Cơ sở sản xuất rượu Hương Việt sử dụng nguyên liệu mốc?

Theo phản ánh của cán bộ và nhân dân tại thôn Đông Phong, phường Minh Đức, quận Đồ Sơn với phóng viên thường trú Báo BVPL miền duyên hải Bắc bộ về một cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu chuối hột ngâm, với tên thương hiệu Hương Việt tại địa bàn này có nhiều biểu hiện bất minh.

Đoàn kiểm tra liên ngành công bố quyết định kiểm tra cơ sở sản xuất rượu Hương Việt của ông Ngạn

Đoàn kiểm tra liên ngành công bố quyết định kiểm tra cơ sở sản xuất rượu Hương Việt của ông Ngạn

"Cơ sở này luôn đóng cửa im ỉm cả ngày, không hề thấy dấu hiệu nấu rượu, thái phơi nguyên liệu là chuối hột, ba kích, táo mèo bao giờ, nhưng hàng ngày, nhân dân chỉ thấy ông chủ mở cửa cuốn lái chiếc xe ô tô con chở rượu đi bán. Khi chiếc xe con vừa ra khỏi cơ sở là hệ thống cửa cuốn lại được đóng sập xuống ngay tức thì. Ông chủ cơ sở thường khai với một số cơ quan chức năng là tự mua rượu trắng của một số hộ nấu rượu thủ công trong thôn gần đây và mua chuối hột của nhân dân quanh vùng về thái, phơi khô ngâm rượu rồi đóng chai, dán nhãn đưa đi bán. Nhưng nhân dân địa phương không thấy có ai bán rượu cho hộ kinh doanh này. Các sản phẩm rượu ngâm “truyền thống” mang tên Hương Việt cũng không được ai ở đây sử dụng. Nhiều người nghi ngờ về chất lượng sản phẩm của cơ sở này tự công bố không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm..." - Ông Cường, một người dân địa phương phản ánh với PV Báo BVPL.

Sau khi nhận được đơn phản ánh cùng chai rượu thành phẩm của Hương Việt, phóng viên thường trú Báo BVPL miền duyên hải Bắc bộ đã đề nghị Chi cục QLTT Hải Phòng phối hợp với các cơ quan chức năng, kiểm tra đột xuất cơ sở này.

Vào hồi 11h ngày 4/6/2018, lãnh đạo Chi cục QLTT Hải Phòng đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Đội QLTT cơ động số 4, Đội QLTT Đồ Sơn, phối hợp với Trung tâm y tê dự phòng và Phóng viên Báo BVPL đến kiểm tra thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở sản xuất kinh doanh rượu ngâm Hương Việt, tại thôn Đông Phong, phường Minh Đức, Đồ Sơn, Hải Phòng, do ông Bùi Đình Ngạn làm chủ hộ kinh doanh.

Đoàn kiểm tra phát hiện một thùng chuối hột thái lát khô có dấu hiệu mốc xanh đen của cơ sở ông Ngạn

Tại thời điểm kiểm tra, ông Ngạn chỉ xuất trình được: Giấy chứng nhận ĐKKD hộ cá thể; Giấy phép sản xuất rượu thủ công số 03 cấp ngày 18/12/2016; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATP; phiếu tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm số 57 rượu ba kích, số 58 rượu táo mèo, số 59 rượu chuối hột. Cả 3 phiếu đều do Chi cục ATVSTP cấp ngày 1/6/2018. Kèm theo phiếu tiếp nhận có 4 bộ hồ sơ của ông Ngạn tự công bố sản phẩm, trong đó sản phẩm rượu trắng và 4 tờ kết quả thử nghiệm do Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hải Phòng cấp ngày 10/10/2017.

Ông Ngạn đã cùng với Đoàn kiểm tra thực tế hàng hóa tại cơ sở, với số lượng tồn chứa khoảng trên 20.000 lít rượu, có bản kê kèm theo gồm: 6 bồn Inoc chứa rượu ngâm ba kích loại 500 lít/bồn (3000 lít); 6 bồn Inoc chứa rượu ngâm táo mèo loại 500 lít/bồn (3000 lít); 8 bồn Inoc chứa rượng ngâm chuối hột loại 500 lít/bồn (4.000 lít); 8 bồn Inoc chứa rượu trắng loại 300 lít/bồn (2.400 lít); khoảng 40 thùng nhựa, chum sành chứa rượu nếp ngâm, rượu mơ ngâm (khoảng 5000 lít); 27 thùng rượu chuối hột thành phẩm mỗi thùng 24 chai loại 300ml/chai (bằng 194,4lít); 11 thùng rượu ba kích thành phẩm mỗi thùng 24 chai loại 300ml/chai (bằng 79,2 lít); 17 thùng rượu trắng thành phẩm đóng chai tổng cộng 345 lít rượu; 28 thùng rượu chuối hột thành phẩm đóng chai, loại 50 chai/thùng, mỗi chai 300ml (bằng 420 lít); 300 chai rượu chuối hột chưa đóng thùng loại 300ml/chai (bằng 99 lít);

Ông Ngạn đã tự tay mở nắp các bồn ngâm rượu ba kích và khều một số củ ba kích ngâm cả củ ba kích tươi (chưa rút lõi củ) cho PV Báo BVPL và đoàn kiểm tra chứng kiến. PV Báo BVPL đã xin phép ông Ngạn cầm hai củ ba kích tím tươi vẫn còn lõi khi ông Ngạn khều ra cho xem để về hỏi các thầy thuốc đông y về việc ngâm cả lõi củ ba kích này vào rượu và đã được ông Ngạn đồng ý.

