Có thương hiệu quốc gia mạnh, kinh tế dễ ra biển lớn

Tính đến năm 2020, Việt Nam mới chỉ có 124 doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia. Đa số các doanh nghiệp vẫn còn mông lung, chưa nhận thức được rõ ràng vai trò của thương hiệu trong bối cảnh toàn cầu hóa. Do đó, việc doanh nghiệp nhận thức đúng đắn, đầu tư bài bản, cùng sự hỗ trợ đồng hành của Chính phủ vô cùng cần thiết để thương hiệu Việt ngày càng khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Nhiều doanh nghiệp Việt đang chuyển từ lượng sang chất, đầu tư bài bản để vươn ra biển lớn

Nhiều doanh nghiệp Việt đang chuyển từ lượng sang chất, đầu tư bài bản để vươn ra biển lớn

Dễ bị đối tác ngoại lấy mất thương hiệu

Chia sẻ tại Tọa đàm “Định vị và nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập “ngày 29/12 ở Hà Nội, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, sau 17 năm triển khai thực hiện chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam, số doanh nghiệp (DN) có sản phẩm đạt THQG liên tục tăng qua các năm, từ 30 DN năm 2008 lên 124 DN năm 2020.

Những con số này khẳng định chất lượng ngày càng được cải thiện của hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Các DN đạt THQG ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế dù gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Theo ông Phú, 124 DN đạt THQG năm 2020 có kết quả kinh doanh ấn tượng với tổng doanh thu năm 2019 khoảng 1.430 nghìn tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu 137 nghìn tỷ đồng và đóng góp cho an sinh xã hội rất lớn.

Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, thương hiệu là giấy thông hành duy nhất có thể giúp DN đi ra nước ngoài và chinh phục người tiêu dùng nước ngoài, nổi bật và giao tiếp với người tiêu dùng trên phạm vi toàn cầu. Đó là điều mà DN chỉ tạo ra sản phẩm thô hay sản phẩm gia công không thể làm được. Do đó, các DN cần nhận thức về sứ mệnh to lớn và kiêu hãnh của một thương hiệu mang tầm nhìn và trách nhiệm quốc gia.

Theo tổ chức Brand Finance, THQG Việt Nam được định giá tăng 29% (từ 247 tỷ USD năm 2019 lên 319 tỷ USD năm 2020). Đồng thời tăng thêm 9 hạng từ 42 lên hạng 33 thế giới. Và, Việt Nam được đánh giá là trường hợp thăng hạng nhanh trên thế giới.

Cùng với sự phát triển của THQG Việt Nam, giá trị thương hiệu của các DN Việt Nam cũng gia tăng mạnh mẽ. Theo xếp hạng của Forbes Việt Nam, tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu cả nước đạt gần 10 tỷ USD.

Theo ông Phú, năm 2020 đánh dấu một cột mốc quan trọng của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế khi vừa hoàn tất việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) chính thức được thông qua và có hiệu lực. Song song với Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và RCEP là điểm nhấn quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong tình hình mới, là tâm điểm kinh tế, tạo khởi sắc ấn tượng trong quan hệ kinh tế-thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với các quốc gia khác.

Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), Phó ban Thường trực, Ban Thư ký chương trình THQG Việt Nam lại cho biết, ý thức về việc thương hiệu có giá trị thế nào đối với các DN trong nước vẫn còn rất mông lung. Chưa kể, nhiều DN khi làm ăn với đối tác nước ngoài còn bị chèn ép, không cho xuất hiện tên thương hiệu sản phẩm đó ở thị trường nước ngoài.

Đơn cử như trường hợp của Cty CP Quốc tế VAG (VAG), chuyên sản xuất, xuất khẩu (XK) các loại khăn bông. Ông Hoàng Xuân Hải, Giám đốc DN này cho biết, trước đây khi đàm phán XK với một đối tác Nhật Bản về thương hiệu khăn Laudy của công ty, bên Nhật cho rằng người Nhật không hề hay biết thương hiệu này nên nếu họ nhập về kinh doanh sẽ không giá trị, do đó đề nghị đổi sang thương hiệu Nhật Bản. “Lúc đó chúng tôi chỉ biết chấp nhận và mất thương hiệu ở nước này”, ông Hải nói.

Hiện nay, Cty CP Quốc tế VAG đang đàm phán cung cấp cho một đối tác bên nước Anh. Đáng chú ý, theo ông Hải, mặc dù rất thích sản phẩm khăn nhưng đối tác Anh lại đề nghị VAG ký hợp đồng cam kết bảo mật không được nói VAG xuất hàng cho họ, không được để nhãn mác “Made in VAG” hay “Made in Vietnam”. Ông Hải đang rất cân nhắc thương vụ này.

