Có thể học ngữ pháp tiếng Anh trong 1 buổi: Không dễ...

Có thể học toàn bộ ngữ pháp tiếng Anh trong một ngày nhưng điều này chỉ xảy ra khi có ít nhất 2 điều kiện...

LTS: Diễn đàn khoa học “Phương pháp dạy và học tiếng Anh nhanh BBST để hội nhập quốc tế trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0” do Liên hiệp các Hội Khoa học- Kỹ thuật Việt Nam tổ chức đang nhận được nhiều sự quan tâm. Là Chủ tịch, Tổng giám đốc Trung tâm Anh Ngữ Smartcom - ông Nguyễn Anh Đức đã có quan điểm đồng thời chia sẻ thêm phương pháp học tiếng Anh đơn giản, hiệu quả hơn trong thời đại 4.0. Báo Đất Việt xin đăng tải bài viết đánh giá cùng những phân tích, nhận định của ông về chủ đề này.

Phương pháp học tiếng Anh trên 5 đầu ngón tay được ông Nguyễn Anh Đức giới thiệu. Ảnh: Face Nguyễn Anh Đức

Phương pháp học tiếng Anh trên 5 đầu ngón tay được ông Nguyễn Anh Đức giới thiệu. Ảnh: Face Nguyễn Anh Đức

Ngữ pháp là nguyên tắc để hình thành câu, và câu là đơn vị thể hiện trọn vẹn một ý.
Suy cho cùng, việc học ngoại ngữ là học cách để diễn đạt trọn vẹn ý của mình bằng một ngôn ngữ mới (nói và viết) và hiểu đúng đủ ý của người đối thoại (nghe, đọc). Chính vì thế ngữ pháp đóng vai trò thiết yếu trong quá trình học ngoại ngữ.

Câu hỏi đặt ra là chúng ta có thể học toàn bộ ngữ pháp tiếng Anh trong một ngày không? Và chúng ta nên học ngữ pháp khi nào? Câu trả lời là có thể. Nhưng nó chỉ xảy ra khi có ít nhất 2 điều kiện gồm: (1) - những người học đã đủ lớn tuổi; và (2) – người học đã tích lũy đủ một lượng từ vựng tiếng Anh cơ bản – có thể tham chiếu với 850 từ tiếng Anh cơ bản như nghiên cứu của tiến sĩ Odgen (Odgen, 1930).

Cụ thể là trẻ con, thường là dưới 8 tuổi, sẽ gần như không có khả năng hiểu được các nguyên tắc ngữ pháp phức tạp ngay cả trong tiếng mẹ đẻ chứ chưa nói đến ngoại ngữ. Dù là những đứa trẻ có thể giao tiếp được bằng tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai một cách khá tự nhiên, nhưng việc học và thực sự hiểu ngữ pháp quá sớm là điều không thể. Chính vì thế mà trẻ con chỉ thực sự học ngữ pháp, ngay cả của tiếng mẹ đẻ, khi đã qua giai đoạn học từ vựng và chữ viết của lớp 1, lớp 2.

Còn đối với người lớn, việc học ngữ pháp tiếng Anh cũng không thể bắt đầu nếu người ấy không có đủ vốn từ vựng tối thiểu. Mà thực chất như giáo sư ngôn ngữ nổi tiếng người Mỹ D. Krashen đã kết luận bất cứ người học sinh ngữ nào đều hấp thụ thông qua những yếu tố đầu vào có thể hiểu được (comprehensible input) (D. Krashen, 1981), mà những yếu tố ấy đầu tiên thường là các hình ảnh để hình thành nên từ vựng và cụm từ của nó. Ví dụ như ta nhìn vào khuôn mặt thì học cách nói “mắt”, “đôi mắt”, “tai”, “đôi tai”, “miệng”, “một cái miệng”, “tóc”, “những sợi tóc”, v.v… Thông qua hình ảnh cụ thể đó từ vựng ra đời, và rồi các cụm từ được hình thành… và người ta học được âm thanh, rồi cách viết về từ và cụm từ đó.

Vậy khi nào thì nên học ngữ pháp?

