Có thái độ sống tích cực thì không lựa chọn Fb để giải quyết chuyện riêng tư

'Tôi cho rằng cách hành xử và giải quyết vấn đề văn minh nhất và khôn ngoan nhất là chỉ nên bày tỏ với những người liên quan. Liên quan tới đâu bày tỏ tới đó. Cho dù có phải công khai thì cũng nên chọn lọc, không nên biến mục đích công khai thành một đề tài, một chủ đề để cộng đồng mạng 'nhậu' miễn phí khi mà họ không liên quan và không có một chút thông tin thực tế về những người mà họ đang bàn tàn'- Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hà

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hà.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hà.

PV: Chị có thường thể hiện cảm xúc của mình trên mạng xã hội không? Thường thì khi tự viết ra một câu chuyện của mình, một nỗi bức xúc của mình lên Fb chị có nghĩ rằng người ta sẽ có cảm giác được giải tỏa, nhẹ nhõm không?

Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hà – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam: Tất nhiên khi người ta đang có nỗi niềm bức xúc cần phải giải tỏa thì facebook là lựa chọn nhanh nhất để người ta có thể giải tỏa, vì chỉ cần một nhấn thì những điều họ cần public sẽ ngay lập tức được truyền thông đến số đông thay vì phải truyền thông đến từng đối tượng, mất nhiều thời gian. Mặt khác, việc giải tỏa ngay lập tức trên Fb tới số đông cũng là một cách để gây sức ép với đối phương, khiến họ cảm thấy được giải tỏa.

Có phải vì thế mà những câu chuyện riêng tư, chuyện đời sống gia đình nên được công khai trên trên mạng xã hội?

- Quan điểm của tôi lại khác. Chuyện đời tư, chuyện gia đình (vợ - chồng, con dâu - mẹ chồng…) dù bất kỳ lý do gì cũng không nên công khai và phơi bày trên mạng. Nếu vì một lý do nào đó, chẳng hạn do chủ nhân không đủ kinh nghiệm để xử lý vấn đề vướng mắc trong gia đình thì có thể tham khảo ý kiến số đông trên mạng xã hội, nhưng tốt nhất nên giấu danh tính và cần tế nhị, khéo léo.

Vì sao vậy? Có phải khi một câu chuyện đến được với đám đông thì nó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy?

- Chắc chắn là hệ lụy chứ, thậm chí có thể là những hệ lụy lớn và khó lường. Mà trước hết hệ lụy nhãn tiền có thể nhìn thấy ngay được là sự hàn gắn sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Kinh nghiệm của các cụ xưa vẫn khuyên bảo, “đóng cửa bảo nhau”, chuyện to thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành chuyện không có gì. Thêm nữa, việc dùng mạng xã hội để giải tỏa bức xúc còn dễ đẩy chủ thể đến tình trạng “lắm thầy thối ma”, thiên hạ mỗi người một ý góp vào sẽ khiến câu chuyện của hai người, của một gia đình thành mớ “bòng bong” của cộng đồng mạng ảo.

Từ đó, nhìn ở quan điểm đàn bà, chị có chia sẻ như thế nào với những người phải đem chuyện nhà “cơm không lành, canh không ngọt” lên mạng xã hội?

- Tất nhiên, khi một người đàn bà lựa chọn việc chia sẻ chuyện nhà, chuyện gia đình “cơm không lành, canh không ngọt” lên mạng xã hội thì họ cũng có lý lẽ và quan điểm riêng, rất khó để người ngoài chưa hiểu. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc đưa chuyện riêng tư lên mạng xã hội không bao giờ đem lại kết cục tốt đẹp cho các nhân vật chính của câu chuyện. Thậm chí nhiều người cảm thấy bế tắc, muốn đạp đổ mọi chuyện thì mới nên lựa chọn cách công khai trên mạng xã hội để nhằm mục đích gây sức ép với đối phương hòng nhắm vào một mục tiêu nào đó.

Nghĩa là chúng ta sẽ phải rất cân nhắc khi lựa chọn đó như là một thái độ sống nên thực hiện trong thời đại mà công nghệ đã hỗ trợ chúng ta rất nhiều?

