng cảm, tình thương yêu đùm bọc và mệnh lệnh trong trái tim mỗi chúng ta”.

Thực ra, tính thiện vốn là một phẩm chất đáng quý có sẵn của con người. Một xã hội phát triển lành mạnh chính là xã hội tạo điều kiện cho tính thiện được thể hiện, phát huy thành những biểu hiện cụ thể như lòng tốt, sự chia sẻ, tình đoàn kết.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn thấy ở đâu đó có một số ít người đã đi ngược lại xu hướng đạo đức chung của xã hội. Trường hợp người phụ nữ lấy lại 3 triệu đồng từ 8 triệu đồng của ca sĩ Thủy Tiên trao tặng cho người khó khăn là một hành động đáng lên án như vậy.

Dù có thể có những bào chữa theo cách này hay cách khác, từ hoàn cảnh sinh ra hay do ý thức chưa đầy đủ, nhưng rõ ràng, một hành động “cò từ thiện” như vậy sẽ để lại những hệ lụy không đáng có trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, nhiều người dân đang trông đợi ở những tấm lòng thiện nguyện trong xã hội.

Điều đáng lên án nhất trong hành vi không phù hợp này còn là việc gây ra những nghi ngờ đối với hiệu quả của lòng tốt. Khi lòng tốt bị nghi ngờ, cả ở người cho và người nhận, nó sẽ là vật cản rất lớn đối với những tấm lòng tốt khác ở ngoài xã hội, khiến cho lòng tốt không thể phát huy hết những năng lượng tích cực của mình, cũng như cản trở cơ hội của những người đang gặp khó khăn.

Một trong những đặc điểm quan trọng của lòng tốt là khi nó được cho đi, nó không những không mất đi mà lại được nhân lên. Đó là khi lòng tốt được thể hiện vô tư, không vụ lợi.

Còn khi lòng tốt vụ lợi, bị lợi dụng, đó là lúc cái xấu, cái ác sẽ tìm cách len lỏi vào. Cái xấu, cái ác dù nhỏ nhưng là mầm mống làm hư hại đạo đức con người và làm băng hoại đạo đức xã hội.

Lấy cái thiện đẩy lùi cái ác, lấy cái tốt đẩy lùi cái xấu là một trong những nguyên tắc đạo đức dẫn đường cho sự phát triển xã hội. Chúng ta cần lên án những hành động không phù hợp của người “cò từ thiện” kia để lấy lại môi trường tốt cho những tấm lòng từ thiện.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn

(Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/doi-song/doi-thuong/an-chan-tien-tu-thien-tu-ca-si-thuy-tien-nguoi-phu-nu-tham-lam-dang-bi-len-an-267268.html