Cơ sở y tế hoạt động cầm chừng vì… hết quỹ

Từ vài tháng nay, các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn Đồng Nai không còn tiền để chi trả cho nhân viên. Có đơn vị phải 'co' lại hoạt động khám, chữa bệnh do hết kinh phí.

Hết quỹ, các cơ sở y tế gặp khó trong hoạt động. Trong ảnh: Chạy thận nhân tạo tại Trung tâm y tế huyện Trảng Bom. Ảnh: B.Nhàn

Hết quỹ, các cơ sở y tế gặp khó trong hoạt động. Trong ảnh: Chạy thận nhân tạo tại Trung tâm y tế huyện Trảng Bom. Ảnh: B.Nhàn

“Chúng tôi phải lấy nguồn quỹ dự phòng của bệnh viện để trả lương, phụ cấp cho nhân viên. Trong tháng 12 này, chúng tôi chỉ đảm bảo được tiền lương, còn phụ cấp tăng thêm, nguồn quỹ của bệnh viện đã không còn để chi trả” - bác sĩ Phan Văn Huyên, Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh chia sẻ.

* Hoạt động cầm chừng

Theo bác sĩ Huyên, đáng lo nhất là tháng 1-2020, bệnh viện thậm chí không còn tiền trả lương nhân viên, trong khi đây là tháng Tết, người lao động nào cũng mong chờ ngoài tiền lương sẽ có thêm tiền thưởng. Năm 2019, Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh triển khai được 27 kỹ thuật mới, số lượt khám bệnh ngoại trú và điều trị nội trú cũng tăng 20-23% so với năm 2018 (1.500-1.800 lượt khám bệnh/ngày; nội trú
800-1.200 bệnh nhân/ngày). Bệnh đông nhưng nguồn quỹ giao dự toán bảo hiểm y tế (BHYT) thấp nên bệnh viện vượt dự toán đến 60 tỷ đồng, gấp đôi năm ngoái.

Bác sĩ Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết: “Tình cảnh các cơ sở y tế hết tiền, hoạt động cầm chừng xảy ra vài tháng nay. Điều này khiến các bệnh viện phải tìm cách “cắt bớt” một số dịch vụ cho người bệnh. Thực tế, có người bệnh đã “tố” với tôi rằng, khi khám bệnh bác sĩ chỉ cho đơn thuốc và yêu cầu ra ngoài mua vì bệnh viện hết quỹ BHYT. Điều này làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân khi tham gia BHYT tự nguyên, khó đảm bảo tăng tỷ lệ tham gia BHYT”.

Riêng số tiền vượt quỹ năm 2018 (30 tỷ đồng), bệnh viện đã giải trình nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời của cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, BHXH Việt Nam để biết “số phận” của 30 tỷ đồng này như thế nào. Hậu quả là ngay từ tháng 10, bệnh viện đã sử dụng hết nguồn quỹ. Cũng từ đó, bệnh viện không còn tiền để trả lương cho nhân viên bệnh viện cũng như tiền thuốc, vật tư, hóa chất...

Tương tự, đến ngày 20-10, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cũng đã sử dụng hết quỹ giao dự toán BHYT. Năm 2017, bệnh viện được thanh, quyết toán 335 tỷ đồng. Đến năm 2018, BHXH Việt Nam bắt đầu thực hiện việc giao dự toán, số tiền mà bệnh viện được giao là 302 tỷ đồng nhưng chi vượt dự toán hơn 40 tỷ đồng; năm 2019 là 301,5 tỷ đồng và chi vượt dự toán 34 tỷ đồng (tính đến hết tháng 11-2019).

Theo bà Nguyễn Thị Mai, kế toán trưởng Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, bệnh viện vẫn chưa nhận được phản hồi về việc có được nhận lại số tiền vượt dự toán năm 2018 hay không? Đến nay, bệnh viện mới trả tiền thuốc cho các công ty dược đến hết tháng 6-2019. “Thời gian gần đây, ngày nào các công ty dược cũng gọi điện cho chúng tôi để… đòi nợ, nhưng không còn tiền trả. Bệnh viện còn phải xoay xở để chi trả tiền lương cho nhân viên” - bà Mai tâm sự.

