Có thể khai hỏa nhưng vì sao S-400 Nga không ngay lập tức trả đũa F-16 Israel?

Trong buổi họp báo hôm 24/9, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga - Thiếu tướng Igor Konashenkov đã công bố dữ liệu thu được từ radar hệ thống phòng không S-400 làm bằng chứng kết tội Israel gài bẫy để Syria bắn rơi máy bay trinh sát Il-20 của họ.

 Căn cứ theo dữ liệu radar mà tổ hợp phòng không tầm xa S-400 cung cấp, Thiếu tướng Igor Konashenkov khẳng định với các nhà báo rằng lời kết tội Không quân Israel cố tình "gài bẫy" máy bay trinh sát Il-20 của Nga là có cơ sở.

Căn cứ theo dữ liệu radar mà tổ hợp phòng không tầm xa S-400 cung cấp, Thiếu tướng Igor Konashenkov khẳng định với các nhà báo rằng lời kết tội Không quân Israel cố tình "gài bẫy" máy bay trinh sát Il-20 của Nga là có cơ sở.

Hình ảnh trên cho thấy rất rõ 1 chiếc tiêm kích F-16 của Không quân Israel đã tách tốp khỏi 3 chiếc còn lại và núp sau máy bay trinh sát Il-20 của Nga, khiến nó trở thành đối tượng ngắm bắn của tên lửa S-200.

Quả tên lửa S-200 đã tiếp cận mục tiêu từ độ cao lớn rồi đột ngột bổ nhào xuống, đạn tự động "khóa" vào mục tiêu có diện tích phản xạ radar lớn hơn là chiếc Il-20 khiến máy bay bị bắn hạ.

Với bằng chứng vừa đưa ra, Nga tuyên bố rằng, việc Israel nói tốp chiến đấu cơ của họ không liên quan đến thảm họa của chiếc Il-20 là hoàn toàn ngụy biện.

Thậm chí sau khi chiếc Il-20 bị trúng đạn, các tiêm kích Israel còn quần thảo ngoài khơi Syria thêm 45 phút nữa mới rút về, khác hẳn thông báo ban đầu của Tel Aviv là khi chiếc Il-20 bị hạ thì máy bay của họ đã hạ cánh từ lâu.

Tuy nhiên vấn đề thu hút sự quan tâm ngay sau đó là tại sao khi đã phát hiện được máy bay Israel cố tình chơi xấu mình và chúng vẫn nằm hoàn toàn trong tầm bắn của S-400 mà phòng không Nga lại không trả đũa ngay lập tức?

Đầu tiên phải xác định rõ rằng Israel chỉ là bên gián tiếp khiến chiếc Il-20 của Nga bị rơi, còn trực tiếp phóng quả đạn lại là kíp trắc thủ điều khiển tên lửa phòng không S-200 của Syria.

Nếu trong tình huống đó kíp điều khiển tên lửa S-400 của Nga mất bình tĩnh phóng đạn trả đũa và tiêu diệt máy bay Israel thì tình hình lại đổi khác, Nga từ vị thế nạn nhân bỗng trở thành bên tuyên chiến trước.

Đối đầu với một lực lượng hùng mạnh như Quân đội Israel thì Nga phải đề ra bước đi đầy tính toán, bởi nếu không khéo thì họ sẽ bị lôi vào cuộc chiến tranh cực kỳ khốc liệt, đây là điều mà Moskva luôn muốn tránh.

Ngoài ra Israel đã mạnh lại không hề đơn độc như Nga vào thời điểm này, khi sau lưng họ là hàng loạt cường quốc bao gồm Mỹ, Đức, Pháp luôn sẵn sàng hỗ trợ bằng mọi cách.

Giải pháp mà người Nga tiến hành đó là cung cấp tên lửa phòng không S-300 cho Syria theo bình luận của nhiều chuyên gia quân sự thì rõ ràng là bước đi hợp lý hơn rất nhiều.

Nếu tên lửa S-300 mà Nga cung cấp cho Syria bắn rơi tiêm kích Israel khi không quân nước này xâm phạm lãnh thổ quốc gia Trung Đông thì Tel Aviv chẳng thể nào trách cứ Nga với bất cứ lý do gì.

Bởi vì trong sự kiện vừa xảy ra Israel là bên có lỗi, trước đó Nga đã rất để tâm đến thỉnh cầu của Tel Aviv và dừng việc chuyển giao S-300 cho Syria, nhưng vì hành động của Israel mà kế hoạch trên đã được nối lại.

Quyết định của Nga có thể nói là lùi một bước nhưng lại tiến thêm đôi ba bước về phía trước, vừa không đẩy căng thẳng với Israel lên quá cao trong khi vẫn đạt được mục tiêu là trả đũa tương xứng hành động mà Tel Aviv đã thực hiện.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-co-the-khai-hoa-nhung-vi-sao-s400-nga-khong-ngay-lap-tuc-tra-dua-f16-israel/784260.antd