Tai nạn giao thông do rượu bia: Có thể tước giấy phép nếu tài xế sử dụng rượu, bia

Tổng cục đường bộ sẽ có nghiên cứu cụ thể về việc tăng mức tiền xử phạt, tước giấy phép lái xe và nhiều hình thức phạt bổ sung đối với tài xế sử dụng rượu, bia.

Theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật – Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật về An toàn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông – cho biết, 4 tháng đầu năm 2019 lực lượng CSGT đã xử lý gần 50.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.

Tuy nhiên, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật cho rằng, vấn đề gốc là cần kiểm soát bằng pháp luật để khi người tham gia giao thông nghĩ đến hình phạt, chế tài hành chính, quy định quản lý GPLX… là không muốn, không dám vi phạm.

Ngoài ra, cũng cần sự lên án của cộng đồng đối với hành vi uống rượu bia của người điều khiển phương tiện. “Chúng ta cần có một cuộc vận động toàn xã hội cùng lên án hành vi này", Thượng tá Nhật nói.

Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho hay, Việt Nam đã có hàng loạt quy định về pháp luật về phòng chống và xử lý vi phạm nồng độ cồn với người sử dụng phương tiện cơ giới đường bộ.

Khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định rất rõ, người lái xe ô tô chuyên dùng tuyệt đối không được có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện. Người lái xe máy chỉ được phép có nồng độ cồn là 0,50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/l khí thở.

“Hiện chưa có thống kê chính thức để có con số cụ thể số vụ tai nạn giao thông (TNGT) và số người chết do TNGT liên quan đến rượu bia. Nhưng nếu lấy con số hơn 11.400 người chết vì TNGT vào năm 2011 và con số hơn 8.248 vào năm ngoái, thì TNGT nói chung và TNGT liên quan đến rượu bia đã giảm đáng kể”, ông Khuất Việt Hùng nói.

Nhiều ý kiến của cộng đồng mạng đề nghị tước bằng lái vĩnh viễn, tịch thu phương tiện… đối với những lái xe sử dụng rượu, bia.

Nhiều ý kiến của cộng đồng mạng đề nghị tước bằng lái vĩnh viễn, tịch thu phương tiện… đối với những lái xe sử dụng rượu, bia.

Mới đây nhất, vụ TNGT tại hầm Kim Liên (Hà Nội) do lái xe ô tô sử dụng rượu bia khiến hai người phụ nữ tử vong gây phẫn nộ trong dư luận. Mạng xã hội đã nhanh chóng lan truyền thông điệp “đã uống rượu bia thì không lái xe” hoặc "có cồn đừng dồn chân ga".

Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, sự phẫn nộ của xã hội trong vụ việc TNGT ở hầm Kim Liên vừa qua thể hiện nhận thức của người dân về vấn đề này (uống rượu bia khi lái xe) tốt lên nhiều.

Điều này thể hiện qua việc có rất nhiều ý kiến của cộng đồng mạng đề nghị tước bằng lái vĩnh viễn, tịch thu phương tiện… đối với những lái xe sử dụng rượu, bia. Trong khi chỉ trước đó 4 năm, năm 2015, khi xây dựng Nghị định 171 sửa đổi, ban soạn thảo đã nhận được rất nhiều “gạch đá” khi kiến nghị bổ sung chế tài, nếu tái phạm vi phạm nồng độ cồn thì có thể tịch thu phương tiện.

“Lúc đó cũng có một số ý kiến đề xuất phải xử lý hình sự hành vi uống rượu bia vẫn lái xe và cũng nhận “gạch đá” không kém. Nhưng hiện tại, ý kiến đề xuất tịch thu phương tiện, xử lý hình sự với hành vi vi phạm nồng độ cồn rất được hoan nghênh ủng hộ”, ông Hùng nói.

Thực tế, các chế tài xử lý vi phạm trong luật và Nghị định 46 rất mạnh, mức vi phạm 0,4mg/lít khí thở bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng. Mới đây nhất, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã ký Chỉ thị 04 tăng cường xử lý vi phạm liên quan tới rượu bia khi sử dụng phương tiện giao thông.

Tuy nhiên. theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ, Tổng cục sẽ có nghiên cứu cụ thể để có thể tăng mức tiền xử phạt, tước giấy phép lái xe và nhiều hình thức phạt bổ sung.

PGS-TS Nguyễn Đức Chính, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế Bệnh viện Việt Đức cho hay,trung bình mỗi ngày Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận cấp cứu trên 300 bệnh nhân đủ các loại về tai nạn thương tích, riêng TNGT thời gian đỉnh điểm lên tới 150 ca/ngày.

Đáng nói, những bệnh nhân TNGT tới Bệnh viện Việt Đức thường trong tình trạng nghiêm trọng, bị chấn thương sọ não, nguy cơ tử vong cao chiếm tới 1/3; số còn lại nếu sống cũng phải chịu cảnh tàn tật. Đây chính là gánh nặng cho gia đình, xã hội!

Hiền Anh

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/co-the-tuoc-giay-phep-lai-xe-doi-voi-lai-xe-su-dung-ruou-bia-post298310.info