Cần “biết mình, biết ta” mới chiến thắng

Bình luận về câu chuyện của VAG ở trên, bà Phạm Thị Kim Loan, Chủ tịch HĐQT DN Khoa học và Công nghệ Ngân Hà cho rằng, một DN muốn tồn tại phải có doanh số. Nếu đối tác nước ngoài đặt hàng mình nhiều thì mình cũng đã thành công bước đầu, chứng tỏ chất lượng sản phẩm tốt, DN nên đồng ý tham gia. Tuy nhiên, DN cũng cần đăng ký trước sở hữu trí tuệ, bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm của mình. Bởi theo bà, nếu không làm thế, thương hiệu sản phẩm của DN nội sẽ dễ bị các đối tác ở nước mạnh hơn biến thành thương hiệu của họ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse cho rằng, sau khi mở rộng mạng lưới phân phối, doanh số ở trong và ngoài nước, DN Việt nên nắm bắt được các điểm cơ bản của từng thị trường, chờ đủ lực phát triển thương hiệu ra nước ngoài.

Trong trường hợp sản phẩm của DN Việt độc quyền, có bí quyết công nghệ thì DN có thể ràng buộc điều kiện để đối tác phải có hệ thống phân phối sản phẩm cho DN.

Theo ông Phú, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, một sản phẩm thường trải qua nhiều công đoạn, ở nhiều quốc gia khác nhau, liên kết trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ví dụ, một chiếc điện thoại Samsung được thiết kế ở Mỹ, còn sản xuất linh phụ kiện ở Trung Quốc, Thái Lan, lắp ráp ở Việt Nam, phân phối ở Mỹ và châu Âu. Như vậy, khái niệm “Made in” chỉ còn rất ít ý nghĩa, khoảng 3% tổng giá trị sản phẩm; còn 80% nằm ở nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), thiết kế chế tạo, xây dựng thương hiệu, phân phối, bảo hành bảo dưỡng.

“Mỗi thương hiệu làm nên 50% giá trị sản phẩm. Ai sở hữu thương hiệu tốt sẽ sở hữu nhiều giá trị nhất trong chuỗi giá trị của sản phẩm. Suy rộng ra, quốc gia nào sở hữu nhiều thương hiệu nhất sẽ là quốc gia sở hữu nhiều giá trị nhất và là quốc gia thịnh vượng”, ông Phú nhấn mạnh.

Ông Hoàng Minh Chiến, Phó ban thường trực, Ban Thư ký chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam cho biết, hiện tại, đã có hơn 80 quốc gia triển khai chương trình xây dựng THQG để phát triển thương hiệu sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Do đó, đơn vị cũng đang tư vấn Chính phủ triển khai xây dựng Chiến lược THQG phù hợp với xu hướng phát triển mới. “Hơn hết, các DN phải nỗ lực, quyết tâm, có khát vọng, đam mê, sáng tạo để nhanh chóng xây dựng và phát triển mạnh mẽ THQG Việt Nam. Nếu vận dụng hiệu quả, THQG sẽ tạo ra cơ hội để vươn lên mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hóa”, ông Chiến nhấn mạnh.

Những người mẫu Việt quảng bá cho sản phẩm lụa tơ tằm Việt Nam tại Thái Lan. Ảnh: Quyền Thành

Theo Báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) của hãng định giá thương hiệu Anh Brand Finance vừa được công bố, Việt Nam được đánh giá là "thiên đường" sản xuất mới tại Đông Nam Á khi tăng hạng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.

Năm 2020, Brand Finance đánh giá cao công tác xử lý khủng hoảng y tế của Việt Nam, khi ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 và tử vong thấp một cách đáng ngạc nhiên. Nhờ đó, hiện Việt Nam được đánh giá là "thiên đường" sản xuất mới tại Đông Nam Á. Việt Nam còn được chọn là điểm đến hàng đầu tại Đông Nam Á cho hoạt động sản xuất và ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư.

Nước có thương hiệu sẽ tác động tích cực đến không chỉ nhà đầu tư quốc tế

Tại lễ công bố sản phẩm đạt chuẩn “Thương hiệu quốc gia Việt Nam” lần thứ 7 năm 2020 tổ chức tối 25/11 ở Hà Nội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh, trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các quốc gia, giữa các DN ngày càng gay gắt, tận dụng được cơ hội chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ quyết định sự vươn lên hay tụt hậu của mỗi quốc gia, của DN. Thực tiễn thành công của nhiều nước đều khẳng định đất nước có thương hiệu sẽ có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, khách du lịch, nhân tài, nhà đầu tư và chính khách các nước trên thế giới.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định Chính phủ cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực và quyết tâm hơn nữa trong xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, đồng hành với DN, tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, làm hết sức mình để DN Việt Nam có thể lớn mạnh, vươn ra thế giới, cạnh tranh với DN trên toàn cầu.

Tuấn Nguyễn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/co-thuong-hieu-quoc-gia-manh-kinh-te-de-ra-bien-lon-1773234.tpo