Cổ tích phương Tây và trẻ em Việt Nam

Từ ngày chữ Quốc ngữ được phổ biến ở Việt Nam, vào đầu thế kỉ X, truyện cổ tích phương Tây được dịch sang tiếng Việt và trở thành món ăn tinh thần cùng những bài học luân lý hấp dẫn đối với nhiều thế hệ trẻ Việt Nam.

Cũng qua đó mà một yếu tố của văn hóa phương Tây đã hòa nhập với thế giới tinh thần của một số đông người thường dân nước ta. Mặc dù số đề tài của truyện dân gian các dân tộc có vẻ đa dạng nhưng những công trình nghiên cứu cho biết là con số cũng có hạn, và một số mẩu truyện (môtíp) điển hình xuất phát từ tình hình xã hội và kinh tế (mẫu hệ, phụ hệ, nông dân – địa chủ, mẹ ghẻ con chồng, v.v…) và từ nguyện vọng thiện thắng ác.

Từ thời Pháp thuộc đến nay, truyện dân gian phương Tây phổ biến nhiều nhất, đặc biệt là truyện thần tiên cho trẻ em Việt Nam là của tác giả Perrault người Pháp, Grimm người Đức và Andersen người Đan Mạch.

Perrault (thế kỉ 17) là nhà văn Pháp đã có công đưa truyện thần tiên vào văn học cổ điển. Tập Bà Mẹ ngỗng của tôi có nhiều truyện mà trẻ con và người lớn khắp thế giới đều biết, như Hằng Nga ngủ trong rừng", Con yêu râu xanh, Con Mèo đi hia, Chú bé tí hon, Cô Lọ Lem, v.v… Perrault không sáng tạo ra cốt truyện mà lựa một số cổ tích của nhiều dân tộc để viết lại. Sự thành công của ông là do cách kể đơn giản, chính xác, rất cổ điển. Nguyễn Văn Vĩnh đã có công dịch những truyện Perrault sang tiếng Việt vào buổi giao thời Tây – Ta, Việt hóa câu văn Pháp và xây dựng văn phong mới theo những tiêu chuẩn cổ điển của Pháp. Đó là một đóng góp vào việc hiện đại hóa văn chương của ta.

Truyện của Grimm và Andersen thực sự được phổ biến từ những năm 60 của thế kỉ trước:

Hai anh em nhà văn Đức Grim (thế kỉ 19) suốt đời gắn bó với nhau trong sự nghiệp nghiên cứu ngữ văn và văn học dân gian. Chịu ảnh hưởng tích cực của chủ nghĩa lãng mạn (tinh thần dân tộc), họ trở về cội nguồn nhân thần chống ngoại xâm. Họ bỏ ra nhiều thời gian và tâm lực sưu tầm truyền thuyết và truyện cổ dân gian Đức để ra Tập truyện kể trong nhà và cho trẻ nhỏ. Truyện rất gần với cổ tích Việt Nam, nhằm giáo dục và phê phán xã hội; Thiện bao giờ cũng thắng Ác. Tiêu chuẩn Thiện Ác vẫn phụ thuộc vào trật tự phong kiến, nhưng kèm điều kiện: giai cấp thống trị phải đối xử nhân đạo.

Sáng tác của Andersen (thể kỉ 19) khác anh em Grim ở chỗ ông không chỉ làm công việc sưu tầm và tái tạo vốn cổ trên tinh thần nghiên cứu khoa học, Andersen sáng tạo đa số nguyên liệu các truyện, dựa vào các chuyến đi ra ngoài nước, văn học dân gian, nhớ lại các câu chuyện được nghe kể hồi thơ ấu, kể lại có biến chế những sự việc của chính cuộc đời mình, bạn bè thân thuộc. Những truyện thần tiên của ông sớm nổi tiếng ngay ở ngoài nước Đan Mạch. Do đó, ông bị một nỗi oan đến nay vẫn còn tồn tại phần nào: ông nổi tiếng là chuyên viết truyện cho trẻ con, trong khi truyện của ông viết cho cả trẻ con và người lớn. Nhiều truyện thâm thúy đến mức người lớn mới thưởng thức được. Mặt khác, truyện của ông có một phong cách cá nhân rõ rệt, vừa thực vừa mộng, mỉa mai hài hước gắn liền với tình cảm bi thương.

Chúng ta bước vào thời đại toàn cầu hóa. Để giáo dục trẻ em nhất định phải cho làm quen với sáng tác phương Tây. Phải lựa những truyện trẻ em phương Tây giàu tính nhân bản cho đọc trước và làm cơ bản (như của Perrault, Grim, Andersen), nhất là đối với tuổi nhi đồng. Khoa học rất quan trọng, nhưng giáo dục tính người, nhân cách, mới là cốt yếu. Nhiều truyện về khoa học biễn tưởng (chiến tranh các vì sao, người máy đánh nhau) hoặc quá ư hiện đại không hợp với trẻ em ta. Có một số bố mẹ phàn nàn là cho trẻ em đọc truyện tranh Đôrêmon thành ra nói năng và hành động lăng nhăng.

Hữu Ngọc

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/co-tich-phuong-tay-va-tre-em-viet-nam-90337.html