Cơ sở pháp lý đầy đủ, thiết thực về hợp tác quốc tế và đối ngoại biên phòng

Hợp tác quốc tế về biên phòng là một bộ phận quan trọng của đối ngoại quốc phòng, an ninh trong nền ngoại giao Nhà nước, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, xuyên biên giới. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực khác, góp phần xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.

Lực lượng tuần tra Đồn Biên phòng Nậm Càn, BĐBP Nghệ An và Đại đội Biên phòng 222, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Xiêng Khoảng, Lào chào cột mốc quốc giới số 424 biên giới Việt Nam - Lào. Ảnh: Hùng Phong

Lực lượng tuần tra Đồn Biên phòng Nậm Càn, BĐBP Nghệ An và Đại đội Biên phòng 222, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Xiêng Khoảng, Lào chào cột mốc quốc giới số 424 biên giới Việt Nam - Lào. Ảnh: Hùng Phong

Thời gian qua, Bộ Tư lệnh BĐBP đã quán triệt sâu sắc đường lối, nguyên tắc, quan điểm, phương châm chỉ đạo, chính sách đối ngoại và chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội nhập quốc tế, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10-10-2017 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đặc biệt, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, xác định: “Mở rộng và đưa quan hệ hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng với lực lượng bảo vệ biên giới của các nước láng giềng và lực lượng chức năng của các nước có liên quan đi vào chiều sâu... Xây dựng và quản lý, bảo vệ biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển”.

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam, gồm 6 chương, 36 điều, quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng. Trong đó, về nhiệm vụ hợp tác quốc tế về biên phòng, quy định tại khoản 6, Điều 5: “Hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng và ngoại giao nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, ổn định lâu dài”, được xác định là nhiệm vụ chung đối với tất cả lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Điều 12 hợp tác quốc tế về biên phòng được quy định tương đối đầy đủ và chi tiết về nguyên tắc, nội dung, hình thức hợp tác quốc tế về biên phòng của lực lượng chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới.

Nội dung hợp tác quốc tế về biên phòng được quy định tại Khoản 2, Điều 12, bao gồm: Thiết lập, phát triển quan hệ biên giới; xây dựng, mở rộng quan hệ hữu nghị với chính quyền và nhân dân, lực lượng chức năng của nước có chung đường biên giới và các quốc gia, tổ chức quốc tế; Xây dựng và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về biên phòng, cơ chế hợp tác biên phòng song phương, đa phương theo quy định của pháp luật; Đàm phán, giải quyết các vấn đề, vụ việc về biên giới, cửa khẩu; tuần tra biên giới; kiểm soát xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu tại cửa khẩu, theo quy định của pháp luật; Đấu tranh ngăn chặn mọi hành động làm phương hại đến quan hệ biên giới giữa Việt Nam với các nước; phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; Phòng, chống, ứng phó, khắc phục sự cố, thiên tai, sự cố môi trường, biến đổi khí hậu, thảm họa, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; Đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, trao đổi kinh nghiệm về biên phòng, chuyển giao trang bị, khoa học và công nghệ để tăng cường năng lực thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Các hình thức hợp tác quốc tế về biên phòng được quy định tại khoản 3, Điều 12 bao gồm: Ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về biên phòng; Hội đàm, giao lưu hợp tác về biên phòng; Trao đổi, chia sẻ thông tin về biên phòng; Các hình thức hợp tác khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Như vậy, hợp tác quốc tế về biên phòng, được quy định tại Luật Biên phòng Việt Nam, đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng có đủ tư cách quốc gia, tiến hành các mối quan hệ với các lực lượng liên quan của các quốc gia, tổ chức quốc tế khác để hướng đến hỗ trợ, chia sẻ nhằm mục tiêu chung đạt được lợi ích cho nước mình và các nước, tổ chức quốc tế khác về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, hải quan... trên cơ sở tuân thủ các khuôn khổ chế định chung. Đồng thời, xác định thẩm quyền của lực lượng chuyên trách trong hợp tác quốc tế về biên phòng, được quy định cụ thể tại khoản 8, Điều 15: “Quan hệ, phối hợp với lực lượng chức năng các nước có chung đường biên giới, các nước và tổ chức quốc tế khác trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, cửa khẩu, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”.

Luật Biên phòng Việt Nam thiết lập cơ sở pháp lý hợp tác quốc tế về biên phòng là sự khẳng định thành quả thực tiễn thực hiện công tác đối ngoại biên phòng, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động, các mô hình hợp tác giữa các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng của Việt Nam với lực lượng hữu quan của nước láng giềng và các nước liên quan đã thực hiện trong thời gian qua, với những nội dung, hình thức sáng tạo, thực chất, tạo sự ổn định, hòa bình, hữu nghị, phát triển trên các tuyến biên giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thạc sĩ Đàm Đình Khang

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/co-so-phap-ly-day-du-thiet-thuc-ve-hop-tac-quoc-te-va-doi-ngoai-bien-phong-post435286.html