Đó là khi người học ngoại ngữ đã tích lũy được những từ vựng và các mẫu câu giao tiếp mang tính cơ bản nhất, hay nói cách khác là những yếu tố ngôn ngữ mang tính sinh tồn, nó giúp ta tồn tại được trong môi trường hoàn toàn bằng tiếng Anh. Có vốn tối thiểu đó thì việc học ngữ pháp sẽ có tác dụng rất hữu ích cho việc kết nối vốn từ đã có thành câu mới một cách linh hoạt hơn, chính xác hơn và phong phú hơn. Nếu học ngữ pháp trước khi học từ vựng cơ bản thì chính ngữ pháp sẽ trở thành rào cản cho việc nói tiếng Anh. Vì ngữ pháp làm cho người ta mất nhiều công sức để nghĩ và ghép cho đúng câu, khiến việc giao tiếp bị đình trệ. Ngược lại không cần ngữ pháp, người học tiếng Anh chỉ cần biết từ vựng và phát âm được từ vựng đó ra trong tình huống cụ thể là người bản ngữ đã có thể phần nào hiểu được ý của chúng ta muốn nói gì rồi.

Vậy làm thế nào để học từ vựng cơ bản nhanh và bền vững nhất?

Ngày nay, làn sóng công nghệ 4.0 đang mang lại cho chúng ta rất nhiều cơ hội học một ngoại ngữ mới dễ dàng hơn rất nhiều so với trước đây. Thay vì những tấm thẻ flashcard, những bức tranh minh họa, những mẩu âm thanh phát âm trong từ điển điện tử… chúng ta có thể sử dụng công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality – VR) để có thể “tắm mình” trọn vẹn trong thế giới tiếng Anh theo một cách kỳ diệu nhất. Tức là công nghệ VR cho phép chúng ta nhìn vào bất cứ vật gì thì tên vật đó đều được phát âm lên, kèm theo phiên âm, nghĩa và ví dụ… điều lý tưởng mà ngay cả khi ta ở trong nước Anh thì cũng không thể xảy ra. Công nghệ Thực tế ảo có thể biến tất cả mọi thứ mà ta nhìn thấy được trở thành yếu tố “đầu vào có thể hiểu được” như giáo sư D. Krashen đặt ra, nó giúp cho việc học ngoại ngữ dễ dàng hơn gấp nhiều lần so với trước đây, đặc biệt là giúp ghi nhớ từ vựng và tạo ra bối cảnh học tập toàn diện mà bất cứ ai cũng có thể tắm mình trong đó.

Công nghệ 4.0 còn giúp gì khác cho chúng ta khi học ngoại ngữ?

Có nhiều loại công nghệ, nhưng thứ hữu ích nhất với chúng ta theo tôi đó là công nghệ trí thông minh nhân tạo và dữ liệu lớn. Trí thông minh nhân tạo đã giúp chúng ta rất hiệu quả trong việc phát âm nhờ công nghệ nhận dạng và phân tích giọng nói. Và trí thông minh nhân tạo còn giúp ích cho chúng ta rất tốt trong việc học ngữ pháp, nâng cao tốc độ đọc, cải thiện kỹ năng viết, và nâng cao hiệu quả nghe tiếng Anh.

Tôi lấy ví dụ trong việc học ngữ pháp: bằng việc mô hình hóa câu tiếng Anh một cách rõ ràng, chúng ta có thể sử dụng những mô hình câu ấy để “huấn luyện” máy, giúp máy học được các mô hình câu tiếng Anh kèm theo nghĩa tiếng Việt tương ứng (công nghệ machine learning – học máy). Từ đó máy (thực ra là một phần mềm, hoàn toàn vô hình đối với người dùng) sẽ giám sát quá trình học tập của người học và giúp đỡ người học chỉnh sửa khi xảy ra lỗi ngữ pháp bằng hai cách: giảng lại nếu người học không hiểu đúng, và thực hành thêm nếu người học hiểu rồi nhưng thường xuyên bị nhầm lẫn. Dĩ nhiên để thực hiện được chức năng “thông minh như một người thầy” này, chúng ta phải có dữ liệu đủ lớn và mô hình câu thật rõ ràng, dễ hiểu.

Vậy mô hình hóa ngữ pháp tiếng Anh như thế nào cho dễ hiểu?

