Có thêm các chính sách hướng tới phát triển kinh tế, xã hội cho vùng cao

Dù đã có nhiều chính sách hướng tới vùng sâu, vùng cao để phát triển kinh tế, xã hội cho người dân, tuy nhiên, thực tế cho thấy, giữa các vùng của cả nước đang có sự phát triển không đồng đều. Do đó, Nhà nước cần có những chính sách thỏa đáng cho vùng sâu vùng cao, từ đó giúp thu hẹp khoảng cách với miền xuôi, góp phần bảo vệ phên dậu của Tổ quốc.

Bà Trần Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Mê Linh góp ý vào văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc.

Bà Trần Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Mê Linh góp ý vào văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc.

Góp ý vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bà Trần Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Mê Linh cho biết:

Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong nhiều năm qua, cả hệ thống chính trị đã chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Để có thể thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi, góp phần bảo vệ phên dậu của Tổ quốc, Đảng và Nhà nước nên triển khai thêm những chính sách phù hợp với đặc điểm của từng vùng, phát huy những thế mạnh của các địa phương, giúp người dân ổn định cuộc sống và làm giàu trên chính quê hương mình.

Về phân biệt kinh tế giữa các vùng miền đặc biệt là các tỉnh trung du miền núi phía bắc, là khu vực giáp ranh với miền xuôi, vì vậy cần phải xây dựng cơ sở giao thông, từ đó chuyển giao các khu công nghiệp từ vùng đồng bằng về để tạo sức hút đầu tư và giải quyết việc làm cho các tỉnh trung du.

Đối với chính sách, ngoài việc ưu đãi cho các đối tượng chính sách về tín dụng, cần tập trung xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả, từ đó đồng bào các dân tộc thiểu số có thể sớm tiếp cận và thực hiện phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững.

Về lĩnh vực y tế, cần tập trung đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống y tế tuyến xã. Đây là nơi khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, tuy nhiên thực tế thì tuyến xã không được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất cho đến cán bộ chuyên môn, người dân mất quá nhiều chi phí dành cho đi lại để khám sức khỏe ban đầu.

Đối với lĩnh vực giáo dục, cần phải thay đổi toàn diện giáo dục, đất nước ta còn nghèo không thể mang tư duy giáo dục của các nước cường quốc áp dụng đề gây lãng phí ngân sách. Bệnh thành tích quá lớn nên không tìm ra sở trường của mỗi con người, do đó cần tập trung áp dụng nền giáo dục đúng như lời bác Hồ đã dạy: “Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan”.

Đất nước ta 80% là nông nghiệp, tuy nhiên hiện nay do áp lực đối với nền kinh tế để hòa nhập với kinh tế thế giới chúng ta đã đi tắt đón đầu, phát triển không bền vững, manh mún. Chúng ta có đầy đủ công cụ sản xuất, sức sản xuất, tuy nhiên chúng ta thiểu hẳn yếu tố quan trọng nhất đó là khoa học. Không có khoa học kỹ thuật nông nghiệp luôn mãi lạc hậu không phát triển.

Mỗi vùng miền đều có thế mạnh riêng, cần phải có cơ chế đảm bảo đầu ra cho người nông dân, áp dụng triệt đề khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng xuất, sản lượng, nhà nước cần phải chịu trách nhiệm trước các sản phẩm mà các mô hình được nhân rộng.

Lương Hằng (ghi)

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/co-them-cac-chinh-sach-huong-toi-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-cho-vung-cao-115398.html