Có thể mở rộng nâng năng suất Tân Sơn Nhất lên 60 triệu hành khách/năm

Việc mở rộng nâng năng suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 60 triệu khách/năm sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người tiêu dùng và nền kinh tế, trong khi lại không ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác sân bay Long Thành...

LTS: Với chỉ đạo của Thủ tướng khuyến nghị nghiên cứu khả năng mở rộng CHKQT Tân Sơn Nhất và chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP.HCM trong việc giao cho Nhóm Nghiên cứu định hướng chỉnh trang và mở rộng Cảng Hàng không Quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất với tư duy đổi mới, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế, để có thể góp ý cho Chính phủ và đơn vị chủ trì thực hiện là Bộ Giao thông Vận tải, nhằm giúp CHKQT Tân Sơn Nhất nâng cao năng suất đến mức tối đa trong tương lai. Nhóm Nghiên cứu đã xem xét: - Dự báo nhu cầu hàng không thông qua CHKQT Tân Sơn Nhất giai đoạn 2017-2025 và 2025-2035; - Đánh giá thiệt hại kinh tế do CHKQT Tân Sơn Nhất không đáp ứng được nhu cầu giai đoạn 2017-2030 và sau đó; - Các yếu tố kỹ thuật quyết định năng suất tối đa của CHKQT Tân Sơn Nhất; - Vấn đề quy hoạch đô thị và kết nối giao thông xung quanh CHKQT Tân Sơn Nhất.

Vào tháng 3.2018 Nhóm nghiên cứu đề xuất phương án mở rộng CHKQT Tân Sơn Nhất tăng năng suất lên 60 triệu khách/năm với việc cải thiện hai đường cất hạ cánh hiện hữu và xây dựng thêm nhà ga hành khách ở mặt Bắc để mở thêm hướng kết nối giao thông ra Quốc lộ 1 và tạo thuận lợi cho hành khách các tỉnh vùng Nam bộ và Nam Trung bộ vào ra sân bay không phải đi vào hướng từ nội đô. Là một chuyên gia thành viên của Nhóm nghiên cứu, PGS-TS. Nguyễn Thiện Tống (nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP.HCM) đã có loạt bài viết gửi riêng cho Người Đô Thị với những phân lích, dẫn chứng cũng như dự báo về phương án mở rộng tăng năng suất sân bay Tân Sơn Nhất.

Kẹt xe ở cổng vào sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Zing

Kẹt xe ở cổng vào sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Zing

Bài 1: Dự báo nhu cầu hàng không qua Tân Sơn Nhất và đánh giá thiệt hại kinh tế nếu sân bay này bị giới hạn năng suất

CHKQT Tân Sơn Nhất có lưu lượng hành khách lớn nhất Việt Nam, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và doanh nghiệp không chỉ tại TP.HCM mà còn cả khu vực lân cận bao gồm Nam Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ. Hiện nay CHKQT Tân Sơn Nhất đang hoạt động vượt quá năng suất thiết kế 28 triệu HK/năm nên CHKQT Long Thành được dự kiến xây dựng và đưa vào hoạt động năm 2025.

Cả hai CHKQT Tân Sơn Nhất và Long Thành có chung một mục đích là phục vụ nhu cầu đi lại hàng không cho TP.HCM và khu vực lân cận nên để xác định quy mô tối ưu của CHKQT Tân Sơn Nhất thì cần phải dự báo nhu cầu hành khách hàng không trong giai đoạn 2017 – 2035. Nếu qui mô CHKQT Tân Sơn Nhất bị hạn chế và không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng không thì sẽ tạo ra thiệt hại cho người tiêu dùng, doanh nghiệp, ngành du lịch và phát triển kinh tế quốc gia.

Nếu tăng trưởng hành khách hàng không của Tân Sơn Nhất bị hạn chế thì tăng trưởng ngành hàng không Việt Nam, ngành du lịch và nhiều ngành liên quan cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực trong toàn nền kinh tế Việt Nam và đặc biệt là TP.HCM.

