Cô sơn nữ truyền con chữ cho trẻ em nghèo

Rmah H'Blao (SN1988) sinh ra bình thường như bao đứa trẻ trong làng, nhưng năm lên 3 tuổi sau một trận sốt bại liệt đã để lại di chứng bị teo một chân. Dù bị khuyết tật nhưng H'Blao ngay từ nhỏ đã mơ ước sau này sẽ trở thành cô giáo để dạy chữ cho trẻ em trong làng

H’Blao cùng các em nhỏ của lớp học tình thương - Ảnh nhân vật cung cấp

Về làng Chao Pông nằm thoai thoải giữa những rẫy cà phê, xã Ia Phang, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai hỏi thăm cô giáo người dân tộc J’rai tên Rmah H’Blao mở lớp học miễn phí thì trẻ con trong làng ai cũng biết. Thân hình gầy gò chỉ cao hơn học sinh tiểu học một chút, một chân bị liệt nhưng H’Blao luôn cố gắng tập luyện để được bước đi trên đôi chân của mình. Với sự giúp đỡ của người thân trong gia đình, cô giáo Rmah H’Blao tự mở lớp, rồi miệt mài dạy học miễn phí, niềm vui của cô gái J’rai là nhìn thấy các em chăm ngoan học giỏi, chừng ấy thôi cũng đủ khích lệ, tiếp thêm động lực duy trì lớp học suốt 7 năm qua.

Năm 2008, H’Blao từ bỏ đam mê trở thành cô giáo để theo ngành Công nghệ thông tin, mong tìm được việc phù hợp với bản thân. Cánh cửa tưởng chừng đã mở ra với H'Blao khi đỗ Cao đẳng Sư phạm Gia Lai khoa công nghệ. Chỉ còn một năm nữa là hoàn thành chương trình học. Tuy nhiên, những trận đau ốm triền miên khiến H’Blao đành bỏ ngang việc học do sức yếu, lại phải học xa nhà, H’Blao không theo kịp các bạn nên nửa học kỳ năm học thứ 2 (năm 2011) H’Blao nghỉ học giữa chừng. Về làng, cả ngày người lớn trong làng phải đi làm ruộng, đi rẫy, trong không gian vắng vẻ của ngôi làng, những đứa trẻ ở nhà hay nô đùa trước sân nhà. Bọn nhỏ đen nhẻm, ngoài lúc đùa nghịch thường lấy sách vở ê a hay viết xuống khoảng sân những chữ không tròn trịa. H’Blao gặp lại tuổi thơ của mình, khơi lại ước mơ làm cô giáo khi còn đi học. H’Blao chỉ bài cho những em trong dòng họ, động viên các em chăm học.

Rồi, những đứa trẻ rủ bạn trong làng đưa nhau đến ngày một đông. Thấy các em nhỏ dù đến trường học vẫn chưa đọc thông viết thạo, H’Blao đánh bạo xin cha xây thêm một phòng kiên cố, vừa tiếp khách vừa dễ quán xuyến đám nhỏ mở lớp học dạy thêm miễn phí. Dù nhà không khá giả, nhưng bố mẹ Rmah H’Blao đồng ý dành phòng khách làm lớp học trong căn nhà nhỏ ở giữa làng. Bàn ghế, bảng viết do phụ huynh chung góp, cứ thế H’Blao trở thành cô giáo ngày hai bữa dạy tiếng Kinh và phiên dịch bằng tiếng J’rai cho học trò.

H’Blao tập đánh vần cho các em nhỏ tại lớp học tình thương

Ông Kpah Jihveng, thôn trưởng Plei Chao Pông nói: “Phải biết học cái chữ chứ. Học nhiều nữa để cái tay biết làm việc giỏi, cái đầu nghĩ việc hay mà thoát nghèo. Mình đi đến nhà nào cũng động viên bố mẹ cho con đến trường. Học không hiểu thì đến học thêm lớp học của cô H’Blao. Miễn phí mà!”.

Không có chuyên ngành sư phạm, thời gian đầu chị H’Blao gặp không ít khó khăn trong việc truyền dạy con chữ, H’Blao phải tự mình mày mò, vừa học vừa dạy. Lớp học lên tới vài chục em, ở mọi lứa tuổi và khả năng tiếp thu khác nhau, nên chị H’Blao chia thành từng nhóm để dạy. Trong thâm tâm H’Blao mong rèn cho các em nhỏ sự tự giác, thích học tập và bổ sung kiến thức cơ bản để các em theo kịp ở trường. Nhờ đó, em nào theo học lớp H’Blao đều biết đọc, viết, có em chăm chỉ lên trường học được nhận giấy khen khiến H’Blao tự hào. Chị H’Blao tâm sự: “Cuộc sống vất vả, bố mẹ lo cái ăn nên không quan tâm đến việc học của trẻ. Tôi dồn tất cả tình thương, dạy cho chúng cái chữ để sau này biết tính toán làm ăn, thay đổi cuộc sống”.

Chị Kpăh H’Rin (Chi hội trưởng phụ nữ làng Chao Pông) nhận xét: H’Blao là cô gái ngoan hiền được dân làng yêu mến. Dù đôi chân tật nguyền, đi lại khó khăn song H’Blao vẫn cố gắng dạy chữ miễn phí cho các em nhỏ không chỉ trong làng mà các làng bên, may có H’Blao giúp đỡ. Có em rất muốn đến lớp học thêm nhưng phải theo bố mẹ lên rẫy, trông em… Gặp những trường hợp này, chị cùng H’Blao đến nhà vận động.

Vừa qua, tỉnh Đoàn Gia Lai tặng Bằng khen gương người tốt việc tốt, UBND huyện Chư Pưh tặng Giấy khen cho H'Blao vì có thành tích xuất sắc trong phong trào dạy học cho học sinh nghèo.

LÊ NHUẬN

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/co-son-nu-truyen-con-chu-cho-tre-em-ngheo-d75634.html