Có thể tăng giờ làm thêm tối đa tới 400 giờ/năm

Một trong những nội dung đáng quan tâm của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) là đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Đề xuất này được đưa ra dựa trên tổng hòa các yếu tố về điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu doanh nghiệp, nhu cầu và sức khỏe của người lao động.

Ảnh minh họa: Trần Hải.

Ảnh minh họa: Trần Hải.

Đề xuất tăng giờ làm thêm tối đa thêm 100 giờ/ năm

Bộ luật Lao động hiện hành quy định, số giờ làm thêm tối đa của người lao động (NLĐ) là không quá 50% số giờ làm việc bình thường/ngày, 30 giờ/tháng và tổng số không quá 200 giờ/năm. Trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ/năm. Tuy nhiên, doanh nghiệp (DN) phải thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.

Thời gian qua, Ban soạn thảo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đã nhận được nhiều đề xuất nghiên cứu sửa đổi Bộ luật theo hướng mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa. Lý do chính là đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động, tăng sự linh hoạt trong bố trí sản xuất kinh doanh của DN.

Các DN, hiệp hội DN, nhà đầu tư nước ngoài góp ý kiến, giới hạn làm thêm giờ tối đa theo tháng, theo năm đang ở mức thấp và đề xuất sửa đổi quy định này theo hướng mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa theo năm để vừa bảo đảm tốt hơn quyền làm việc của NLĐ nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của DN, tạo ra của cải vật chất cho xã hội cũng như bảo đảm tính cạnh tranh của thị trường lao động so với các quốc gia trong khu vực.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, quy định của Bộ luật Lao động hiện hành đang khống chế số giờ làm thêm thấp hơn tiêu chuẩn các nhãn hàng/người mua hàng cũng đang gây khó khăn cho các DN gia công hàng xuất khẩu. Trên thực tế, các DN dệt may, da giày, chế biến thủy sản, lắp ráp linh kiện điện tử... thường phải tổ chức làm thêm giờ trong những tháng cao điểm để hoàn thành tiến độ đơn hang, dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật trong nước về giới hạn làm thêm giờ, trong khi chưa vi phạm tiêu chuẩn của nhãn hàng.

Do đó, mở rộng khung thỏa thuận về làm thêm giờ sẽ đáp ứng được nhu cầu của DN, tăng tính linh hoạt khi tổ chức làm thêm giờ và góp phần tăng tính cạnh tranh của DN, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cũng nhằm đáp ứng nhu cầu của một bộ phận NLĐ và góp phần bảo vệ tốt hơn quyền lợi tiền lương của NLĐ.

Ban soạn thảo thấy rằng, việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ tối đa là cần thiết và áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt, đối với một số ngành nghề sản xuất kinh doanh nhất định. Do đó, đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt này sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm.

Qua khảo sát, đánh giá và tham vấn ý kiến của các bên trong quá trình soạn thảo, đa số ý kiến tán thành. Đây là mức giờ tăng thêm tối ưu hóa mặt tích cực, hạn chế thấp nhất mặt tiêu cực của việc làm thêm giờ trên cơ sở các nghiên cứu, cân nhắc và đánh giá tác động về kinh tế, xã hội và tác động giới. Mức tăng thêm tương đối phù hợp xét trên tổng hòa các yếu tố về điều kiện kinh tế xã hội, thu hút đầu tư, nhu cầu DN, nhu cầu và sức khỏe của NLĐ.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc tăng giờ làm thêm ảnh hưởng tới thể chất, sức khỏe nghề nghiệp của NLĐ. Đó là tình trạng mệt mỏi, căng thẳng, dễ xảy ra tai nạn lao động ở những giờ làm thêm; có thể gây ra thiếu việc làm do DN không muốn tuyển mới lao động mà huy động NLĐ hiện có làm thêm giờ. Do đó, để khắc phục những tác động tiêu cực về làm thêm giờ và bảo bảo đảm sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài cho NLĐ, dự thảo Bộ luật Lao động quy định các biện pháp cụ thể.

Thứ nhất là quy định nguyên tắc. Trong mọi trường hợp huy động làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thỏa thuận với NLĐ. Chỉ khi được NLĐ đồng ý thì mới được huy động làm thêm giờ.

Thứ hai là, bảo đảm số giờ làm thêm trong một ngày không quá 50% số giờ làm việc bình thường. NLĐ làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca làm việc khác. Các quy định này sẽ bảo đảm tổng thời gian làm việc trong ngày của NLĐ là không quá 12 giờ (kể cả thời giờ làm thêm) và NLĐ sẽ được nghỉ ngơi ít nhất 12 giờ mỗi ngày.