Mục tiêu tăng trưởng hàng không Việt Nam và với Tân Sơn Nhất

Theo Quyết định 236/QĐ-TTg ngày 23.02.2018, mục tiêu tăng trưởng vận chuyển hành khách (HK) hàng không là 16%/năm giai đoạn 2015-2020, và 8%/năm giai đoạn 2020-2030. Vì khoảng 60% tổng số hành khách hàng không Việt Nam đi qua CHKQT Tân Sơn Nhất nên nhu cầu hành khách của CHKQT Tân Sơn Nhất cũng cần tăng trưởng với tốc độ tương tự để giúp ngành hàng không Việt Nam đạt mục tiêu vào năm 2020 và giai đoạn 2020-2030.

Ứng với mục tiêu tăng trưởng này, số hành khách của Tân Sơn Nhất sẽ đạt 56 triệu hành khách vào năm 2020, 82,5 triệu HK vào năm 2025, 96,3 triệu HK năm 2027, và 121,3 triệu HK năm 2030.

Mối quan hệ giữa tăng trưởng GDP và vận chuyển hành khách hàng không

Các nghiên cứu trên thế giới đã khẳng định mối quan hệ hỗ tương chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế (GDP) và tăng trưởng vận chuyển hàng không trong dài hạn. Tăng trưởng kinh tế là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng vận chuyển hàng không. Việc thúc đẩy phát triển ngành hàng không là một chiến lược hiệu quả thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong giai đoạn 1971-2016, trung bình cứ 1% tăng trưởng GDP thế giới sẽ ứng với 1,83% tăng trưởng hàng không thế giới. Hệ số 1,83 được gọi là hệ số đàn hồi Hành khách/GDP.

Tại Việt Nam, trung bình 1% tăng trưởng GDP tạo ra 2,44% tăng trưởng hành khách hàng không. Mức độ đàn hồi hành khách hàng không/GDP của Việt Nam cao hơn nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực vì đặc điểm đất nước dài, hẹp, và các phương tiện vận chuyển hành khách cạnh tranh với hàng không như đường sắt cao tốc và đường bộ cao tốc chưa phát triển.

Dòng người xếp hàng làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất vì bị quá tải. Ảnh: Zing

Tăng trưởng GDP và vận chuyển hành khách của Việt Nam trong từng nửa giai đoạn luôn cao hơn nhiều so với trung bình của Thế giới lẫn trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. Hệ số đàn hồi hành khách/GDP của Việt Nam trong toàn bộ giai đoạn 1996-2016 là 2,44 lần.

Khoảng 60% tổng số hành khách vận chuyển hàng không Việt Nam đi qua CHKQT Tân Sơn Nhất nên tốc độ tăng trưởng hành khách của Tân Sơn Nhất có quan hệ mật thiết với tốc độ tăng trưởng hành khách hàng không Việt Nam cũng như tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Hệ số đàn hồi hành khách/GDP của Quốc tế TSN luôn ổn định ở mức 1,5 lần, ứng với mức tăng trưởng hành khách quốc tế ổn định 9-10%/năm. Trong khi đó, hệ số đàn hồi hành khách/GDP của Quốc nội TSN tăng từ 1,63 lần giai đoạn 1996-2006 lên 3,13 lần trong giai đoạn 2006-2016, ứng với mức tăng trưởng hành khách quốc nội tăng từ 10,88% lên 18,9%. Mức tăng trưởng quốc nội ấn tượng này được tạo ra trong bối cảnh hàng không giá rẻ phát triển mạnh ở Việt Nam.

Tốc độ tăng trưởng tổng hành khách bình quân của TSN là 12,38% trong giai đoạn 1996-2016. Đây là tốc độ tăng trưởng cao so với bình quân tại các sân bay khác trên thế giới. Để tránh ước lượng lạc quan dựa trên tăng trưởng cao trong quá khứ, dự báo tăng trưởng hành khách TSN dựa vào các giả thiết mang tính bảo thủ.

