Cơ sở vững chắc xây dựng tuyến biên giới quốc gia hòa bình, phát triển

Ngày 7-12, Bộ Quốc phòng (BQP) tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP). Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 58 điểm cầu trong toàn quốc.

Tới dự tại điểm cầu Sở chỉ huy BQP có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ; cùng đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng BQP chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Sở chỉ huy BQP còn có Thượng tướng Bế Xuân Trường, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng BQP; Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng BQP; cùng các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, các cơ quan, đơn vị trực thuộc BQP.

Từ xây dựng tuyến biên phòng lòng dân

Bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG) là nhiệm vụ thiêng liêng, gắn với sự toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Chính vì thế, công tác quản lý, bảo vệ, giữ vững chủ quyền, an ninh BGQG là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, trong đó quần chúng nhân dân chiếm vị trí, ý nghĩa, vai trò quan trọng. Nhận thức rõ điều đó, Pháp lệnh BĐBP năm 1997 đã thể chế hóa phương châm chiến lược “biên phòng toàn dân”; đồng thời được triển khai với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, cùng sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành thông qua những công việc cụ thể, thiết thực. Điều đó được Trung tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 3, minh chứng trong tham luận tại hội nghị: Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng lực lượng, công tác phối hợp, hiệp đồng giữa LLVT Quân khu 3 và BĐBP trên các địa bàn trong thực hiện quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo ngày càng chặt chẽ. Việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng thế trận biên phòng và thế trận an ninh nhân dân vững mạnh được thể hiện rõ ở các địa phương. Tại các tỉnh, thành phố, bộ CHQS và bộ chỉ huy BĐBP đã phối hợp làm tốt vai trò tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành các nghị quyết, chỉ thị tăng cường công tác quản lý, bảo vệ biên giới, biển, đảo kịp thời, hiệu quả. Sự phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ tác chiến phòng thủ khu vực biên giới, biển, đảo và huấn luyện SSCĐ cũng được tiến hành thường xuyên, hiệu quả. Hai cơ quan luôn chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương chăm lo, củng cố cơ sở chính trị, tham gia phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên các địa bàn. Các cơ quan quân khu cũng tích cực chỉ đạo các đơn vị xây dựng, duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động những mô hình, phong trào tự quản của nhân dân trong tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển, đảo. Chính vì thế, các cụm dân cư an toàn, cụm tàu bè an toàn, cụm an ninh liên kết, tổ công tác địa bàn... ở các địa phương được xây dựng rộng khắp. Công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương trong đầu tư ngân sách hỗ trợ phát triển kinh tế, giúp nhân dân yên tâm định cư, xây dựng phên giậu Tổ quốc ngày càng đi vào chiều sâu.

Lãnh đạo Chính phủ và Bộ Quốc phòng với các đại biểu tại hội nghị.

Ý kiến của Trung tướng Vũ Hải Sản thuyết phục những người tham dự hội nghị về nội dung, phương pháp và tính hiệu quả trong triển khai thực hiện phương châm chiến lược “biên phòng toàn dân” bao nhiêu thì những dẫn chứng trong phát biểu của đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, lại mang đến cho các đại biểu dự hội nghị sự xúc động bởi những con số “biết nói” mang dấu ấn của BĐBP với nhân dân cả nước nói chung, phụ nữ, trẻ em vùng biên giới, hải đảo nói riêng. Theo đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà: Những năm qua, các chiến sĩ mang quân hàm xanh đã giải cứu được hàng nghìn nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị mua bán qua biên giới, hỗ trợ gần 3.000 học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường, xóa mù chữ cho 6.000 học viên, vận động hơn 100.000 học sinh bỏ học quay lại trường...

BĐBP cũng đã cùng các lực lượng trao 7.000 căn nhà tặng người nghèo trên tuyến biên giới và tăng cường hàng trăm cán bộ về các xã biên giới; giới thiệu đảng viên ở các đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tại các chi bộ thôn, bản, góp phần tích cực vào nhiệm vụ xây dựng cơ sở chính trị. Các đơn vị biên phòng đã chủ trì và phối hợp thực hiện nhiều chương trình, phong trào, mô hình hiệu quả, như: BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới; mái ấm và bò giống cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo; xuân biên phòng ấm lòng dân bản...

Đến chăm lo lực lượng vững mạnh

Các ý kiến phát biểu và tham luận gửi về hội nghị đã khẳng định rõ vai trò nòng cốt, chuyên trách của BĐBP trong nhiệm vụ giữ gìn an ninh biên giới quốc gia. Đúng như đánh giá của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình: "Chúng ta thu được kết quả to lớn trong bảo vệ chủ quyền biên giới, xây dựng "thế trận lòng dân" trên biên giới, hải đảo là nhờ có sự lãnh đạo, chỉ đạo khoa học, chặt chẽ của QUTƯ, BQP đối với Bộ tư lệnh BĐBP. Chúng ta cũng có sự nỗ lực trực tiếp của BĐBP trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, chủ trì giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới, vùng biển; sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể trong nhiệm vụ chiến lược quan trọng này".

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ mong rằng, thời gian tới, các đơn vị quân đội nói chung, Bộ tư lệnh BĐBP nói riêng cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tham mưu với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp, đồng thời triển khai thực hiện quyết liệt, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý, xây dựng, bảo vệ BGQG, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thượng tướng Phan Văn Giang quán triệt đầy đủ nội dung chỉ đạo của đồng chí Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ và khẳng định: QUTƯ, BQP tiếp tục tập trung thúc đẩy phong trào toàn dân bảo vệ an ninh biên giới thiết thực, hiệu quả, rộng khắp; tiếp tục củng cố LLVT trên tuyến biên giới, nhất là BĐBP, bảo đảm cho lực lượng này giữ vững vai trò chuyên trách, nòng cốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần tích cực vào xây dựng khu vực biên giới vững mạnh về kinh tế-xã hội và quốc phòng, an ninh, đồng thời tạo môi trường ổn định, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển trên các tuyến biên giới.

Bên cạnh đó, BQP kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ BGQG; kịp thời thể chế các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác quân sự, quốc phòng; triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược bảo vệ BGQG, xây dựng BĐBP vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh BGQG trong giai đoạn cách mạng mới; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý, bảo vệ BGQG và xây dựng BĐBP bảo đảm thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết và là thành viên tích cực. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ BGQG, sớm xây dựng và báo cáo Quốc hội thông qua Luật Biên phòng Việt Nam.

TIẾN ĐẠT

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/co-so-vung-chac-xay-dung-tuyen-bien-gioi-quoc-gia-hoa-binh-phat-trien-556517