Có thể quan sát mưa sao băng Delta Aquarids hai ngày tới

Rạng sáng các ngày 28-29/7, người yêu thích thiên văn học Việt Nam có thể quan sát mưa sao băng Delta Aquarids.

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn – Chủ tịch Hội thiên văn học trẻ Việt Nam cho biết, thời gian lý tưởng nhất để quan sát hiện tượng mưa sao băng Delta Aquarids là từ 2h sáng cho tới lúc trước bình minh. Tuy nhiên, trận mưa sao băng này được đánh giá là không lớn, cực điểm chỉ đạt 15-20 vệt/giờ. Trong khi đó, thời gian cực điểm của hiện tượng lại rơi vào những đêm trăng sáng nên việc quan sát sẽ khó khăn hơn. Để quan sát hiện tượng này, người quan sát chỉ cần dùng mắt thường, không cần sự hỗ trợ của các dụng cụ thiên văn.

Vị trí chòm sao Aquarius – trung tâm của mưa sao băng Delta Aquarids.

Mưa sao băng là hiện tượng xảy ra khi Trái đất đi tới khu vực quĩ đạo có rất nhiều thiên thạch nhỏ. Những đám thiên thạch này thường là kết quả để lại của các sao Chổi khi chúng tới gần Mặt trời. Khi Trái đất lướt qua, lực hấp dẫn của nó kéo rất nhiều thiên thạch nhỏ lao vào khí quyển và bốc cháy, tạo thành những vệt sáng gọi là sao băng.

Mưa sao băng Delta Aquarids được cho là kết quả để lại của sao chổi 96P Machholz - một sao chổi chu kì ngắn đã tới cận nhật lần gần đây nhất là vào năm 2012 và lần tới của nó sẽ là năm 2017. Trên thực tế, mưa sao băng này kéo dài từ giữa tháng 7 cho tới giữa hoặc gần cuối tháng 8. Vị trí trung tâm của hiện tượng này là .chòm sao Aquarius

Tới giữa tháng 8, một trận mưa sao băng khác có cường độ lớn nhất trong năm sẽ xuất hiện, đó là mưa sao băng Perseids.

Theo CAND

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/vu-tru/co-the-quan-sat-mua-sao-bang-delta-aquarids-hai-ngay-toi-532774.html