Cơ sở kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy cần điều kiện gì?
Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy của cơ sở kiểm định khí thải.
Có thể tổ chức kiểm định khí thải lưu động
Theo dự thảo Nghị định, Bộ GTVT đề xuất, chỉ những tổ chức có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy mới được phép hoạt động kiểm định
Hoạt động kiểm định phải bảo đảm độc lập, khách quan, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật.
Theo dự thảo Nghị định, có thể thực hiện kiểm định lưu động nếu hoạt động kiểm định thuận tiện, an toàn, không gây cản trở giao thông.
Bộ GTVT cũng quy định rõ điều kiện về cơ sở vật chất của cơ sở kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy. Cụ thể, mặt bằng cơ sở kiểm định khí thải phải có diện tích tối thiểu 35 m2 và mỗi vị trí kiểm định phải có diện tích tối thiểu 6 m2; bố trí đầy đủ các khu vực kiểm định; khu vực để xe; khu vực văn phòng (không bắt buộc đối với cơ sở kiểm định lưu động).
Thiết bị kiểm định khí thải phải phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở vật chất kỹ thuật và vị trí cơ sở kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
Các cơ sở này cũng cần có tối thiểu 1 đăng kiểm viên kiểm định được cấp chứng chỉ theo quy định.
Có tem kiểm định cho mô tô, xe gắn máy
Theo dự thảo Nghị định, mô tô, xe gắn máy khi đạt kiểm định khí thải sẽ được cấp tem kiểm định.
Cụ thể, cơ sở kiểm định khí thải có trách nhiệm thực hiện kiểm định và cấp tem kiểm định cho mô tô, xe gắn máy theo đúng quy định, quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các hướng dẫn có liên quan đến công tác kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.
Cơ sở này cũng có trách nhiệm duy trì điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực theo quy định, bảo đảm các thiết bị kiểm định phải hoạt động bình thường; tuân thủ việc kiểm định, hiệu chuẩn thiết bị theo quy định của pháp luật về đo lường.
Đồng thời, phải niêm yết công khai các nội dung về quy trình, nội dung kiểm định; biểu mức thu giá, chu kỳ kiểm định, số điện thoại đường dây nóng của Cục Đăng kiểm VN. Thực hiện việc truyền số liệu, báo cáo và quản lý, cấp phát tem kiểm định đúng quy định.
Về thời gian hoạt động kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy, theo dự thảo, tối thiểu 8 giờ/ngày và 5 ngày/tuần, được thông báo công khai tại trụ sở cơ sở kiểm định khí thải.
Cơ sở kiểm định khí thải còn có trách nhiệm quản lý, giám sát hoạt động kiểm định tại đơn vị, chịu trách nhiệm toàn diện khi để xảy ra vi phạm, tiêu cực tại cơ sở; được yêu cầu cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý các hành vi cản trở hoạt động của cơ sở kiểm định khí thải.
Bộ GTVT ban hành giá dịch vụ kiểm định khí thải
Theo dự thảo Nghị định, Bộ GTVT có trách nhiệm thốngnhất quản lý Nhà nước về hoạt động kiểm định xe cơ giới, kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy; Chủ trì xây dựng, ban hành quy định giá dịch vụ kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy theo quy định của pháp luật về giá.
Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền về đo lường đối với phương tiện đo sử dụng trong hoạt động kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy; Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, kiểm định, hiệu chuẩn đối với phương tiện đo.
UBND cấp tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo Sở GTVT và các cơ quan chức năng của địa phương thực hiện việc quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ việc thành lập các cơ sở kiểm định khí thải.
Cục Đăng kiểm VN chịu trách nhiệm thanh tra chuyên ngành, kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy trên phạm vi cả nước; xử lý hoặc kiến nghị xử lý theo thẩm quyền đối với các vi phạm.
Xây dựng, quản lý, hướng dẫn sử dụng thống nhất chương trình phần mềm quản lý, cơ sở dữ liệu kiểm định, truyền số liệu, quản lý dữ liệu mô tô, xe gắn máy kiểm định và cơ sở dữ liệu đăng kiểm viên kiểm định trên cả nước.
Kết nối, chia sẻ dữ liệu xe mô tô, xe gắn máy kiểm định với các cơ quan chức năng để phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước; tổ chức việc cảnh báo trên chương trình quản lý kiểm định đối với các phương tiện vi phạm theo đề nghị của cơ quan chức năng.
Các Sở GTVT cũng có trách nhiệmquản lý hoạt động, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định khí thải mô tô, xe gắn máy trên địa bàn.