Có sự biến đổi chủng gien của EV71 từ B5 sang C4 ở bệnh tay chân miệng

Đây là nhận định của PGS-TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM tại Hội nghị cung cấp thông tin về phòng chống dịch bệnh đông xuân do Bộ Y tế tổ chức chiều 9.10.

Theo số liệu của Bộ Y tế, trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước ghi nhận hơn 61.800 trường hợp mắc tay chân miệng (TCM), ghi nhận tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 29.324 trường hợp nhập viện và 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 18,9%, số trường hợp nhập viện giảm 14,9%.

Đáng chú ý là bệnh có dấu hiệu gia tăng tại các tỉnh Đông Nam Bộ và một số tỉnh miền Trung, Hà Nội, như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh và Hà Nội.

Các chuyên gia y tế chia sẻ thông tin về dịch bệnh

Theo TS. Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, số mắc chủ yếu ghi nhận ở khu vực miền Nam chiếm 77,6%, miền Bắc chiếm 10,6%, miền Trung chiếm 10,1% và Tây Nguyên chiếm 1,7%.

10 tỉnh có số mắc tích lũy trên 100.000 dân cao nhất nước gồm: Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Ninh Thuận, Long An, Tây Ninh và Quảng Ngãi. Số mắc chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi (chiếm 99,5%), trong đó hay gặp ở nhóm từ 1-5 tuổi, tuổi trẻ đi nhà trẻ và mẫu giáo (chiếm 79%) và dưới 1 tuổi (chiếm 17%).

Còn theo thống kê của Viện Pasteur TP HCM, tại khu vực 20 tỉnh phía Nam, số ca mắc TCM trong 9 tháng đầu năm 2018 giảm 31% so với cùng kỳ 2017. Tuy nhiên, số ca tăng nhanh trong 4 tuần gần đây và cao hơn 50% so với cùng kỳ 2017. Đã có 6 ca tử vong do TCM ở phía Nam (Tây Ninh 2 ca; Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Bến Tre mỗi tỉnh 1 ca).

Về việc số ca mắc TCM tăng cao và có nhiều ca biến chứng nguy hiểm, PGS-TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cho rằng, qua điều tra dịch tễ, năm 2018 có sự phổ biến của chủng virus EV71, chiếm 25% tổng ca mắc. Virus này khiến bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nặng hơn, tác động lên hệ thần kinh, tim mạch và hô hấp, có thể gây tử vong. Đặc biệt, có sự biến đổi chủng gien của EV71 B5 sang C4. Đây cũng là chủng gen virus gây nên dịch bệnh TCM vào năm 2011.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo: thường xuyên rửa tay cho trẻ bằng xà phòng dưới vòi nước là cách phòng bệnh tốt nhất.

Theo ông Lân, chủng này cũng dễ gây biến chứng nặng, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi cao gấp 1,7 lần so với các chủng gen khác của EV71. Điều này có thể là nguyên nhân làm số ca bệnh gia tăng nhanh chóng tại các tỉnh, thành trong cả nước những tuần gần đây.

Ông Lân nhấn mạnh, biến chủng gen C4 của bệnh TCM không phải là biến chủng mới. Virus gây bệnh TCM cũng giống như virus gây bệnh sốt xuất huyết đều có nhiều chủng khác nhau. Ở sốt xuất huyết là các chủng virus D1, D2, D3, D4 và thường xuất hiện luân phiên, lần lượt qua các năm.

Tương tự, bệnh TCM có tới 11 chủng: A, B1, B2, B3, B4, B5, C1, C2, C3 C4, C5. Các chủng cũng luân phiên, năm nay chủng này chiếm đa số thì năm sau có thể đến chủng khác. Năm ngoái là chủng B5 và năm nay số ca mắc TCM năm nay ghi nhận sự nổi trội của chủng C4.

Diệu Linh

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/gia-dinh/co-su-bien-doi-chung-gien-cua-ev71-tu-b5-sang-c4-o-benh-tay-chan-mieng-919973.html