Có thật Đồ Sơn vắng khách vì tin đồn tệ nạn mại dâm?

Có lẽ đây mới chỉ là ý kiến của một số du khách khi nhận xét về một trong những nguyên nhân khiến khu du lịch biển Đồ Sơn dịp lễ vừa qua và lâu nay vắng khách.

Nó không xuất phát từ những cuộc điều tra xã hội học, cũng không phải từ đánh giá, kết luận của các cơ quan có trách nhiệm về một thực trạng có thật trong nhiều năm qua ở biển Đồ Sơn, Hải Phòng. Song, tôi có cảm giác điều này có thể đúng một phần nào, chứ không hoàn toàn nghĩ rằng nó không ảnh hưởng nếu như ai đó đã đọc bài viết trên báo Tuổi trẻ ra ngày 1/5/2019.

Theo tác giả bài viết nói trên thì trong kỳ nghỉ lễ dài ngày vừa rồi, biển Đồ Sơn (Hải Phòng) không có nhiều khách từ các tỉnh thành đến nghỉ ngơi. Khách chủ yếu là dân địa phương và từ trong nội thành ra. Điều này khiến lãnh đạo quận Đồ Sơn cũng trăn trở và đang suy nghĩ, tìm kiếm giải pháp để hút khách.

 Bãi biển Đồ Sơn thưa vắng khách vào ngày đầu kỳ nghỉ lễ.

Bãi biển Đồ Sơn thưa vắng khách vào ngày đầu kỳ nghỉ lễ.

Bài báo cũng chỉ ra một số hạn chế khác nữa đã khiến Đồ Sơn vắng khách: Biển Đồ Sơn gần các cửa sông nên nước thường đục, không sạch; rác thải nhựa trôi dạt về khiến lực lượng công nhân vệ sinh môi trường căng mình thu gom vẫn không thể xuể...; các hoạt động dịch vụ nghèo nàn, thiếu chuyên nghiệp và giá cả chưa hợp lý, thậm chí vẫn còn “chặt chém” chứ chưa xóa hết ấn tượng từ nhiều năm nay. Tất cả đã khiến có những khách từ trong nội thành ra nghỉ thường mang theo đồ ăn thức uống dù cho khá lỉnh kỉnh, khiến quán xá càng thêm mất khách...

Và một nguyên do nữa khiến khu du lịch Đồ Sơn vắng khách, theo ông Hoàng Xuân Minh - Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, thì nhiều năm qua, địa phương vẫn thiếu những "điểm nhấn" dịch vụ vui chơi, giải trí.

“Dọc từ khu 1 đến khu 3 đều có các tòa nhà của bộ, ngành ở trung ương, rồi liên quan đến an ninh, quốc phòng... khiến quỹ đất xây dựng hạ tầng mới rất hạn chế. Quận cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư, nhưng tiến độ triển khai còn chậm”, ông Minh chia sẻ.

Nhớ lại quãng thời gian bốn chục năm trở về trước, khi tôi còn học phổ thông ở thành phố Hải Phòng và cả sau đó đã đi làm. Mỗi lần muốn ra tắm biển Đồ Sơn mà được vào khu 2-3 (là nơi nghỉ an dưỡng, hội họp của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như của các bộ, ngành trung ương) thì rất vất vả. Vì lý do an ninh, tụi tôi phải nhờ các mối quan hệ rồi kéo nhau đi xin giấy phép của Sở Công an Thành phố, gọi là “Giấy phép vào khu 3 Đồ Sơn” (chỉ có giá trị trong ngày và tên từng người vào khu đó). Nếu không quen ai thì rất mệt, người dân thường như chúng tôi luôn bị hạn chế, không vào nổi.

Cũng còn một cách “lách” khác nữa, ấy là nhờ quen biết với Sở Thể dục Thể thao xác nhận “đi đua xe đạp”. Thế rồi trạm gác Bộ đội Biên phòng duyệt cho vào nhưng cũng không quá 4 người/giấy giới thiệu. Thực ra, nhìn chiếc xe đạp tụi học sinh chúng tôi đi, họ thừa biết là không phải vận động viên. Song, đây lại chính là cách để “lách” do... “có quan hệ”.

Sở dĩ gặp khó đến mức này là bởi đó là thời kỳ bao cấp. Khu bãi 1 của dân thì ai nghỉ đều được. Nhưng với khu 2-3 thì thường có bán bia hơi phục vụ quan chức và bán cơm theo tem gạo để cán bộ có thể mua ăn, đỡ tốn tiền. Vả lại, cũng không có hàng quán nào trong khu này được tồn tại...

Nghĩ lại để thấy Đồ Sơn cũng một thời “hoành tráng” như thế, đâu đìu hiu như mới đây báo chí đề cập.

Hàng quán vỉa hè lác đác khách lẻ.

