Cơ sở dữ liệu quốc gia: Đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ về bảo hiểm của công dân

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 43/2021/NĐ-CP quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm đáp ứng nhu cầu của cơ quan, tổ chức và người dân.

Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về bảo hiểm là CSDLQG lưu trữ thông tin về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), BH thất nghiệp và thông tin về y tế, an sinh xã hội được cơ quan có thẩm quyền ghi nhận và đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ về bảo hiểm của công dân. Đây là cơ sở dữ liệu của Chính phủ được xây dựng thống nhất trên toàn quốc, dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm cung cấp chính xác, kịp thời thông tin về bảo hiểm phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Đồng thời, CSDLQG về bảo hiểm được xây dựng, quản lý tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; được cập nhật đầy đủ, chính xác và kịp thời ngay sau khi các thủ tục hành chính, nghiệp vụ có liên quan đã hoàn thành...; được lưu trữ, bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin.

Theo Nghị định số 43/2021/NĐ-CP, CSDLQG quốc gia về bảo hiểm bao gồm 9 nhóm thông tin, trong đó các nhóm thông tin về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là những dữ liệu gốc. Ngoài ra, CSDLQG về bảo hiểm được dùng chung cho các cơ quan, tổ chức và cá nhân, cụ thể như: BHXH Việt Nam khai thác, sử dụng dữ liệu từ CSDLGQ về Bảo hiểm phục vụ các hoạt động nghiệp vụ chuyên ngành trong lĩnh vực bảo hiểm. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khai thác, sử dụng dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về BHXH, việc làm và an sinh xã hội. Bộ Y tế khai thác sử dụng dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế bao gồm cả các thông tin, dữ liệu về BHYT. Văn phòng Chính phủ khai thác dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng khai thác sử dụng dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng dữ liệu từ CSDLQG về bảo hiểm qua: Cổng dữ liệu quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng thông tin điện tử của BHXH Việt Nam và các hình thức khác do cơ quan có thẩm quyền cung cấp. Có quyền trích xuất thông tin của mình trong CSDLQG về Bảo hiểm. Dữ liệu trích xuất được ký số của BHXH Việt Nam và có giá trị như văn bản xác nhận của cơ quan có thẩm quyền cung cấp.

Tại Nghị định số 43/2021/NĐ-CP, Chính phủ giao BHXH Việt Nam là cơ quan chủ quản CSDLQG về Bảo hiểm, có trách nhiệm chủ trì xây dựng, cập nhật, duy trì, khai thác và sử dụng CSDLQG về Bảo hiểm; chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc xây dựng quy trình thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin trong CSDLQG về Bảo hiểm; cung cấp dữ liệu của CSDLQG về bảo hiểm theo các quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020 về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; kết nối, cung cấp dữ liệu từ CSDLQG về bảo hiểm lên Cổng Dữ liệu quốc gia phục vụ cơ quan, tổ chức và cá nhân khai thác thông tin theo quy định; việc kết nối, chia sẻ thông tin phải đảm bảo bí mật Nhà nước, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, đời sống riêng theo quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, cơ quan này chịu trách nhiệm rà soát các quy định, thủ tục trong lĩnh vực BHXH, BH thất nghiệp và BHYT để đơn giản hóa giấy tờ cá nhân trên cơ sở sử dụng dữ liệu từ CSDLQG về bảo hiểm; quản lý, vận hành hệ thống hoạt động thông suốt, liên tục, đảm bảo điều kiện hạ tầng phục vụ kết nối, trao đổi dữ liệu theo quy định; chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng phương án, giải pháp ứng cứu sự cố về an toàn thông tin, an ninh mạng cho hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, xây dựng và thực hiện giải pháp giám sát an toàn hệ thống thông tin CSDLQG về Bảo hiểm…

BHXH Việt Nam - nhận định, Nghị định số 43/2021/NĐ-CP có ý nghĩa quan trọng, đây là cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, thu thập, cập nhật, duy trì, khai thác, sử dụng và quản lý CSDLQG về bảo hiểm để phục vụ công tác quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, đáp ứng nhu cầu của cơ quan, tổ chức và người dân. Đồng thời, góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng mạnh mẽ CNTT, cung ứng dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực BHXH, là một trong những nền tảng quan trọng trong xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới một Chính phủ kiến tạo, phục vụ, vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/co-so-du-lieu-quoc-gia-dam-bao-quyen-loi-nghia-vu-ve-bao-hiem-cua-cong-dan-154664.html