Trước tình trạng không còn tiền để hoạt động, bệnh viện đành phải hạn chế sử dụng các loại thuốc đắt tiền, phẫu thuật kỹ thuật cao như: thay khớp gối, khớp háng, mổ tim hoặc can thiệp tim mạch… Bác sĩ Phạm Quang Huy, Trưởng khoa Can thiệp tim mạch Bệnh viện đa khoa Thống Nhất cho biết, quỹ đã hết, khoa cũng phải “co” lại trong hoạt động, chỉ can thiệp những ca cấp cứu, tranh thủ “thời gian vàng” để cứu bệnh nhân. Còn các ca chưa cần gấp, khoa sẽ thuyết phục bệnh nhân chuyển lên các đơn vị còn quỹ ở tuyến trên, hoặc điều trị nội khoa bằng thuốc để duy trì, “chờ” quỹ mới thực hiện can thiệp điều trị.

* Lo nhân viên không được hưởng lương, thưởng

Việc giao dự toán BHYT thấp sẽ khiến các bệnh viện khó phát triển mở rộng các kỹ thuật mới, chuyên sâu. Cụ thể, Khoa Tim mạch can thiệp của bệnh viện đa khoa Thống Nhất thực hiện được 442 thủ thuật (năm 2015), tăng lên 692 thủ thuật vào năm 2016, năm 2017 là 853 thủ thuật; năm 2018 là 1.053 thủ thuật nhưng đến năm 2019, khoa giảm xuống 995 thủ thuật. Còn đối với Bệnh viện đa khoa khu vực Long Khánh, năm 2019 bệnh viện triển khai 27 kỹ thuật mới nhưng nếu tình trạng thiếu quỹ BHYT còn kéo dài, các kỹ thuật này sẽ phải đối mặt với nguy cơ phải… dẹp bỏ.

Mới đây, BHXH tỉnh đã gửi thông báo giao bổ sung dự toán cho các bệnh viện, trung tâm y tế các huyện 176 tỷ đồng. Trong đó, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai được giao bổ sung 35 tỷ đồng, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất là 20 tỷ đồng…

Không chỉ các bệnh viện lớn, ngay cả các trung tâm y tế cũng “lao đao” vì cảnh chưa hết năm đã xài hết tiền quỹ. Bác sĩ Nguyễn Đức Phước, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Trảng Bom cho hay, năm 2018, trung tâm vượt quỹ gần 15 tỷ đồng nhưng chưa được thanh toán hoặc nhận được bất cứ phản hồi nào về số tiền này. Trong số tiền vượt trên, có đến trên 7 tỷ đồng chi ngoại tuyến (người bệnh khám chữa bệnh nơi khác, chủ yếu là các Bệnh viện ung bướu TP.Hồ Chí Minh, Chợ Rẫy…) nhưng vẫn “quy” cho trung tâm y tế vượt dự toán. Trong khi, trung tâm triển khai nhiều kỹ thuật mới như chạy thận nhân tạo nhưng tình cảnh này khiến trung tâm càng triển khai kỹ thuật cao, càng lỗ.

Hiện nay, trung tâm vẫn đang nợ tiền thuốc (5-7 tỷ đồng). Nếu không được thanh toán số tiền vượt quỹ năm 2018 (14,8 tỷ đồng), trung tâm sẽ không có tiền để thanh toán nhiều khoản nợ, kể cả lương nhân viên. Tháng 12-2019, Trung tâm y tế huyện Trảng Bom phải vay mượn các nguồn khác để trả lương cho nhân viên. “Tiền lương, thưởng cho nhân viên trong dịp Tết sắp tới, tôi đang lo không biết lấy nguồn nào để bù đắp” - bác sĩ Phước lo lắng bày tỏ.

Bích Nhàn

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/201912/co-so-y-te-hoat-dong-cam-chung-vi-het-quy-2980182/