Quay lại chuyện Đồ Sơn năm nay vắng khách. Thay vì khai mạc mùa du lịch hàng năm với cái tên “Đồ Sơn biển gọi” quen thuộc, nghe nói năm nay “gọi không nổi” nên Ban tổ chức đã thay bằng tên mới: “Đồ Sơn, miền di sản”.

Tiếc rằng, tuy có cố gắng nhưng Đồ Sơn vẫn chưa thể hút khách, cho dù đã có một con đường nối từ thành phố Cảng ra Đồ Sơn rất ấn tượng, được đánh giá là “Con đường Hoa phượng dài nhất Việt Nam!”.

Nhưng có lẽ nào chỉ một việc như xử lý rác nhựa trôi dạt bờ biển mà Đồ Sơn không làm nổi, khi chiếc xe hút và gom rác đã được sử dụng rất tốt tại nhiều bãi biển?

Nói thế là đủ biết khai thác du lịch biển là cả một vấn đề lớn. Cần có tầm nhìn xa, rộng và cả sự đôn đáo, quyết liệt chứ không chỉ có “trăn trở” mà đủ. Việc bị mang tiếng là vùng du lịch “hấp dẫn” vì tệ nạn mua bán dâm “nay lại là câu chuyện ấn tượng khiến du khách đi theo cả gia đình tránh xa”. Nó cũng có lý nhất định khi gia đình đi dạo biển mà bắt gặp cảnh tượng mồi chài du khách, để rồi con cháu nêu câu hỏi với cha mẹ thì thật khó trả lời.

Nên nhớ, với các nước khác, như Thái Lan chẳng hạn, tại khu du lịch Pattaya, chuyện này diễn ra như một mặc nhiên và hút khách vô cùng. Tuy nhiên, đó là do họ được pháp luật cho phép. Còn chúng ta, bàn tới bàn lui vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều và luật thì vẫn không cho.

Vì thế, mọi hành vi mua bán dâm ở đây nói riêng và cả nước nói chung đều bị xử lý bằng luật pháp. Nhưng có một thực tế là dù chúng ta có tuyệt đối cấm đi nữa thì hầu hết các vùng du lịch ở nước ta, nhà chức trách đều vẫn không có cách nào ngăn cản, cấm đoán hoàn toàn được.

Chiều 30/4, du khách bắt đầu đến vui chơi đông đúc ở khu 2 bãi biển Đồ Sơn. Ảnh: Giang Huy (Vnexpress)

Hồi tháng 4.2018, đã có cuộc tọa đàm "Có nên công nhận mại dâm là một nghề?". Theo thông tin từ tọa đàm, Việt Nam đang xem mại dâm là hoạt động bất hợp pháp. Hiện cả nước có khoảng 15.000 người bán dâm có hồ sơ quản lý.

Còn theo Tổ chức Lao động quốc tế, Việt Nam có khoảng 100.000 người bán dâm. Ngoài nữ còn có nam, người đồng tính, người chuyển giới, người nước ngoài bán dâm… Họ hoạt động dưới nhiều hình thức, công khai, bí mật, có đường dây hoặc đơn lẻ, đáp ứng nhu cầu từ cao cấp tới bình dân... Như thế đã cho thấy đây là một vấn đề rất phức tạp nếu quản lý không nổi.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tại cuộc tọa đàm nói trên đã cho biết, ông từng tiếp xúc một gái mại dâm để nghiên cứu, tìm hiểu. Cô bức xúc vì bị xâm phạm quyền con người, không ai bảo vệ và mong muốn được xem công việc mình đang làm là một nghề. "Họ không sung sướng gì khi làm công việc đó, và đang nghĩ bị đặt ra ngoài xã hội, không biết kêu ai", ông Nhưỡng nói.

Đại biểu Nhưỡng cho rằng hành vi mua bán dâm "còn tốt hơn nhiều lần" mua bán sản xuất vũ khí, mà mua bán vũ khí được công nhận. Do đó, phải nhìn mại dâm là vấn đề xã hội, đừng nhìn là tệ nạn. Nên coi mại dâm là nghề đặc biệt, có một quy chế quản lý đặc biệt, như thế sẽ tốt hơn để hoạt động trôi nổi...

Vậy thì nên làm sao đây? Hoặc cấm tuyệt đối, ai vi phạm thì xử nặng (điều này cũng không ổn nữa rồi vì gần đây chính luật pháp của chúng ta đã nới lỏng, xử nhẹ hơn so với trước), hoặc cho phép mở khu đèn đỏ rồi kiểm soát chặt chẽ?

Tôi nghĩ chúng ta vẫn nên cân nhắc kỹ để bàn và quyết định, khi trong thực tế, các cơ quan có trách nhiệm nhiều năm qua gần như bất lực, không cấm nổi. Dù bản thân tôi cũng rất hiểu, cái gì cũng đều có mặt trái của nó mà không thể hoàn hảo...

Quốc Phong

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-da-trong/co-that-do-son-vang-khach-vi-tin-don-te-nan-mai-dam-976498.html