Có thể xuất trình hợp đồng bảo hiểm làm căn cứ trên tờ khai hải quan

Đó là trả lời của Tổng cục Hải quan đối với thắc mắc của Công ty TNHH Thép JFE SHOJI Hải Phòng liên quan đến khai báo phí bảo hiểm hàng hóa NK.

Công ty TNHH Thép JFE SHOJI Hải Phòng nêu DN có NK hàng hóa từ nước ngoài để phục vụ sản xuất kinh doanh theo điều kiện mua hàng C&F và có mua bảo hiểm cho hàng hóa. Theo quy định tại Điểm h, Điều 13 Thông tư 39/2015/TT-BTC quy định về các khoản điều chỉnh cộng đối với trị giá hải quan thì chi phí bảo hiểm tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên là khoản điều chỉnh cộng về trị giá hải quan đối với hàng hóa của DN. Vì vậy, DN mong muốn được khai báo trị giá bảo hiểm vào trị giá hải quan để tính thuế NK theo đúng quy định.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I. Ảnh: T.Bình.

Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I. Ảnh: T.Bình.

Tuy nhiên, tại các điều khoản của hợp đồng, DN không thể xuất trình hóa đơn bảo hiểm, đơn bảo hiểm của lô hàng hay bất kỳ chứng từ tương đương nào để làm căn cứ dẫn chiếu trực tiếp phí bảo hiểm khai báo trên tờ khai. Công ty TNHH Thép JFE SHOJI Hải Phòng thắc mắc, trường hợp hàng hóa được bảo hiểm toàn bộ bằng hợp đồng nguyên tắc, DN có thể xuất trình hợp đồng bảo hiểm làm căn cứ khai báo phí bảo hiểm trên tờ khai hải quan hay bắt buộc phải xuất trình hóa đơn bảo hiểm để làm căn cứ xác định phí bảo hiểm tại thời điểm khai báo?

Về vấn đề này, theo Tổng cục Hải quan, Điều 5 Thông tư 39/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 4, Điều 1 Thông tư 60/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định: “Trị giá giao dịch của hàng hóa NK là giá thực tế mà người mua đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán cho người bán để mua và NK hàng hóa sau khi đã được điều chỉnh theo quy định tại Điều 13, Điều 14 và Điều 15 Thông tư này”.

Cũng tại Khoản 2, Điều 13 Thông tư 39/2015/TT-BTC thì: “Chi phía bảo hiểm hàng hóa NK đến cửa khẩu nhập đầu tiên là khoản phải cộng vào trị giá hàng hóa NK nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này”.

Khoản 4, Điều 1 Thông tư 60/2019/TT-BTC quy định: “Việc xác định trị giá hải quan phải căn cứ vào chứng từ, tài liệu, số liệu khách quan, định lượng được”; Khoản 5 Điều 1 Thông tư 60/2019/TT-BTC quy định về chứng từ, tài liệu để xác định trị giá hải quan theo phương pháp trị giá giao dịch gồm: “a) Hợp đồng mua bán hàng hóa, hóa đơn thương mại; … d) Chứng từ, tài liệu liên quan đến các khoản điều chỉnh cộng (nếu có khoản điều chỉnh cộng)…”.

Đối chiếu với quy định trên, Tổng cục Hải quan cho biết, trường hợp hàng hóa NK được bảo hiểm bằng hợp đồng bảo hiểm nguyên tắc (tại hợp đồng bảo hiểm có ghi phí bảo hiểm được tính theo tỷ lệ % trên tổng trị giá hàng hóa) và DN không thể có hóa đơn bảo hiểm tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan (do tiền phí bảo hiểm sẽ được thanh toán vào tháng tiếp theo) thì DN có thể xuất trình hợp đồng bảo hiểm làm căn cứ khai báo phí bảo hiểm trên tờ khai hải quan với điều kiện số tiền phí bảo hiểm có số liệu khách quan, định lượng được và phù hợp với hóa đơn bảo hiểm khi được công ty bảo hiểm phát hành.

Tổng cục Hải quan đề nghị Công ty TNHH Thép JFE SHOJI Hải Phòng căn cứ các quy định trên và hồ sơ thực tế hàng hóa NK để thực hiện khai báo trị giá hải quan theo đúng quy định.

Đảo Lê

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/co-the-xuat-trinh-hop-dong-bao-hiem-lam-can-cu-tren-to-khai-hai-quan-119129.html