Bảng 1 tóm tắt kết quả dự báo nhu cầu hành khách quốc tế và quốc nội của TSN cho giai đoạn 2017-2025. Ứng với 3 tình huống tăng trưởng Trung bình, Thấp và Cao, tổng số hành khách qua TSN vào năm 2025 lần lượt là 79, 66, và 86 triệu hành khách.

Dự báo nhu cầu hành khách quốc tế và quốc nội qua TSN cho giai đoạn 2017-2025:

Dự báo tăng trưởng vận chuyển hàng không của TP.HCM và khu vực lân cận đến năm 2035

Khoảng 36 triệu lượt hành khách đi qua CHKQT Tân Sơn Nhất năm 2017, cao hơn nhiều so với năng suất thiết kế 28 triệu HK/năm nên Thủ tướng khuyến nghị nghiên cứu khả năng mở rộng CHKQT Tân Sơn Nhất trong khi chưa có CHKQT Long Thành.

Theo kế hoạch thì sớm nhất là năm 2025 CHKQT Long Thành mới bắt đầu hoạt động. Cả hai CHKQT Tân Sơn Nhất và Long Thành có chung một mục đích là phục vụ nhu cầu hàng không của thành phố Hồ Chí Minh và khu vực lân cận nên để xác định quy mô tối ưu của CHKQT Tân Sơn Nhất thì cần phải dự báo nhu cầu hành khách hàng không của thành phố Hồ Chí Minh và khu vực lân cận trong giai đoạn 2017 – 2035.

Dự báo tăng trưởng hành khách của Tân Sơn Nhất được dựa trên tăng trưởng GDP của Việt Nam. Ngoài ra, dựa trên dữ liệu vận chuyển hành khách thực tế của năm 2017 và mục tiêu tăng trưởng đề ra trong Quyết định 236, nhu cầu hành khách đến năm 2030 cũng được tính toán. Bên cạnh đó các nguồn dự báo khách quan và tin cậy của Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA), Sabre (Hệ thống phân phối toàn cầu lớn nhất chuyên cung cấp công nghệ phục vụ dịch vụ đặt vé máy bay) cũng được tham khảo. Để so sánh các kết quả, dự báo của Tư vấn Pháp ADPi, và dự báo của đề án sân bay Long Thành (2013) cũng được tham khảo.

Hình 1 cho thấy sự khác biệt rất lớn giữa 2 nhóm dự báo. Nhóm thứ nhất cho kết quả dự báo khoảng 50 triệu lượt hành khách hoặc ít hơn vào năm 2025. Nhóm này gồm dự báo của ADPi và dự báo của Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành (2013). Điều đáng nhấn mạnh là dự báo của của đề án CHKQT Long Thành (2013) đã trở nên rất lạc hậu và xa rời thực tế.

Theo dự báo này, nhu cầu vận chuyển hành khách của thành phố Hồ Chí Minh và khu vực vào năm 2017 đạt 22,6 triệu hành khách, nhưng thực tế đã đạt 36 triệu, cao hơn dự báo 59%.

Đáng tiếc là các dự báo của Tư vấn Pháp ADPi vào năm 2025-2027 cho kết quả rất gần với một dự báo đã rõ ràng lạc hậu và xa rời thực tế tương tự như dự báo của đề án CHKQT Long Thành (2013).

Dự báo nhu cầu hành khách chung của 2 CHKQT Tân Sơn Nhất và Long Thành (hình 1):

Các dự báo của Nhóm nghiên cứu ở TP.HCM và của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho kết quả tương tự như dự báo dựa trên mục tiêu tăng trưởng đề cập trong Quyết định 236/QĐ-TTg. Các kết quả này cho thấy nhu cầu vận chuyển hành khách hàng không sẽ đạt khoảng 80 triệu vào năm 2025, cao hơn khoảng 30 triệu so với dự báo của Tư vấn Pháp ADPi. Dự báo của Tư vấn Pháp ADPi sẽ hoàn toàn xa rời thực tế khi năng suất CHKQT Tân Sơn Nhất có thể mở rộng trên 50 triệu khách/năm.

