Có thể lật ghế Chủ tịch, quyền lực của Messi lớn cỡ nào?

Trên thế giới không cầu thủ nào quyền lực như Lionel Messi, thứ quyền lực khiến tất cả phục tùng vô điều kiện. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là anh không ham muốn và đòi hỏi quyền lực đó.

Trên thế giới không cầu thủ nào quyền lực như Lionel Messi, thứ quyền lực khiến tất cả phục tùng vô điều kiện. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là anh không ham muốn và đòi hỏi quyền lực đó.

Bạn có biết, trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, một cử tri đã điền tên Lionel Messi vào lá phiếu bởi nghĩ rằng siêu sao người Argentina sẽ là một nhà lãnh đạo tốt hơn Hillary Clinton hoặc Donald Trump?

Mặc dù George Weah, một cựu cầu thủ bóng đá nay là Tổng thống Liberia, là ví dụ tốt cho thấy Messi hoàn toàn có cơ hội để trở thành chính trị gia, sau đó điều hành đất nước, song viễn cảnh ấy vẫn quá xa vời. Tuy nhiên, trở thành người đứng đầu một CLB thì hoàn toàn có thể.

Santi Gimenez, Tổng Biên tập Diario AS, vào đầu năm nay đã nói rằng, Barca chắc chắn sẽ tốt hơn nếu Messi làm Chủ tịch, thay vì Josep Maria Bartomeu. Ít nhất đội bóng này đã không rơi vào tình trạng hỗ loạn với các quyết định bổ nhiệm HLV sai lầm, các vụ mua sắm thất bại và tốn kém trong nhiều năm.

Tại sao tất cả tin rằng Messi có thể trở thành nhà lãnh đạo? Đơn giản vì La Pulga tỏa ra một thứ sức mạnh ngầm, mang đến cho anh quyền lực tối thượng. Trong khi các chính trị gia cố gắng tạo ra ảnh hưởng bằng chiêu trò và những lời hứa hẹn, Messi dễ dàng có được điều ấy dựa trên kỹ năng chơi bóng siêu đẳng, các khoảnh khắc thiên tài khiến bùng nổ cảm xúc và niềm đam mê. Anh làm điều đó bền bỉ trong 16 năm qua, và lôi cuốn hàng triệu người hâm mộ từ châu Phi, châu Âu, châu Á đến châu Mỹ.

Vào 20 năm trước, thật khó tin khi nghĩ rằng Messi, đứa bé gày gò, nhỏ thó, nhút nhát và ít nói trong phòng thay đồ của Infantil B (U12 Barca), rồi sẽ trở thành một nhân vật giàu ảnh hưởng đến vậy. Nhưng cần lưu ý ở đây, bản thân Messi không kiếm tìm quyền lực. Nó tự tìm đến với anh.

Chúng ta biết rằng khi trưởng thành, hoặc bây giờ là một cầu thủ 33 tuổi, Messi vẫn hết sức kiệm lời. Người bạn thân nhất với Messi là chiếc điện thoại. Ngoại trừ khoảng thời gian trên sân, còn lại trên xe bus, trong phòng thay đồ hay căng tin, Messi luôn cắm mặt vào điện thoại. Khi ấy, đám cầu thủ trẻ sẽ sợ hãi không dám lại gần, còn những người khác cũng hiểu rằng chớ làm phiền anh.
Những tác động thần thánh dựa trên tài năng phi phàm khiến tất cả tôn sùng, khuất phục và sợ hãi Messi. Họ cố gắng “đọc” ngôn ngữ cơ thể của anh, tìm hiểu anh muốn gì để làm hài lòng anh hết mức có thể, giữ cho anh hạnh phúc.

Người ta đồn đoán rằng, Messi chi phối hoạt động chuyển nhượng, sa thải hay bổ nhiệm HLV và sắp xếp đội hình, định hướng phong cách mà Barca sẽ chơi. Thật ra không phải. Messi có quyền đưa ra ý kiến mỗi khi được tham vấn, thí dụ như việc anh bày tỏ sự mong muốn được chơi cùng Sergio Aguero hay Neymar, hoặc sẽ rất vui nếu Xavi dẫn dắt Barca. Nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về CLB, không phải “đứa trẻ đến Rosario”.

Đôi khi sự phục tùng thái quá, hoặc những hành động săn đón để chiều lòng Messi đưa tới sự hiểu nhầm. Như việc Pep Guardiola nhắc nhở HLV Alejandro Sabella khi ông này nắm ĐT Argentina, rằng “với Messi, nói ít thôi, chỉ những điều cần thiết”. Bản thân Pep cũng không dám yêu cầu Messi làm điều này, điều nọ, mà chỉ đưa ra các ý tưởng kiểu “tôi nghĩ rằng nó có thể tốt” hay “cậu nghĩ sao nếu chúng ta thử cách này”.

Tóm lại, Messi không phải mẫu người tham quyền lực. Anh thậm chí lo lắng về điều đó. Cựu tiền vệ Juan Sebastian Veron kể rằng, Messi ngủ nhiều hơn những người khác và rất coi trọng giấc ngủ trưa. Duy nhất một lần anh mất ngủ, đi đi lại lại trong phòng với sự lo lắng. Đó là khi Messi sẽ có cuộc nói chuyện với các đồng đội lần đầu tiên với tư cách đội trưởng ĐT Argentina.

Thế nhưng, vì tài năng, ảnh hưởng cùng sự lôi cuốn tự nhiên, anh được trang bị thứ quyền lực tối thượng đủ khiến tất cả phải phục tùng.

Chúng ta đã thấy Giám đốc Javier Faus phải rời Hội đồng quản trị Barca năm 2013 vì mỉa mai hợp đồng của Messi. Pere Gratacos cùng bị sa thải khỏi Học viện vì nói rằng “Messi sẽ không còn là Messi khi mất Neymar và Iniesta”. Người mới nhất mất việc là Giám đốc thể thao Eric Abidal, sau khi bị Messi chỉ trích hồi đầu năm.

Chúng ta cũng đã thấy người hâm mộ Barca quỳ xuống, khóc van cầu xin anh đừng rời Barca, trong khi những người ở nơi khác làm điều tương tự để xin anh tới đội bóng của họ. Rồi khi anh gửi bản fax tới ban lãnh đạo yêu cầu ra đi, tất cả đổ lỗi cho Chủ tịch Bartomeu và dẫn đến các cuộc biểu tình kêu gọi ông này từ chức. Vào thứ năm, Bartomeu tuyên bố sẽ rời nhiệm sở nếu đó là mong muốn của Messi, qua đó khiến anh từ bỏ ý định ra đi.

Một cầu thủ có thể lật nhào chiếc ghế của Chủ tịch CLB mà không cần ra lệnh, trên thế giới này chỉ có mình Messi làm được. Vì vậy, nếu Messi trở thành Tổng thống trong tương lai, đừng ai cảm thấy ngạc nhiên.

HẢI THANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan1/co-the-lat-ghe-chu-tich-quyen-luc-cua-messi-lon-co-nao--614702/