Cổ tích trên cung đường lửa

Trong các tuyến đường mở dọc Trường Sơn một thời như Đường 10, Đường 12, Đường 16... thì Đường 20 (hay còn gọi là đường Quyết thắng, Cung đường lửa) có điểm khởi đầu từ Hang Tám Cô đến điểm cuối là Cửa khẩu Cà Roòng để dẫn sang nước bạn Lào ngày kháng chiến chống Mỹ là con đường ác liệt nhất.

Bão lửa, đạn bom khiến người dân, trong đó có 2 dân tộc tiêu biểu nhất là Arem và Ma Coong phải ly tán. Thời ấy, ít ai nghĩ rằng, đất đai, con người nơi đây sẽ hồi sinh. Nhưng sau 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, có tìm lên nơi đây, người ta mới cảm nhận được hết ý nghĩa của sự hồi sinh giữa đất và người.

Hồi sinh cho đất và người

Sau 44 năm Ngày thống nhất đất nước, chúng tôi lại có hành trình để trở về với “Con đường tuổi 20”. Có đau đớn nào nguôi ngoai và có thể xóa được khi biết rằng: Để có con đường dài 84km, “thọc hậu” để chi viện cho chiến trường miền Nam này, trung bình mỗi mét dài đã có 1 thanh niên xung phong ngã xuống và mỗi người trong họ đã phải “gánh chịu” đến 10 quả bom. Trên những cung đường khốc liệt một thời ở tỉnh Quảng Bình mở lên Tây Trường Sơn để tiếp viện cho Chiến trường miền Nam trong công cuộc “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của dân tộc ta thì Đường 20 được mệnh danh là “Cung đường lửa” khốc liệt nhất. Cung đường này bắt đầu được khởi công từ mùa khô năm 1963 đến mùa khô năm 1967 hoàn thành.

Trong thời chi viện cho chiến trường miền Nam, biết được yếu thế của ta về sự nhỏ hẹp của dải đất miền Trung nên không quân Mỹ đã tập trung đánh mạnh khu vực này, nhất là ở đoạn Quảng Bình. Chúng hy vọng sẽ cắt đứt được tuyến chi viện của miền Bắc với miền Nam ở khu vực này sẽ đưa lực lượng của chúng ta ở Miền Nam vào thế bí về lương thực và quân khí. Đoán định được hiểm thế này, chúng ta đã quyết định mở những tuyến “đường xương cá”, sang Tây Trường Sơn, vòng qua nước bạn Lào để tiếp tế và vận chuyển vũ khí và lương thực vào phía Nam.

Cán bộ Đảng viên cắm bản và các Đảng viên người Arem đang lên kế hoạch thoát nghèo cho dân.

Vì là cung đường huyết mạch nên Đế quốc Mỹ đã không nề hà để đáp xuống khu vực này đủ các thứ bom và huy động tất cả các lực lượng không lực để rải thảm những loại bom với tên gọi như “Bom tạ”, “Bom yến”, “Bom lá”... Bom dội xuống, người dân các bản làng của Tân Trạch, Thượng Trạch với sự cư trú thuần nhất của 2 dân tộc là Arem và Ma Coong đành phải phiêu bạt vào các cánh rừng. Tuy nhiên đấy là những câu chuyện của thời kỳ trước – Thời kỳ đạn, bom và máu lửa một thời.

Sau 44 năm thảm họa chiến tranh, tôi lại một lần nữa “xẻ dọc Trường Sơn” để lên với Tân Trạch. Từ UBND huyện Bố Trạch, con Đường 20 còn gọi là đường “Quyết thắng” để dẫn sang nước bạn Lào thời kháng chiến chống Mỹ “Đông Trường Sơn nối Tây Trường Sơn” đã dễ đi. Đây có lẽ là con đường huyền diệu nhất, xuyên qua các địa danh lịch sử như “Hang tám cô”, “Miếu y tá”, rừng Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng… Từ “Hang tám cô”, sự thay đổi hiện ra trước mắt đối với tôi đến không ngờ. Thay cho con đường như “đi dưới lòng suối cạn” dạo nào, Đường 20 dẫn lên Tân Trạch, Bố Trạch rồi lên Cửa khẩu Cà Roòng để dẫn sang nước bạn Lào đã được nâng cấp. Với diện tích 354,77km2 Tân Trạch hiện đang là nơi sinh sống của 100 hộ dân, với 560 nhân khẩu.

