Cơ sở giáo dục TQ đóng cửa vì dịch, phụ huynh biểu tình đòi học phí

Cuộc biểu tình của những phụ huynh đòi lại tiền học tại Trung Quốc phơi bày quá trình phục hồi kinh tế không đồng đều ở nền kinh tế 1,4 tỷ dân.

Một cuộc biểu tình đã nổ ra trên đường phố Bắc Kinh hôm 19/10. Hàng trăm phụ huynh xuống đường để đòi lại tiền sau khi một trung tâm giảng dạy bị phá sản vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo South China Morning Post, khoảng 200 người tụ tập bên ngoài văn phòng của Youwin Education. Họ chặn một con đường ở khu vực trung tâm mua sắm sầm uất của thủ đô Trung Quốc và hô vang: "Trả lại tiền cho chúng tôi".

"Chúng tôi đã làm việc vất vả để kiếm tiền. Chúng tôi không thể chấp nhận hành vi lừa đảo như vậy", một bà mẹ thể hiện sự phẫn nộ. Người này đã chi 100.000 NDT (14.908 USD) để mua khóa học cho con. "Rất nhiều gia đình cũng bị dụ dỗ và lừa đảo. Những kẻ lừa đảo phải bị trừng phạt", bà tức giận.

 Khoảng 200 người biểu tình tập trung trên đường phố Bắc Kinh để đòi lại tiền từ một trung tâm giáo dục bị đóng cửa vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Frank Tang.

Khoảng 200 người biểu tình tập trung trên đường phố Bắc Kinh để đòi lại tiền từ một trung tâm giáo dục bị đóng cửa vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh: Frank Tang.

Phục hồi không đồng đều

Các cuộc biểu tình không thường xuyên diễn ra tại Bắc Kinh. Người tham gia tụ tập trái phép có thể bị cảnh sát thẩm vấn hoặc thậm chí bắt giữ.

Đáng nói là vụ việc diễn ra cùng ngày Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố dữ liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế nước này tăng tốc trong quý III/2020. Tuy nhiên, South China Morning Post dẫn lời các chuyên gia cho biết quá trình phục hồi diễn ra không đồng đều.

Hệ thống Youwin Education có hàng trăm cơ sở trên khắp Trung Quốc. Đây là cái tên mới nhất nằm trong danh sách dài những công ty giáo dục tư nhân của Trung Quốc đóng cửa vì dịch Covid-19. Giáo dục và đào tạo ngoại tuyến là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch Covid-19.

Các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội buộc hàng loạt công ty phải ngừng kinh doanh. Hôm 19/10, không còn nhân viên nào ở trong văn phòng của Youwin Education. Hàng dài máy tính và các tủ đựng hồ sơ bị bỏ không. Công ty không trả lời bất cứ cuộc gọi hay email nào.

Tăng trưởng GDP hàng quý của Trung Quốc từ năm 1994 đến năm 2020. Ảnh: SCMP.

Trong khi đó, dữ liệu được công bố hôm 19/10 chỉ ra quá trình phục hồi của đất nước 1,4 tỷ dân đang phát ra những tín hiệu lạc quan. Tăng trưởng GDP tăng tốc từ 3,2% trong quý II lên 4,9% vào quý III. Tuy nhiên, sự phục hồi vẫn nghiêng về sản xuất nhiều hơn tiêu dùng.

Chi tiêu tiêu dùng bình quân đầu người giảm 6,6% trong 9 tháng đầu năm xuống 14.923 NDT (2.224 USD), theo Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Các dữ liệu cũng chỉ ra rằng chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc cho thực phẩm và nhà ở tăng từ tháng 1 đến tháng 9. Tuy nhiên, chi tiêu đối với giáo dục và giải trí giảm đến 27,7% cùng giai đoạn.

"Chúng tôi chỉ muốn đòi lại tiền"

Quá trình phục hồi của Trung Quốc từ cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19 nhanh hơn các quốc gia như Ấn Độ và Mỹ. Tuy nhiên, theo South China Morning Post, sự mâu thuẫn trong dữ liệu chính thức đã làm lấy lên nghi ngờ về mức độ tin cậy của các số liệu trên.

Chẳng hạn, Tổng cục Thống kê Trung Quốc tuyên bố đầu tư tài sản cố định quốc gia (FAI) tăng 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái lên 4.370 tỷ NDT (654 tỷ USD) trong 9 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, con số của cùng kỳ năm ngoái lại là 4.600 tỷ NDT (688,4 tỷ USD).

Sau đó, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc giải thích đã sửa đổi dữ liệu FAI sau cuộc điều tra kinh tế vào tháng 11/2019. "Chúng tôi thu được mức tăng trưởng 0,8% dựa trên dữ liệu đã sửa đổi", phát ngôn viên của Tổng cục Thống kê Quốc gia nói với South China Morning Post.

Theo ông Derek Scissors, nhà kinh tế trưởng của Công ty nghiên cứu China Beige Book (New York), nếu số liệu FAI trong ba quý đầu năm là chính xác, cả đầu tư và doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong quý III giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Giải trí và giáo dục là hai trong số những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19. Ảnh: Twitter.

"Như vậy, GDP Trung Quốc trên thực tế giảm 5% trong quý III, thay vì tăng gần 5% như chính phủ Trung Quốc tuyên bố", chuyên gia Derek Scissors nhấn mạnh.

Dù số liệu được công bố có phản ánh đúng quá trình phục hồi của kinh tế Trung Quốc từ cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19 hay không, sự phục hồi này dường như vẫn còn xa đối với những người tham gia biểu tình trên đường phố Bắc Kinh hôm 19/10.

Ít nhất một người đàn ông bị đưa lên xe cảnh sát, dù sau đó được thả ra. "Chúng tôi chỉ muốn chính quyền quan tâm đến vụ việc và giúp chúng tôi đòi lại tiền", một người biểu tình chia sẻ.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phu-huynh-bieu-tinh-doi-hoc-phi-va-su-phuc-hoi-bap-benh-o-trung-quoc-post1143827.html