- Tôi cho rằng cuộc sống hiện nay thì cần phải tận dụng những ưu việt, hỗ trợ mà thời đại công nghệ mang lại cho toàn xã hội. Tuy nhiên ở góc độ giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình - thậm chí cả góc độ đồng nghiệp - cũng không nên dùng phương tiện này. Không phải lúc nào công cụ tốt cũng mang lại hiệu quả tích cực, nếu nó không được chính người sử dụng dùng bằng cái tâm và sự chân thành. Có nghĩa là nếu có thái độ sống tích cực thì không nên dùng Fb để giải quyết, giải tỏa chuyện riêng tư.

Là một người nghiên cứu về khoa học xã hội, cũng tham gia mạng xã hội, chị có đọc được nhiều tình huống về việc những người đàn bà giải quyết chuyện ghen tuông với nhau là công khai những câu chuyện của mình trên mạng xã hội, tạo ra những hội, những group chửi bới nhau, “bóc phốt” nhau?

- Tôi có biết, thậm chí theo dõi nhiều trường hợp “bóc phốt” chuyện riêng tư của nhiều cá nhân nổi tiếng, đình đám trên mạng xã hội. Và thường kết thúc thì không mấy tốt đẹp và thường trở thành những câu chuyện đàm tiếu, bình phẩm, phán xét của cộng đồng mạng, trong khi làm tổn thương những người thân có liên quan trong câu chuyện.

Trong những trường hợp ấy, đàn bà bất kể là đang đúng hay đang sai, có phải cũng đều rất đáng thương không chị?

- Tôi cho rằng bất kể đàn ông hay đàn bà, ai cũng sẽ là người đáng thương và bị tổn thương khi mà câu chuyện riêng tư bỗng dưng bị phơi bày trên mạng xã hội.

Những cuộc đánh ghen trên mạng, mà người trong cuộc là những người nổi tiếng, thì thường được lan truyền rất nhanh. Nhưng việc trong lúc nóng giận mất khôn, lựa chọn việc bày ra công khai chuyện riêng, chửi bới cãi cọ người khác, chưa bàn ở khía cạnh pháp luật là không được xúc phạm, thóa mạ danh dự người khác, thì việc này có những ảnh hưởng như thế nào ở góc độ xã hội?

- Tôi cho rằng cách hành xử và giải quyết vấn đề văn minh nhất và khôn ngoan nhất là chỉ nên bày tỏ với những người liên quan. Liên quan tới đâu bày tỏ tới đó. Cho dù có phải công khai thì cũng nên chọn lọc, không nên biến mục đích công khai thành một đề tài, một chủ đề để cộng đồng mạng “nhậu” miễn phí khi mà họ không liên quan và không có một chút thông tin thực tế về những người mà họ đang bàn tàn.

Khi chứng kiến những câu chuyện có vẻ như thuần túy đàn bà thì chị nghĩ gì về những người đàn ông, đáng lẽ phải là nhân vật chính, phải là người chịu trách nhiệm chính trong việc giải quyết những câu chuyện ấy?

- Có. Bất kỳ câu chuyện nào được công khai trên mạng mà người đàn bà là chủ thể công khai mọi chuyện thì tôi đều tự hỏi và tò mò về người đàn ông được họ đề cập tới. Tôi luôn luôn cho rằng, giữa hai người đàn bà thù hận nhau, nếu là vì một người đàn ông, thì đó là người đàn ông không “kém cỏi”.

Từ những câu chuyện đánh ghen trên mạng, chị nghĩ gì về việc mà người ta vẫn nhân danh là để gìn giữ hạnh phúc? Thực chất những câu chuyện đánh ghen trên mạng có không mang lại hạnh phúc mà chúng ta mong muốn không?

- Những câu chuyện đánh ghen đầy rẫy trên mạng theo tôi không hẳn là do đạo đức lối sống của thời buổi hiện nay suy giảm. Lại càng không thể dùng nó để gây sức ép trong việc cần biết lo sợ để phải gìn giữ hạnh phúc gia đình. Nó là các phạm trù và có nguyên do hoàn toàn khác nhau.

Nếu có thể, chị nói gì về cách ứng xử nên làm trong trường hợp của những người đàn bà gặp phải tình huống ấy?

- Đánh ghen là để hạ nhục người khác và khẳng định vị trí của mình trong một cuộc hôn nhân. Một người phụ nữa trải đời và hiểu đời thì sẽ không lựa chọn giải pháp này để cứu cuộc hôn nhân và với hy vọng bằng cách này sẽ giành lại người đàn ông.

Xin cảm ơn chị!

Nhóm PV (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/co-thai-do-song-tich-cuc-thikhong-lua-chon-fb-de-giai-quyet-chuyen-rieng-tu-tintuc438155