Có tên trong sổ hộ khẩu nhưng không có quyền sử dụng đất không được ghi tên trên 'sổ đỏ'

Sổ hộ khẩu chỉ là một thông tin tham chiếu để ghi tên của người có quyền sử dụng đất trên 'sổ đỏ' chứ không phải là tất cả các thành viên trong sổ hộ khẩu mà không có quyền sử dụng đất lại được ghi tên trên 'sổ đỏ'.

Ngày 25-11, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm "Làm rõ quy định mới về GCN quyền sử dụng đất", để làm thêm quy định trong Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 5-12-2017 đang gây tranh luận.

Ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục đăng ký đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT chỉ điều chỉnh cách thể hiện thông tin của các chủ thể là thành viên trong hộ gia đình mà có chung quyền sử dụng đất.

Trước đây, pháp luật quy định chủ thể sử dụng đất đai là hộ gia đình và đã ghi tên của chủ gia đình hoặc chủ hộ gia đình trên giấy chứng nhận (GCN). Theo ông Phấn, lần điều chỉnh này, Bộ TN-MT muốn xác định chính xác chủ thể nào là thành viên trong hộ gia đình có quyền sử dụng đất để bảo đảm tính chặt chẽ về pháp lý, giảm thiểu mâu thuẫn trong hộ gia đình, bảo đảm việc minh bạch trong giao dịch quyền sử dụng đất sau này, bảo đảm việc khi nhà nước có hỗ trợ, đền bù.

Ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục đăng ký đất đai

Ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục đăng ký đất đai

Nói về dư luận nổi lên vấn đề ghi tên, ghi thông tin người sử dụng đất căn cứ vào hộ khẩu, Phó Cục trưởng Cục đăng ký đất đai cho rằng, hộ khẩu để quản lý việc thường trú của công dân, GCN ghi quyền sử dụng đất của người sử dụng đất.

“Sổ hộ khẩu chỉ là một thông tin tham chiếu để ghi tên của người có quyền sử dụng đất trên GCN chứ không phải là tất cả các thành viên trong sổ hộ khẩu mà không có quyền sử dụng đất lại được ghi tên trên GCN”, ông Phấn nói.

Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, khái niệm hộ gia đình đã được đưa vào rất nhiều đạo luật. Đầu tiên, từ năm 1964, có trên 50 luật ghi nhận hộ gia đình. Hộ gia đình sử dụng đất đã được định nghĩa rõ trong Luật Đất đai năm 2013, theo đó hộ gia đình là những người có đặc điểm chung như quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi dưỡng.

“Những ý kiến lo ngại như giúp việc hay người thân quen nào đó nhập vào hộ khẩu để ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất là không có căn cứ”, luật sư Đức lý giải.

Có ý kiến cho rằng “hộ gia đình ở đây có nghĩa là hai người chủ hộ tương đương nhau là vợ và chồng. Hai người chủ của gia đình xác định quyền của mình đối với con cái, nếu con cái thực sự có đóng góp vào tài sản chung đó thì phải có sự xác thực của 2 chủ hộ”.

Theo luật sư Đức, nếu như đất Nhà nước giao cho hộ gia đình làm nông nghiệp, ngư nghiệp thì tất cả các thành viên đều có quyền, nhưng đối với đất hình thành từ nguồn gốc khác thì phải do bản thân những thành viên trong hộ gia đình xác định.

“Nếu bố mẹ thấy con cái có đóng góp vào xây nhà, mua đất thì việc con cái cùng đứng tên là hợp lý, nếu như không có việc đó hoặc con cái nhỏ thì không có quyền đứng chung vào sổ đỏ của gia đình”, luật sư Đức lý giải.

H.L

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/co-ten-trong-so-ho-khau-nhung-khong-co-quyen-su-dung-dat-khong-duoc-ghi-ten-tren-so-do-107829.html