Có tân chủ tịch, VFF khóa 8 phải biết kiếm nhiều tiền

Đó là một trong những mong mỏi và cũng rất thực tế của nhiều tổchức thành viên, nhiều CLB đặt ra cho ứng viên Chủ tịch VFF khóa 8 LêKhánh Hải và bộ máy quản lý, điều hành phải thực sự đổi mới tạo đột phácho bóng đá VN.

Hình ảnh đội tuyển VN cần phải được tiếp thị toàn diện để nâng cao giá trị thương hiệu - Ảnh: Ảnh: Vy Khánh

Cộng sự chủ tịch không thể là những người đi mua phiếu

Ông Nguyễn Húp, trưởng đoàn kiêm Giám đốc điều hành CLB Quảng Nam, nói: “Điều mong mỏi lớn nhất của tôi nếu anh Hải trúng cử là phải xây dựng được một bộ máy quản lý, điều hành thực chất, hiệu quả. Ban chấp hành là những con người tinh nhuệ, có phẩm chất đạo đức tốt và thực sự yêu bóng đá, không coi VFF là nơi để “kiếm tiền” bằng những cách thiếu trong sáng.

Dưới chủ tịch phải là những cộng sự có năng lực và không vướng mắc chuyện nọ chuyện kia. Tôi xin chia sẻ thẳng thắn, không hề e ngại là thời gian qua đã có ứng viên tranh cử một trong 3 chức phó chủ tịch VFF theo kiểu đi “mua phiếu”. Mà đã đi mua phiếu, nghĩa là nếu vào được VFF sẽ tìm cách “lấy lại” những gì đã mất. Thật nguy hại. Tại đại hội, tôi sẽ phát biểu điều này để đại hội xem xét có nên bỏ phiếu cho những ứng viên như vậy không.

Giám đốc điều hành CLB Quảng Nam Nguyễn Húp - Ảnh: Nguyễn Nhân

Chủ tịch VFF chỉ làm được tốt công việc nếu nhận được sự tham mưu đúng đắn từ cấp dưới. Anh Hải cần phải tỉnh táo và chọn ra những cộng sự giỏi nghề và tâm huyết, chứ nếu để những thành phần cơ hội mà có mưu đồ nọ kia vào VFF thì khó mà tin cậy và sẽ kéo lùi chất lượng bóng đá VN. Chúng tôi muốn bộ máy lãnh đạo, ban chấp hành và các phòng ban chức năng của VFF phải thực sự sạch và hết mình với công việc được giao”.

Chuyên gia bóng đá Trần Văn Mui nhận xét: “Nhiều người đang kỳ vọng bóng đá VN khởi sắc sau U.23 châu Á, ASIAD và nếu cả AFF Cup nữa thì VFF khóa tới cần phải có bộ máy thật mạnh. Tân chủ tịch cần hết sức vững tay chèo, phải tạo nên những con người có sức chiến đấu cao.

Quan trọng là cần phải xây dựng VFF tuân thủ những nguyên tắc hoạt động hướng tới sự quản lý minh bạch, dân chủ và chuyên nghiệp. Từ ban lãnh đạo đến bộ phận điều hành phải làm việc với tinh thần phụng sự, có tâm, hy sinh vì cái chung thì bóng đá VN mới thực sự đi lên”.

Trao cần câu chứ đừng cho cá !

Ông Nguyễn Húp khẳng định, khóa mới nếu Thứ trưởng Lê Khánh Hải làm chủ tịch thì các CLB sẽ được nhờ nhiều vấn đề. “Chúng tôi không cần “con cá” mà cần được trao “cần câu”. Nghĩa là anh Hải sẽ giúp các đội bóng giải quyết thấu đáo những khó khăn bằng cách đưa ra một số chính sách hợp lý”, ông Húp nói.

Chuyên gia bóng đá Vũ Tiến Thành và nhiều người đang làm công tác chuyên môn khác cho hay CLB VN hiện nay sống rất thấp thỏm, không có tính chuyên nghiệp, tình hình tài chính bấp bênh, thu không đủ bù chi.

Nguồn thu từ ngân sách nhà nước, từ bán vé, quảng cáo, bản quyền truyền hình, thương mại chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ so với tổng thu của đội. Do vậy, ít CLB sống được từ hoạt động kinh doanh bóng đá mà chủ yếu dựa vào hỗ trợ tài chính từ công ty mẹ.

Ông Nguyễn Húp nói: “Chúng tôi mong muốn lãnh đạo VFF cùng ban chấp hành cần có những giải pháp quyết liệt hoặc có những kiến nghị cụ thể đối với chính phủ, các bộ ngành có liên quan để có những chính sách thỏa đáng cho chủ đầu tư đội bóng, có chính sách ưu đãi, đặc thù cho các doanh nghiệp đầu tư bóng đá.

Giám đốc điều hành CLB Sông Lam Nghệ An Hồ Văn Chiêm - Ảnh: Minh Hoàng

Ông Hồ Văn Chiêm - Giám đốc điều hành CLB SLNA, nói: “Tôi đồng ý với 3 mục tiêu ưu tiên mà ứng viên Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải phát biểu trên Báo Thanh Niên. Một số nút thắt bấy lâu của bóng đá VN sẽ được giải quyết. Ví dụ như khâu đào tạo trẻ, một trong những thực trạng của phần lớn các CLB hiện nay mà VFF khóa 7 chưa tháo gỡ được là khó khăn về kinh phí.

Nên nhiều đội vẫn chưa tổ chức đào tạo cầu thủ trẻ các lứa tuổi theo quy định, rất bị động trong việc sử dụng và tuyển chọn hay tạo nguồn kế cận”. Vì vậy, VFF khóa 8 cần giúp các CLB giải quyết được vấn đề mang tính sống còn này”.

Một số CLB khác cho rằng: Khóa 7, vấn đề tài chính tài trợ của VFF còn nhiều bất cập khi không thu hút được nhiều tiền. Mới đây, Densu và VFF tái ký hợp đồng 3 năm, tăng gần 70% giá trị so với hợp đồng cũ nhưng nguồn thu này lại không phải do những người phụ trách tài chính mang về.

Nếu anh Hải là chủ tịch thì VFF phải biết cách kiếm tiền bằng nhiều cách, ví dụ như hình thành chiến lược tiếp thị toàn diện nâng cao giá trị thương hiệu các đội tuyển quốc gia, các CLB, các giải chuyên nghiệp; tranh thủ sự hỗ trợ tài chính của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tăng cường nguồn thu từ tổ chức sự kiện bóng đá, hỗ trợ tích cực trong thí điểm triển khai hoạt động đặt cược bóng đá quốc tế hợp pháp.

Nhật Duy

Nguồn Thanh Niên: http://thethao.thanhnien.vn/bong-da-viet-nam/co-tan-chu-tich-vff-khoa-8-phai-biet-kiem-nhieu-tien-95299.html