Ba kích tươi chưa tước bỏ lõi được ngâm trong các bồn rượu ba kích của cơ sở ông Ngạn

Ông Ngạn tự tay mở nắp một thùng nhựa đựng nguyên liệu là chuối hột thái lát, phơi khô cho đoàn xem. Khi chúng tôi phát hiện toàn bộ số nguyên liệu này đã mốc thâm đen, khi bốc lên bụi mốc bay mù mịt, thì ông Ngạn nói chữa đi là “nhìn thì thế thôi, nhưng chúng tôi còn phải qua công đoạn rửa nước, tẩm sấy bằng máy là sẽ hết bụi mốc ngay.”

Khi chúng tôi phản bác cho rằng “nguyên liệu chuối hột đầu vào đã mốc là rất độc hại, cần phải bỏ đi, cho dù cơ sở có tẩm sấy khô, khi cho vào ngâm rượu sẽ rất độc hại cho người sử dụng". Ngay lập tức, ông Ngạn lại “đích chính” là đây là thùng nguyên liệu đã để từ thời điểm Đội QLTT số 4 kiếm tra từ năm 2017, nay bị mốc chúng tôi không dùng nữa, nhưng do bận quá chúng tôi chưa đổ đi được…”

Khi đoàn kiểm tra thực tế tại nhiều chum sành, thùng nhựa ngâm rượu và cái rượu nếp thì ông Ngạn nói là “cơ sở của ông tự nên men, ngâm ủ rượu nếp để bán.” Đoàn kiểm tra đề nghị ông Ngạn cho kiểm tra một số mẫu men rượu, thì ông Ngạn nói “Mới sử dụng hết, không còn viên men nào…”

Đặc biệt, khi kiểm tra 1,5 bao gạo nếp là nguyên liệu để nấu và ngâm rượu nếp, chúng tôi phát hiện gạo nếp đã bị mốc ngả mầu thâm, trong bao gạo có rất nhiều con mọt.

Lúc này ông Ngạn lại chống chế “nhìn gạo mầu xỉn vậy thôi nhưng không phải gạo mốc. Gạo này tôi mua trong miền Nam chuyển ra, gạo có mọt thì mới là gạo “xịn” không có hóa chất. Khi nấu rượu, thì chúng tôi sẽ phải đãi, vo gạo là loại bỏ bết những con mọt đó ra ngoài…”

Gạo nếp nghi bị mốc có rất nhiều con mọt là nguyên liệu "xịn" đầu vào của cơ sở nấu rượu thủ công của ông Ngạn

Trong 5 bao gạo tấm là nguyên liệu để nấu rượu trắng tại cơ sở của ông Ngạn, chúng tôi cũng thấy số gạo này đã ngả mầu thâm, có nhiều con mọt trên mặt bao.

Đoàn kiểm tra yêu cầu ông Ngạn xuất trình các hóa đơn mua nguyên liệu đầu vào, như: gạo tẻ, gạo nếp, men rượu, chuối hột, ba kích… và các chứng từ chứng minh nguồn gốc, nhưng ông Ngạn không xuất trình được và xin xuất trình sau với Đoàn.

Theo ông Ngạn cho biết: Do thị trường cạnh tranh khốc liệt, nên mỗi ngày cơ sở chúng tôi chỉ tiêu thụ được khoảng 600 - 700 lít rượu Hương Việt.

Trước thái độ của nhiều thành viên trong Đoàn không đồng tình với cách giải thích sử dụng nguyên liệu mốc để nấu rượu, ngâm rượu bán cho người tiêu dùng, như vậy là vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Ngạn tự nguyện đưa toàn bộ số nguyên liệu gồm gạo nếp, chuối thái lát phơi khô có biểu hiện mốc xanh đen, rượu thành phẩm các loại, rượu trắng... vào trong kho và cùng với lực lượng QLTT tiến hành niêm phong hàng hóa để chờ kết quả kiểm nghiệm nguyên liệu đầu vào và thành phẩm đầu ra của các cơ quan chức năng Hải Phòng.

nhiều chum rượu nếp ngâm trong cơ sở của ông Ngạn

Được biết, cơ sở sản xuất kinh doanh rượu Hương Việt của ông Ngạn, năm 2017 đã bị lực lượng QLTT Hải Phòng kiểm tra và xử phạt 10 triệu đồng do vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh rượu khi chưa đủ các điều kiện theo quy định.

Theo lương y Nguyễn Hữu Toàn – Chủ nhà thuốc Đông y Nguyễn Hữu Toàn thì: Ba kích là loại dược liệu tốt cho sức khỏe, nhất là khi được ngâm rượu đúng cách. Ba kích có tính hàn nên phải sao với rượu để giảm bớt tính hàn vào khí và huyết. Đặc biệt, lõi rễ cây ba kích có độc tính, khi chế biến không bỏ lõi sẽ hại đến tim mạch. Tuy nhiên, với cách ngâm rượu ba kích tươi cả củ, cả lõi như ông Ngạn ở cơ sở Hương Việt nói trên thì lại phản tác dụng, không có lợi cho sức khỏe.

Báo BVPL sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những diễn biến tiếp theo của vụ việc khi có thông tin mới từ các cơ quan chức năng Hải Phòng.

Quang Chiến – Gia Tiệp

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/phap-luat-ban-doc/dieu-tra-theo-don-thu/co-so-san-xuat-ruou-huong-viet-su-dung-nguyen-lieu-moc-55867.html