Những năm chiến tranh - người Arem – bộ phận dân tộc được coi là quý hiếm ở miền đất phía Tây tỉnh Quảng Bình này hầu như phiêu bạt. Sau chiến tranh, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, người Arem đã được chú ý rất nhiều. Nhưng cuộc “cách mạng” về sự chú ý này phải kể đến là việc năm 2003, để người Arem thuận tiện trong cuộc sống, có chỗ giao lưu, dự án tái lập bản Arem hay còn gọi là dựng xã Tân Trạch này đã chọn km 39 trên Đường 20. Hơn 42 mái nhà, kết cấu với kích cỡ truyền thống, mái lợp chắc chắn được dựng lên. Sau đó là hành trình cán bộ “ba cùng” để vào rừng gọi và di dân về. Xã Tân Trạch – bản của người Arem bắt đầu có tên từ đó.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay của người dân, xã Tân Trạch đã định hình ngày một rõ nét giữa đại ngàn.

Cổ tích viết giữa đại ngàn

Đến với Tân Trạch, đến với người Arem bây giờ người ta đã thấy hết đi một đời sống tự cung tự cấp. Quán sá đã được dựng lên, cùng với đó là tiếng cười vui của các học trò Arem vui chân đến lớp. Nhiều năm về trước, tuy đường sá hết sức khó khăn, nhưng vì người Arem, vì tương lai của họ nên xi măng, sắt, thép đã được các cấp ngành vận chuyển vào đây để xây trường, đón trẻ em Arem đến học. Hiện nay, các lớp học giữa chốn đại ngàn này đang được coi là tốt nhất và đã có hết các bậc tiểu học cho con em của người Arem.

Sau chiến tranh, vì cuộc sống chạy trốn và lệ thuộc vào rừng lâu quá rồi nên việc vận động người Arem về với bản mới là không dễ. Những năm trước, vận động họ về, nhưng về được vài ngày là họ lại chán và lại bỏ về rừng. Để khắc phục tình trạng này, những Đảng viên kỳ cựu, tâm huyết, có kinh nghiệm đã được lựa chọn và xung phong đến với Tân Trạch với một cuộc sống không chỉ “3 cùng” mà còn thực hiện “5 cùng” với dân. Lựa chọn những người uy tín nhất, họ bám chân, thuyết phục bất kể giờ nào trong ngày. “Mưa dầm thấm lâu”, thấy cán bộ tốt, những người già trong bản nể, ở lại. Một người ở, hai người ở… rồi hơn 40 mái nhà của người Arem cũng ấm hơi người và bắt đầu tỏa khói vào mỗi cữ nấu nướng, sinh hoạt trong ngày.

Nói về thành tích bám dân, bám người Arem ở Tân Trạch không ai quên Bí thư Đảng ủy Nguyễn Chí Sĩ. Là người mạn dưới, với những thuận lợi riêng của cuộc sống, nhưng khi được tổ chức lựa chọn, ông Nguyễn Chí Sĩ đã vui vẻ vượt rừng, lên Arem nhận nhiệm vụ ngay. Cứ như “con thoi” nối giữa các cấp Đảng bộ và chính quyền, ông Sĩ vượt rừng, vượt mưa đem định hướng về với người Arem. Vì dân, ông đã ở lại với rừng già đại ngàn, với người Arem và hiện nay ông được người Arem coi như già làng thứ 2 của họ. Từ một điểm xuất phát hết sức thấp, bằng sự chú ý và chung tay, bằng nhiệt huyết của những Đảng viên miền dưới lên, hiện nay Tân Trạch đã có một Chi bộ xã với những Đảng viên trẻ hết sức gương mẫu như Đinh Cu và Đinh Kinh…

Bia đánh dấu mốc “hồi sinh” của người Arem khi có sự ra đời của xã Tân Trạch.

Từ một cuộc sống tự cung, tự cấp và có thời hoàn toàn lệ thuộc vào tự nhiên, hiện nay người Arem ở Tân Trạch đã có một cuộc sống định cư tại bản. Từ 42 mái nhà ban đầu dựng bản, đến nay, sau hơn chục năm trời, đã có thêm hơn 20 tổ ấm nữa được dựng lên. Ngoài nương, rẫy thì người Arem nơi đây cũng đã biết chăn nuôi. Hiện tại, toàn xã đã nuôi được gần vài trăm con gia súc các loại và lợn các loại. Từ bàn chân bám đất mà đi, để cuộc sống mình thuận lợi hơn, bằng sự chiu chắt, bằng việc phát triển kinh tế hộ gia đình nên hiện nay hơn 40 hộ dân người Arem ở Tân Trạch đã mua được các xe máy có thương hiệu cho sự đi lại của mình.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Chí Sĩ thì hiện nay, ngoài nương rẫy, người Arem cũng đã bắt đầu biết trồng rừng làm kinh tế. Với các diện tích rừng khoanh nuôi nhận khoán thì hiện Tân Trạch đã nhận trồng 5ha gỗ huê để mở thêm hướng xóa đói giảm nghèo cho mình. Nhìn những tán cây huê đơm ngọn, vươn lên đón nắng, đón gió của miền đất này, tôi thầm mong ngày trù phú sẽ đến với người Arem trong một ngày gần nhất!

Bài và ảnh: Đơn Thương

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/co-tich-tren-cung-duong-lua-post60858.html