Cơ sở giáo dục ĐH công lập do Nhà nước là chủ sở hữu, đầu tư và đảm bảo điều kiện hoạt động

Sáng 6/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Bước vào buổi thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đã trình bày Báo cáo thẩm tra của Ủy ban về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình. Ảnh: Quochoi.vn

Về ý kiến đại biểu đề nghị quy định toàn diện các nội dung, điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình và đổi mới quản trị đại học của của từng cơ sở giáo dục đại học, tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng giải thích rõ khái niệm tự chủ; quy định điều kiện, yêu cầu để được tự chủ.

Dự thảo cụ thể hóa các nội dung tự chủ về chuyên môn, tổ chức, nhân sự, tài chính và tài sản; chi tiết hóa nội dung về trách nhiệm giải trình và yêu cầu đặt ra đối với cơ sở đại học khi thực hiện tự chủ.

Dự thảo Luật quy định rõ khái niệm trách nhiệm giải trình và các nội dung về chất lượng, học phí, kết quả kiểm toán mà nhà trường phải thực hiện công khai, minh bạch với người học, xã hội, cơ quan quản lý và các bên có lợi ích liên quan.

Về hội đồng trường, dự thảo Luật đã bổ sung quy định chuyển một số thẩm quyền trước đây do cơ quan chủ quản và Hiệu trưởng quyết định sang cơ chế Hội đồng trường quyết định; chuyển từ chế độ Thủ trưởng sang chế độ quyết nghị của tập thể, theo đó, thực hiện quyền tự chủ thuộc về Hội đồng trường.

Hiệu trưởng thực hiện nhiệm vụ điều hành, quản lý nhà trường theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

Tuy vậy, báo cáo thẩm tra cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh thực tế tổ chức, quản lý của các trường đại học Việt Nam hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để việc hướng dẫn, chỉ đạo triển khai thực hiện bảo đảm hài hòa mối quan hệ quản trị của Hội đồng trường với vai trò thực thi, điều hành của Hiệu trưởng linh hoạt, hiệu quả.

Báo cáo thẩm tra nhận định, dự thảo Luật bổ sung quy định về hệ thống bảo đảm chất lượng; trách nhiệm ban hành hệ thống các chuẩn về chương trình đào tạo, tiêu chuẩn đánh giá chất lượng, quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục đại học; trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học trong việc xây dựng hệ thống và kế hoạch thực hiện bảo đảm chất lượng đào tạo của nhà trường; bổ sung, chỉnh lý các quy định theo hướng nâng cao chất lượng và trách nhiệm của tổ chức kiểm định chất lượng cũng như việc giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng.

Phát biểu tại buổi thảo luận, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đồng tình với rất nhiều nội dung trong sửa đổi này và cho rằng những nội dung đó sẽ tạo điều kiện để có nền giáo dục hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của đất nước và nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân

Một số nội dung Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân làm rõ thêm: Thứ nhất: Điều 7, xác định cơ sở giáo dục ĐH công lập do Nhà nước đầu tư, đảm bảo điều kiện hoạt động; đại biểu thấy nên viết rõ: Cơ sở giáo dục ĐH do Nhà nước là chủ sở hữu, đầu tư và đảm bảo điều kiện hoạt động. Chủ sở hữu là rất quan trọng, với ĐH tư thục cũng vậy.

Thứ 2: Dự thảo nêu rõ Hội đồng trường ĐH công lập là tổ chức đại diện cho chủ sở hữu nhà nước. Theo đại biểu, điều này rất đúng, nhưng chủ sở hữu nhà nước là ai thì trong dự thảo Luật chưa xác định, do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm.

Thứ 3: Thành viên Hội đồng trường, theo đại biểu, Hội đồng trường là cơ quan đại diện cho chủ sở hữu, nên chủ sở hữu phải có một số quyền liên quan đến Hội đồng trường. Ví dụ: danh sách dự kiến hội đồng trường phải được chủ sở hữu duyệt trước. Danh sách dự kiến Chủ tịch Hội đồng trường cũng phải được chủ sở hữu duyệt trước, sau đó bầu Chủ tịch Hội đồng trường chỉ trong danh sách được duyệt đó.

Thứ 4, về Điều 32: Cơ sở giáo dục ĐH thực hiện quyền tự chủ, chịu trách nhiệm giải trình theo quy định của pháp luật. Theo đại biểu, điều này đúng nhưng chưa đủ, cần nói rõ: chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu, trước người học, trước các tổ chức cá nhân liên quan…

Cũng tại buổi thảo luận, Đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà (Đoàn Lào Cai) đánh giá cao báo cáo giải trình tiếp thu của cơ quan soạn thảo. Sau nhiều lần chỉnh sửa, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học đã tiếp thu khá đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia; bổ sung các điều khoản quan trọng, góp phần tháo gỡ vướng mắc hạn chế hiệu quả hoạt động của các trường…

Đại biểu Lê Thu Hà

Giúp hoàn thiện dự thảo Luật, Đại biểu Lê Thu Hà đưa ra các góp ý liên quan đến xếp hạng đại học, kiểm định chất lượng, tự chủ đại học... Theo đó, cần có điều khoản quy định về tính trung thực, công khai các số liệu của các trường liên quan đến chất lượng; khi nào việc này được thực hiện tốt thì xếp hạng đại học mới thực chất.

Cần có cơ chế giám sát các tổ chức kiểm định, tốt nhất nên đưa thêm vào dự thảo Luật một chương về kiểm định chất lượng giáo dục. Về tự chủ, cần luật hóa, đồng bộ với các luật khác để nâng cao hơn nữa quyền tự chủ các trường. Đại biểu Lê Thu Hà đồng thời cho rằng, điều 4, nên bổ sung bậc Cao đẳng vào phần giải thích từ ngữ…

Tán thành thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH tại kỳ họp lần này, Đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương (Đoàn Ninh Thuận) đồng thời nói đến tính minh bạch trong Luật và cho rằng: Luật có thể được viết dài nhưng quy định phải rõ ràng, công khai các quy định của pháp luật còn hơn viết ngắn nhưng phải chờ các văn bản dưới luật mới thực hiện được.

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương

Các góp ý cụ thể của Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương về tự chủ đại học, mở mã ngành, kiểm định chất lượng giáo dục… cũng hướng tới quan điểm trên. Trong đó nhấn mạnh cần có những quy định chế tài xử lý rõ ràng, cụ thể để luật được thực hiện một cách nghiêm minh.

Đắc Nguyên

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/thoi-su/trong-nuoc/co-so-giao-duc-dh-cong-lap-do-nha-nuoc-la-chu-so-huu-dau-tu-va-dam-bao-dieu-kien-hoat-dong-48223