Ngữ pháp tiếng Anh truyền thống (traditional grammar) thường đi vào mô tả và phân tích các hiện tượng ngữ pháp. Ngữ pháp này chỉ có tác dụng đối với những nhà ngôn ngữ học và giáo viên. Còn đối với người học tiếng Anh, chúng ta nên học ngữ pháp hiện đại theo hướng chức năng giao tiếp (functional grammar) (Halliday, 1985). Có rất nhiều điều để nói về phương pháp học ngữ pháp hiện đại này, nhưng đối với người học tiếng Anh, chúng ta chỉ cần hiểu đơn giản cách học ngữ pháp này giúp chúng ta thực hiện các chức năng giao tiếp của ngữ pháp một cách dễ dàng hơn. Ví dụ như khi bạn cần đưa ra lời khuyên cho ai, lúc đó bạn cần học cấu trúc câu đưa ra lời khuyên gồm: Chủ ngữ (Subject) + Should do sth; hay Subject + Ought do sth; hay Subject + had better do sth.

Tuy functional grammar rất hữu ích để “huấn luyện” máy, nhưng nó chưa thể chắc chắn nếu ta không mô hình hóa ngữ pháp ra thành những mô hình câu rõ ràng, dễ hiểu, dễ học, toàn diện và dễ nhớ. Tôi xin gợi ý cách mô hình hóa ngữ pháp tiếng Anh trên 5 đầu ngón tay mà bất cứ ai có nền tảng từ vựng cơ bản từ 9 tuổi trở lên đều có thể hiểu và ghi nhớ như sau:

Từ vựng tiếng Anh được tạo ra từ 3 hình vị (tiền tố, hậu tố và từ gốc) để từ đó tạo ra 8 loại từ vựng cơ bản.

Các loại từ vựng đó kết hợp với nhau để tạo ra 5 cụm từ nhằm diễn đạt các ý nghĩa cốt lõi gồm: cụm danh từ diễn đạt ai, cái gì – có chức năng làm chủ ngữ và tân ngữ trong câu; cụm động từ diễn đạt hành động hoặc trạng thái của chủ ngữ - có chức năng làm động từ trong câu; cụm tính từ diễn đạt đặc điểm, tính chất – có chức năng làm bổ ngữ trong câu hoặc từ bổ nghĩa cho danh từ; cụm trạng từ và cụm giới từ đều có chức năng diễn đạt thời gian, địa điểm, nguyên nhân, cách thức và tần suất – có chức năng làm trạng ngữ trong câu.

Các cụm từ kết hợp với nhau để tạo thành mệnh đề và câu. Mà các mô hình câu căn bản được thể hiện trên 5 đầu ngón tay với tuần tự các vị trí gồm: Chủ ngữ, Động từ, Tân ngữ, Bổ ngữ, Trạng ngữ. Từ 5 điểm tư duy này ta có thể tạo ra 99 mô hình câu căn cứ vào ngữ nghĩa tương đương và chức năng giao tiếp. Khi biết 99 mô hình câu này, chúng ta có thể diễn đạt bất cứ ý gì mà ta muốn bằng tiếng Anh. Độ chính xác, và tốc độ giao tiếp nhanh hay chậm là do luyện tập nhiều mà thành.

Học tiếng Anh không thể 'ăn xổi'

Và cuối cùng là quá trình giao tiếp: chúng ta cần đặt câu hỏi và biết các khả năng trả lời. Căn bản thì trong tiếng Anh có 5 mô hình câu hỏi và ít nhất là 16 khả năng hồi đáp. Nếu chúng ta biết rõ 5 mô hình câu hỏi và 16 khả năng hồi đáp, thì chúng ta sẽ làm chủ hoàn toàn kỹ năng hội thoại, giao tiếp bằng tiếng Anh.

Vấn đề còn lại chỉ là phạm vi từ vựng, cụm từ theo chủ đề mà ta cần biết có tương ứng với vốn từ ta làm chủ được thực thụ hay không. Toàn bộ cách tư duy tiếng Anh trên 5 đầu ngón tay nêu trên tôi có viết trong cuốn sách cùng tên “Tiếng Anh trên 5 đầu ngón tay” xuất bản năm 2018.

Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch, Tổng giám đốc Trung tâm Anh Ngữ Smartcom

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/co-the-hoc-ngu-phap-tieng-anh-trong-1-buoi-khong-de-3383687/