'Có sự thật, chăm chăm ra quỹ tài chính Nhà nước để được quyền thu, chi'

'Có đồng chí nói không có quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước thì ra luật làm gì. Đây là sự thật, chăm chăm ra quỹ để được quyền thu, quyền chi', Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay và nhấn mạnh, phải quán triệt, 'ra luật không thành lập quỹ là một; không hình thành thêm tổ chức, tăng biên chế là hai...'.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: TN

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: TN

Chiều ngày 13/8, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH thảo luận giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước giai đoạn 2013-2018”.

Từ khóa trước ĐBQH đã “râm ran”…

Cho ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận định, báo cáo của Đoàn Giám sát “chất lượng, rất tốt, có địa chỉ cụ thể”.

“Vì sao mỗi lần làm luật lại sinh ra một quỹ thì đại biểu (ĐB) QH từ khóa trước đã râm ran, người ta nói rất nhiều. Việc lựa chọn chuyên đề này thực sự cần thiết, đúng với nguyện vọng, tâm tư của các ĐBQH qua các khóa”, bà Nga nói.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khái quát, “qua giám sát cho chúng ta bức tranh tổng thể về các quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sáchNnhà nước”.

Theo bà Ngân, qua giám sát thấy cơ sở pháp lý thành lập các quỹ khác nhau. Mô hình, cơ cấu tổ chức, cơ chế tài chính, chế độ kế toán cũng khác nhau. Thậm chí, có hơn 100 văn bản cho phép thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của các quỹ này.

“Điều đó cho thấy, hệ thống pháp luật hình thành, quản lý, sử dụng các quỹ phức tạp, chưa thống nhất, thiếu minh bạch, không rõ ràng, không phù hợp với yêu cầu quản lý thực tiễn”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Bà Ngân chỉ ra, chưa có 1 cơ quan nào thống nhất quản lý quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách. Trong khi đó, lại có quá nhiều quỹ làm phân tán nguồn lực Nhà nước.

“Tôi nhớ có hình tượng sông thì cạn nước nhưng có nhiều hồ nhỏ vẫn còn chứa nước. Ngân sách Nhà nước là một dòng sông chảy luân chuyển đã cạn nước nhưng hồ lớn, hồ nhỏ xung quanh thì giữ nước lại. Như vậy là phân tán nguồn lực”, bà ví von.

Có quỹ chi không hết gửi ngân hàng lấy lãi

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với đánh giá của Đoàn Giám sát về những tồn tai, hạn chế như nguồn thu tài chính hình thành các quỹ tài chính chưa đảm bảo hoạt động độc lập với ngân sách Nhà nước; chi thì trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách…

Hơn nữa, theo đánh giá của Đoàn Giám sát, vấn đề công khai, minh bạch hoạt động ở một số quỹ là có vấn đề.

Giải trình tại phiên họp, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, hiện có 48 quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, trong đó 28 quỹ ở Trung ương và 20 quỹ ở địa phương, phần lớn được thành lập trước khi Luật Ngân sách Nhà nước 2015 có hiệu lực thi hành (năm 2017).

Ông Dũng thừa nhận, bên cạnh kết quả đạt được, việc hoạt động của các quỹ còn nhiều tồn tại. "Quá trình tham gia với các bộ ngành, Bộ Tài chính luôn đóng vai "ông ác" khi gần như nào luật nào cũng quỹ, kể cả ở Luật Phòng chống tác hại rượu bia, chúng tôi cũng không đồng tình về việc có quỹ", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ.

“Tham nhũng trong lĩnh vực này rất dễ xảy ra, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ, trong số những quỹ này có những vụ việc lớn nào đã xảy ra, nguyên nhân vì sao và từ những vụ việc cụ thể chúng ta rút ra vấn đề gì?”, bà Nga nêu ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý, mục đích “đẻ” ra các quỹ là dùng vốn ngân sách Nhà nước làm “mồi” để huy động các nguồn xã hội.

“Thực tế lại cơ bản bố trí ngân sách Nhà nước thôi, còn việc huy động thu hút các nguồn lực là rất hạn chế”, ông Thanh nói.

Trong khi, chi cũng khá nhiều vấn đề bất cập khi: chi cho chức năng nhiệm vụ của các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương, chi cho tuyên truyền, quảng cáo, chi cho tổ chức bộ máy…

“Có quỹ chi không hết còn gửi ngân hàng thương mại”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, cần rà soát, chấn chỉnh việc này.

Không được "ra một luật là thêm quỹ"

Từ các tồn tại mà Đoàn Giám sát chỉ ra, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đầu tiên có trách nhiệm của các cơ quan sinh ra quỹ.

“QH, Chính phủ cũng có trách nhiệm trong việc xây dựng hành lang pháp lý. Chúng ta chưa tạo được hành lang pháp lý đủ ở tầm cao để hình thành các quỹ này để có thể kiểm soát được”, bà Nga nhấn mạnh.

Trước kiến nghị của Đoàn Giám sát bãi bỏ ngay hoặc xây dựng lộ trình bãi bỏ hàng loạt quỹ, trong đó có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá… theo Chủ tịch QH, nghị quyết của UBTVQH không “bê nguyên” để tránh gây ra “rối loạn, tác động mà chưa lường được”.

Bà Ngân cho rằng, nghị quyết này mang tính chất đánh giá thực trạng, hiệu quả mang lại, hạn chế, tồn tại, đưa ra đề xuất, định hướng cần phải rà soát, đánh giá thật kỹ các quỹ. Trên cơ sở đó, Chính phủ có kế hoạch lộ trình để sắp xếp, sát nhập hay giải thể các quỹ.

“Quỹ nào hoạt động tốt, đúng tôn chỉ, mục đích mang lại hiệu quả thì tiếp tục cho phát triển, tồn tại. Quỹ nào hoạt động không rõ mục đích, không hiệu quả hoặc không hoạt động, thu vào rất nhiều, chi ra rất ít để tồn kết dư lớn thì phải xem lại”, Chủ tịch QH nêu quan điểm.

Điều quan trọng, theo bà Ngân, là phải kiến nghị, trước mắt, các luật chuyên ngành không quy định lập quỹ, không được “cứ ra 1 luật là thêm quỹ”.

“Vừa rồi chị Phóng (Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng - PV) chủ trì thẩm tra Luật Phòng chống tác hại rượu bia, có ý kiến đòi có quỹ như Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá. Tới khi thấy QH không mặn mà, có đồng chí nói không có quỹ thì ra luật làm gì. Đây là sự thật, chăm chăm ra quỹ để được quyền thu, quyền chi”, Chủ tịch QH cho hay.

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, phải quán triệt, “ra luật không thành lập quỹ là một; không hình thành thêm tổ chức, tăng biên chế là hai nếu không có chủ trương của cấp cao về hình thành một tổ chức nào đó”.

Hương Giang

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/co-su-that-cham-cham-ra-quy-tai-chinh-nha-nuoc-de-duoc-quyen-thu-chi_t114c67n152594