Có thể định hình nhiều tour du lịch liên quốc gia Việt- Trung hấp dẫn

VH- Đoàn khảo sát của Tổng cục Du lịch (TCDL) do Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu làm trưởng đoàn với 30 thành viên đại diện Bộ VHTTDL, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các đơn vị liên quan, các doanh nghiệp du lịch vừa khảo sát sản phẩm du lịch liên quốc gia tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc).

Đoàn khảo sát tại Khu di tích Ải Chi Lăng (Lạng Sơn)

Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch của Bộ VHTTDL về tổ chức thực hiện “Hiệp định bảo vệ, khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam)- Đức Thiên (Trung Quốc). Qua khảo sát, đoàn công tác đã đánh giá thực trạng, khả năng khai thác, định hướng liên kết, phát triển sản phẩm du lịch biên giới Việt- Trung; hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành xây dựng chương trình đưa khách đến Khu cảnh quan thác Bản Giốc và công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng, kết nối với những điểm đến khác tuyến Lạng Sơn- Cao Bằng. Đồng thời tăng cường quảng bá về các điểm du lịch biên giới của Việt Nam và Trung Quốc tới người dân và khách du lịch hai nước.
Chưa khai thác hiệu quả du lịch văn hóa- lịch sử vùng Đông Bắc
Mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch lịch sử văn hóa nhưng du lịch Lạng Sơn, Cao Bằng chưa khai thác hiệu quả loại hình du lịch này. Lạng Sơn có tổng số 586 di tích với 4 loại hình gồm: Di tích lịch sử cách mạng kháng chiến; di tích khảo cổ; di tích kiến trúc nghệ thuật; di tích danh lam thắng cảnh. Đã có 125 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 27 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 97 di tích xếp hạng cấp tỉnh.
Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của Lạng Sơn giai đoạn 2010 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, việc phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, các di tích lịch sử, di sản văn hóa cũng được chú trọng.

Khảo sát cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn)

Tuy nhiên, việc quản lý, bảo vệ và khai thác các tài nguyên du lịch là các di tích, danh thắng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cũng còn một số bất cập như: Còn chồng chéo giữa cơ quan quản lý chuyên ngành và chính quyền địa phương. Việc đầu tư nâng cấp các di tích với tư cách là một sản phẩm du lịch chưa được triển khai trong một quy chế chặt chẽ và toàn diện.... Trong đó, Ải Chi Lăng (thuộc xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) một điểm đến lịch sử mà một sử gia người Pháp đã phải thốt lên “Đây là bảo tàng lịch sử ngoài trời lớn nhất thế giới”. Chi Lăng là ải có quy mô hoành tráng và đồ sộ dài gần 20km, rộng 3km nối liền hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng của tỉnh Lạng Sơn.
Hiện nay, ở nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng hiện vật rất sơ sài, thông tin cũng không nhiều, không được quảng bá tốt nên nhiều khách chỉ đi qua, không biết để vào, nếu vào chỉ tham quan 20- 30 phút là hết. Trong khi đó, nhiều người nhận xét, để chọn một nơi minh chứng sống động nhất cho sự quật cường của dân tộc ta chống lại kẻ thù xâm lược, không đâu bằng Chi Lăng. Đây cũng sẽ là nơi để nói những câu chuyện rất thật, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Hay như điểm du lịch Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, Lạng Sơn) và Khu di tích lịch sử Đông Khê gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chiến dịch biên giới năm 1950 (thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng) với những giá trị lịch sử to lớn, một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc nhưng rất ít công ty lữ hành đưa vào tour du lịch Đông Bắc để khai thác.

Tìm hiểu thực trạng khai thác khu vực thác Bản Giốc (Cao Bằng)

Trùng Khánh trên hành trình trở thành huyện đi đầu phát triển du lịch
Ở Trùng Khánh (Cao Bằng), Danh thắng quốc gia thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể, Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch thác Bản Giốc và quy hoạch chi tiết Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc. Đây là cơ hội để Trùng Khánh tập trung thu hút đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành huyện đi đầu trong phát triển kinh tế du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Cao Bằng.
Thời gian qua, huyện Trùng Khánh đã tranh thủ mọi nguồn lực tập trung đầu tư, từng bước hiện đại hóa, cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc phát triển kinh tế- xã hội và du lịch như: Cải tạo, nâng cấp tuyến đường tỉnh 206 vào Khu du lịch động Ngườm Ngao; Chùa Phật tích Trúc Lâm- Bản Giốc, Khu nghỉ dưỡng cao cấp thác Bản Giốc do Tổng Công ty du lịch Sài Gòn (Saigontourist) làm chủ đầu tư đang trong quá trình triển khai giai đoạn 2 và hoàn thiện thiết kế các hạng mục: bể bơi, dịch vụ spa, điểm ngắm cảnh… Huyện cũng đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Cao Bằng tổ chức trồng 300 cây hoa, cây cảnh tạo cảnh quan môi trường tại Khu du lịch thác Bản Giốc; phối hợp với Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED) xây dựng 2 nhà du lịch cộng đồng tại xóm Lũng Niếc, xã Đàm Thủy; tổ chức lớp đào tạo, truyền dạy văn nghệ tại xã Đàm Thủy nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện và phục vụ du lịch...
Để phục vụ lượng khách ngày càng tăng và kéo giãn khách ra các khu vực xung quanh thác Bản Giốc, huyện đã có thêm nhiều cơ sở lưu trú du lịch mới. Hiện nay toàn huyện có 18 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 250 phòng nghỉ, riêng trong phạm vi Khu du lịch thác Bản Giốc có 6 cơ sở lưu trú, với tổng số gần 100 phòng nghỉ, trong đó có khu nghỉ dưỡng Sài Gòn- Bản Giốc đạt tiêu chuẩn 4 sao .