Thứ ba là, trả lương và đãi ngộ hợp lý cho NLĐ khi làm thêm giờ. Tiền lương làm thêm giờ phải cao hơn tiền lương giờ làm việc tiêu chuẩn, ít nhất bằng 150% nếu làm thêm giờ vào ngày thường, 200% nếu làm việc vào ngày nghỉ hằng tuần và 300% nếu làm việc vào ngày nghỉ lễ, Tết (Điều 99 dự thảo Bộ luật). Ngoài ra, dự thảo bổ sung quy định. Việc trả lương lũy tiến cao hơn mức trên thì do hai bên thỏa thuận.

Chính phủ sẽ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành việc tổ chức làm thêm quá 200 giờ trong một năm trong Nghị định theo một số nguyên tắc. Đó là DN phải thông báo và được chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh. Cùng với đó, DN không được huy động NLĐ làm thêm giờ trong thời gian dài liên tục và phải bố trí thời gian nghỉ giải lao hợp lý cho NLĐ khi làm thêm giờ. Thêm nữa, quy định một số ngành nghề được mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt như đối với một số ngành nghề gia công, dệt, may, da, giày, chế biến, chế tạo, lắp ráp, công nghệ thông tin, các ngành nghề sản xuất có tính thời vụ như chế biến nông - lâm - thủy sản.

Nên thống nhất thời gian làm việc của cơ quan hành chính

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa ra hai phương án về thời gian làm việc của công chức, viên chức, NLĐ trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

Hiện nay, giờ làm việc trong các cơ quan Nhà nước trong thực tế hiện nay đang có một số bất cập.

Trước hết, không có sự thống nhất giữa giờ làm việc của các cơ quan trung ương và địa phương. Các cơ quan trung ương bắt đầu làm việc lúc 8 giờ, trong khi đa số các địa phương bắt đầu từ 7 giờ vào mùa hè hoặc 7 giờ 30 với mùa đông. Ngay trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cũng có sự khác nhau.

Điều này chưa bảo đảm sự liên kết, kết nối giữa giờ làm việc của khối cơ quan hành chính nhà nước ở trung ương và địa phương, chưa phù hợp xu thế chung của các nước phát triển.

Dự thảo Bộ luật Lao động trình phương án 1, bổ sung vào Bộ Luật Lao động quy định: “Giao Chính phủ quy định thống nhất thời điểm bắt đầu và kết thúc thời gian làm việc của các cơ quan hành chính trên cả nước”. Thời gian làm việc dự kiến là từ 8 giờ 30 đến 17 giờ 30, nghỉ trưa 60 phút (trừ những đơn vị hoặc bộ phận phải thường trực 24/24 giờ để bảo đảm liên thông công việc hoặc trực tiếp giải quyết công việc với người dân). Phương án này giúp thống nhất giờ làm việc cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, phù hợp hơn với thời gian làm việc của các quốc gia.

Phương án 2 là giữ nguyên như hiện hành, thời gian làm việc không được quy định trong Bộ luật Lao động mà được quy định tại các văn bản hành chính. Đối với các Bộ do Thủ tướng quyết định, đối với Ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

* Số liệu thống kê thực tiễn làm thêm giờ trên thế giới cho thấy

Các nước có thu nhập bình quân đầu người dưới 20.000 USD thì thời giờ làm việc của NLĐ là từ 1600 - 2400 giờ/năm.

Các nước có thu nhập bình quân đầu người từ 20.000-40.000 USD: Thời giờ làm việc của NLĐ là từ 1600 - 2300 giờ/năm.

Các nước có thu nhập bình quân đầu người trên 40.000 USD thì thời giờ làm việc của NLĐ là từ 1400 - 1800 giờ/năm.

Các nước có năng suất lao động (GDP cho mỗi giờ làm việc) cao như Na Uy (>= 100 USD/giờ), NLĐ làm việc chỉ 1400 giờ/năm.

Ngược lại, các nước năng suất thấp (= 0 - 20 USD/giờ như Campuchia, Bangladesh, Pakistan, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia): NLĐ làm việc từ 2.000-2.400 giờ/năm.

(Nguồn: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội)

* Hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu từ năm 2021

XUÂN ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40045402-co-the-tang-gio-lam-them-toi-da-toi-400-gio-nam.html