Cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK, liệu có việc 'chạy' để được chọn?

Tại Phiên họp 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12.3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết băn khoăn nhất về vấn đề sách giáo khoa (SGK) và bày tỏ lo ngại có việc chạy chọt trong lựa chọn SGK.

 Nhiều băn khoăn về sách giáo khoa được đưa ra bàn luận tại Phiên họp thứ 32 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội.

Nhiều băn khoăn về sách giáo khoa được đưa ra bàn luận tại Phiên họp thứ 32 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội.

Băn khoăn tính khả thi

Liên quan tới quy định SGK trong dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), báo cáo của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho rằng, hiện nay quy định về chương trình, SGK giáo dục phổ thông trong dự thảo Luật đã cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Theo tinh thần các Nghị quyết, chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành sau khi được Hội đồng quốc gia thẩm định thông qua. SGK là công cụ để triển khai chương trình giáo dục phổ thông và được thẩm định, phê duyệt, ban hành bởi Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị giữ như quy định Dự thảo Luật về chương trình, SGK giáo dục phổ thông.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến bày tỏ: Điều 31 có ghi quy định về mỗi môn học có một hoặc một số SGK; thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK. Cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK… vẫn còn băn khoăn, cần thảo luận.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, việc biên soạn dự thảo Luật, Chính phủ đã bám sát tinh thần của Nghị quyết của Quốc hội. Nhưng có phù hợp thực tế hay không?

Tuy vậy, quy định cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong giảng dạy, học tập có tham khảo ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, bảo đảm công khai, minh bạch phù hợp với điều kiện thực tiễn có thể gây phức tạp. Quy định này liệu có làm phát sinh xu hướng “chạy” để SGK của mình để được địa phương chọn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề cập đến sự lãng phí hay không khi Nhà nước bỏ tiền cho Bộ GDĐT làm bộ sách trong khi có nhiều SGK. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ giải thích rõ hơn về quy định này.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phải chịu trách nhiệm

Giải thích về nhiều SGK, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, dù ai viết SGK thì Hội đồng thẩm định Quốc gia, Bộ trưởng GDĐT vẫn phải phê duyệt và chịu trách nhiệm. Xu thế của thế giới, không nhất thiết dựa vào SGK mà phải dựa vào chương trình giáo dục phổ thông.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Phó Thủ tướng ví dụ, giống như bài văn chỉ duyệt đề cương chi tiết còn lời lẽ thì do mỗi người một cách viết nhưng cuối cùng vẫn có người thẩm định nội dung đó.

Bộ trưởng Bộ GDĐT lý giải đổi mới chương trình giáo dục phổ thông lần này rất khác. Lần trước đổi mới là từ SGK nên mọi người mới nghĩ SGK là cơ sở pháp lý để tất cả các vấn đề phải đi theo. Thậm chí, tất cả các giáo viên dựa chặt vào SGK để giảng dạy.

Điểm mấu chốt của đổi mới chương trình lần này là khuyến khích đổi mới phương pháp dạy học. Chính vì vậy, chương trình thống nhất trong toàn quốc, còn SGK sẽ phải xây dựng bám sát theo chương trình.

HUYÊN NGUYỄN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/co-so-giao-duc-duoc-lua-chon-sgk-lieu-co-viec-chay-de-duoc-chon-661945.ldo