Trải nghiệm chèo thuyền kayak trên sông Quây Sơn (Cao Bằng)

Nhiều sản phẩm du lịch mới được đưa vào sử dụng, làm thay đổi diện mạo của ngành du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế huyện phát triển, trong đó có du lịch cộng đồng tại xóm Lũng Niếc (Đàm Thủy), các điểm du lịch sinh thái hồ Bản Viết, thác Thoong Ma, đền Hoàng Lục, chèo thuyền kayak trên sông Quây Sơn, tổ chức lễ hội du lịch Bản Giốc...
Trên tuyến đường từ thác Bản Giốc về thành phố Cao Bằng, rất nhiều điểm ngắm cảnh vô cùng đẹp như điểm Bazan cầu gối đèo Mã Phục hoặc những làng nghề truyền thống làm dao Phúc Sen, làm hương Phia Thắp được rất nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến, trải nghiệm và chinh phục.
Những năm gần đây, du lịch ở Trùng Khánh đã thay đổi rõ nét nhưng chưa thấm vào đâu so với những tài nguyên du lịch rất phong phú và đa dạng ở nơi đây. Sản phẩm du lịch ở Trùng Khánh chủ yếu vẫn dựa vào thiên nhiên, chưa biết cách để tạo ra những sản phẩm đặc thù và hấp dẫn. Các loại hình dịch vụ phục vụ các hoạt động vui chơi giải trí chưa được đầu tư; môi trường bị xuống cấp, nhà đầu tư du lịch không mặn mà; công tác quảng bá hầu như chưa thay đổi; các hộ gia đình tham gia làm du lịch cộng đồng chủ yếu là nông dân tập làm du lịch, không được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nhiều, đa phần tự phát, lúng túng, thiếu tính bền vững... Khách du lịch đi cả trăm cây số đến ngắm Bản Giốc mùa nhiều nước lẫn mùa ít nước vài tiếng rồi về, rất ít khách lưu đêm khu vực Bản Giốc.

Thăm làng nghề làm dao Phúc Sen (Cao Bằng)

Quy hoạch chung xây dựng thác Bản Giốc và Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm du lịch thác Bản Giốc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự báo đến năm 2020 khách du lịch đến thác Bản Giốc khoảng 750.000 lượt, tổng số buồn phòng phục vụ nhu cầu lưu trú khoảng 1.010 phòng; đến năm 2030, dự báo khoảng 1.200.000 lượt khách, tổng số buồng phòng phục vụ khách khoảng 1.750 phòng.
Ở góc độ doanh nghiệp du lịch, bà Lê Thị Giang, Phó TGĐ Công ty lữ hành Hanoitourist cho rằng: “Du lịch Cao Bằng hiện nay đang nổi lên như một sản phẩm mới, hoàn toàn có khả năng thay thế Hà Giang khi điểm đến này có xu hướng bão hòa. Có thể định hình được những tour, tuyến du lịch rất hấp dẫn từ Hà Nội- Hà Giang- Cao Bằng- Bắc Kạn hoặc Hà Nội- Lạng Sơn- Cao Bằng (Việt Nam)- Quảng Tây (Trung Quốc). Trong đó, phía Trung Quốc có một số khu điểm du lịch khá hấp dẫn như: Khu cảnh quan Lão Mộc Miên (khu cảnh quan Hoa Gạo) thuộc Khu du lịch thác Đức Thiên, khu du lịch Nga Tuyền, Cựu châu Cổ Chấn (thủ phủ cũ của Tịnh Tây), Khu du lịch sinh thái Minh sĩ Điền Viên... có thể nghiên cứu để kết nối với các điểm đến của Việt Nam, hình thành tour du lịch liên quốc gia Việt- Trung”.

Đoàn khảo sát Du lịch Việt Nam tại khu vực thác Đức Thiên (Trung Quốc)

Trong khi đó, đại diện các doanh nghiệp đến từ Vietravel, Hanoi Toserco, Benthanhtourist, Saigontourist băn khoăn việc toàn tuyến Non nước Cao Bằng, thác Bản Giốc có rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn, độc đáo có thể xây dựng tour cho khách ở lại không chỉ 1 đêm nhưng cái chính là có đủ hệ thống cơ sở lưu trú, vui chơi giải trí, hoạt động trải nghiệm... để giữ chân và phục vụ khách không?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh cho biết: “Huyện đang tích cực tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào khảo sát, đầu tư tại các khu, điểm du lịch trong huyện, thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Chúng tôi luôn xác định việc khai thác các giá trị tài nguyên thiên nhiên phải đi đôi với việc bảo tồn, tôn tạo các giá trị tự nhiên, nhân văn, đảm bảo mục tiêu phát triển gắn với việc bảo vệ môi trường, cảnh quan; giữ vững an ninh quốc phòng, giữ gìn cột mốc biên cương, bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ; nâng cao nhận thức cho cộng đồng đồng khi tham gia hoạt động du lịch. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá du lịch, giới thiệu về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa; những nét văn hóa và lễ hội đặc sắc của huyện. Chú trọng xây dựng, phát triển những sản phẩm du lịch độc đáo gắn với những lợi thế của huyện và gần với các thị trường lớn. Liên kết các tour, tuyến, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương”.

THÚY HÀ

Nguồn Báo Văn hóa: http://baovanhoa.vn/ch%C3%ADnh-tr%E1%BB%8B/c243-th%E1%BB%83-%C4%91%E1%BB%8Bnh-h236nh-nhi%E1%BB%81u-tour-du-l%E1%BB%8Bch-li234n-qu%E1%BB%91c-gia-vi%E1%BB%87t-trung-h%E1%BA%A5p-d%E1%BA%ABn