Việc dự báo sai và quá thấp sẽ dẫn đến việc lập quy hoạch sân bay không đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, và sân bay mới xây dựng sẽ bị quá tải sau một thời gian ngắn khi đi vào hoạt động.

Đánh giá thiệt hại kinh tế do Tân Sơn Nhất bị giới hạn năng suất

Giả sử năng suất tối đa của CHKQT Tân Sơn Nhất là 40 triệu HK/năm từ 2018 rồi mở rộng lên 50 triêu HK/năm vào năm 2022, nếu CHKQT Long Thành đi vào hoạt động từ đầu năm 2025 với năng suất thiết kế 25 triệu HK/năm thì ngay năm 2025 nhu cầu là 78,7 triệu HK, vượt tổng năng suất 75 triệu HK của cả hai sân bay nên sân bay Long Thành bắt đầu quá tải. Tổng số lượt hành khách quá tải không được đáp ứng tích lũy đến năm 2025 là 73,7 triệu HK và đến năm 2030 là 183,1 triệu HK.

Nếu năng suất CHKQT Tân Sơn Nhất được nâng lên mức 60 triệu HK/năm vào năm 2022 thì mức độ quá tải sẽ ít hơn nhưng sân bay Long Thành cũng bị quá tải vào năm 2027. Trong trường hợp này tổng số lượt hành khách quá tải không được đáp ứng tích lũy đến năm 2025 là 41,3 triệu HK và tích lũy đến năm 2030 là 101,5 triệu HK.

Nhu cầu hành khách quá tải không được cụm CHKQT Tân Sơn Nhất và Long Thành đáp ứng nếu năng suất Tân Sơn Nhất ở mức 50 triệu HK/năm hay 60 triệu HK/năm:

Theo một nghiên cứu của IATA, năm 2016 ngành Hàng không Việt Nam vận chuyển 51 triệu lượt hành khách và đóng góp 9 tỷ USD vào nền kinh tế Việt Nam. Như vậy trung bình mỗi hành khách hành không góp phần tạo ra giá trị gia tăng (GTGT) 176 USD cho nền kinh tế Việt Nam.

Do đó việc giới hạn năng suất CHKQT Tân Sơn Nhất ở mức 50 triệu HK/năm thay vì 60 triệu HK/năm làm cho số hành khách quá tải không được đáp ứng tăng lên 32,4 triệu HK tính tích lũy đến năm 2025 gây thiệt hại kinh tế 5,7 tỷ USD. Tính tích lũy đến năm 2030 số hành khách quá tải không được đáp ứng tăng lên 81,6 triệu HK và thiệt hại kinh tế là 14,4 tỷ USD.

Nếu CHKQT Long Thành đi vào hoạt động muộn hơn vào năm 2027 thì tính tích lũy đến năm 2030 số hành khách quá tải không được đáp ứng tăng lên 88,7 triệu HK và thiệt hại kinh tế là 15,6 tỷ USD.

Vì cả Tân Sơn Nhất và Long Thành sẽ quá tải trước năm 2030 nên mở rộng nâng năng suất Tân Sơn Nhất lên 60 triệu HK/năm sẽ tiếp tục phát huy giá trị sau năm 2030. Mỗi năm Tân Sơn Nhất sẽ tiếp tục vận chuyển thêm 10 triệu HK, ứng với giá trị gia tăng cho kinh tế Việt Nam 1,75 tỷ USD/năm.

Tóm lại, việc mở rộng nâng năng suất Tân Sơn Nhất lên 60 triệu HK/năm sẽ không ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác sân bay Long Thành vì cả cụm CHKQT Tân Sơn Nhất - Long Thành sẽ quá tải trước năm 2030. Ngược lại, việc mở rộng CHKQT Tân Sơn Nhất lên mức năng suất 60 triệu HK/năm sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người tiêu dùng và nền kinh tế.

Còn tiếp...

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/co-the-mo-rong-nang-nang-suat-tan-son-nhat-len-60-trieu-hanh-khach-nam-18205.html