Cơ sở đào tạo cần xác định chuẩn 'đầu ra', gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) là yếu tố quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất của người nông dân, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Mặc dù mỗi năm ở nước ta có hàng nghìn LĐNT được đào tạo nghề, nhưng chất lượng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, nhất là phục vụ chuyển đổi, tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tháng 11-2009, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020" (Đề án 1956). Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sau gần 10 năm, Đề án 1956 đã hỗ trợ đào tạo cho hơn 2,3 triệu LĐNT; trong đó, giai đoạn 2011-2015 có 1,14 triệu LĐNT được đào tạo (đạt 75% mục tiêu của giai đoạn 2011-2015). Từ năm 2016 đến nay, cả nước đào tạo được 1,15 triệu LĐNT (đạt 82% so với mục tiêu của giai đoạn 2016-2020).

Đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập của người nông dân. Nhờ đào tạo nghề, một bộ phận lao động áp dụng được các kiến thức, kỹ năng mới vào sản xuất, có điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm. Công tác đào tạo nghề cho LĐNT góp phần giúp các địa phương xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng nguyên liệu có liên kết sản xuất với doanh nghiệp, vùng sản xuất sản phẩm chủ lực, sản xuất an toàn thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho LĐNT còn tồn tại những hạn chế, bất cập. Theo đồng chí Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), tình trạng cung chưa khớp với cầu trong đào tạo nghề cho LĐNT còn phổ biến, nhiều nơi đào tạo nghề chưa gắn với đặc điểm, thực tiễn phát triển và nhu cầu sử dụng nghề của địa phương, nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề của LĐNT. Nội dung, chương trình đào tạo còn chưa phù hợp; các khóa học đa số tập trung ở các cơ sở đào tạo, ít có các khóa học gắn liền với doanh nghiệp, hợp tác xã… Đào tạo nghề ở một số nơi còn tình trạng chạy theo số lượng, chưa chú trọng đến chất lượng; trình độ đào tạo chủ yếu là sơ cấp (chiếm 73%). Nhiều cơ sở đào tạo nghề chưa tập trung đào tạo những nội dung mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề ở nhiều nơi, nhất là ở cấp huyện và các tổ chức đoàn thể tham gia đào tạo nghề còn thiếu về số lượng và hạn chế về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Nguồn kinh phí dạy nghề dựa chủ yếu vào ngân sách Trung ương hỗ trợ, nhưng với lượng hằng năm bố trí thấp, nên chưa đáp ứng được chỉ tiêu, kế hoạch đề ra (hằng năm chỉ đáp ứng 45-50% nhu cầu).

Tại tỉnh Hà Nam, đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 3.000 LĐNT. Mặc dù các lớp đào tạo nghề đã cung cấp cho nông dân kiến thức, kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi nhằm ứng dụng nâng cao năng suất, thu nhập, nhưng theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh, hạn chế hiện nay là một số nội dung đào tạo theo yêu cầu của sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất công nghệ cao, vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu... chưa được bổ sung trong chương trình đào tạo; nguồn kinh phí phân bổ hằng năm ít nên không đạt chỉ tiêu đào tạo.

Là một trong những địa phương có số lượng LĐNT được đào tạo nghề cao, từ năm 2011 đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức đào tạo cho gần 32.000 người; qua đó góp phần đa dạng hóa sản xuất, nâng cao năng lực cho LĐNT, nhưng chưa đáp ứng được sự kỳ vọng về chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp. Nguyên nhân là do việc triển khai đào tạo nghề chủ yếu phục vụ công tác an sinh xã hội, chưa chú trọng triển khai trong các vùng sản xuất tập trung và ứng dụng công nghệ cao phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp. Cùng với đó, nguồn kinh phí phân bổ triển khai còn thấp so với chỉ tiêu giao và thấp so với nhu cầu người học, sự phối hợp liên kết giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp chưa chặt chẽ, ảnh hưởng đến công tác đào tạo và giải quyết việc làm cho LĐNT.

Thực tế, việc đào tạo LĐNT có đủ kiến thức và kỹ năng, thái độ đáp ứng đòi hỏi của nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 có ý nghĩa quyết định đến sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Dự báo giai đoạn 2020-2030, nhu cầu đào tạo cho LĐNT là rất lớn, từ 4,5 triệu đến 6 triệu người cần đào tạo; trong đó tỷ lệ LĐNT có chuyên môn kỹ thuật cần đến 30% vào năm 2025.

Để đào tạo nghề cho LĐNT thật sự hiệu quả, đáp ứng những yêu cầu thực tế, bên cạnh việc tiếp tục rà soát, đánh giá, hoàn thiện hệ thống các cơ chế, chính sách đào tạo nghề, theo các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp và dạy nghề, các địa phương cần nâng cao nhận thức, xác định đúng, trúng nhu cầu học nghề của LĐNT để làm căn cứ xây dựng chỉ tiêu đào tạo thích hợp, đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp nông nghiệp, thành viên hợp tác xã, lao động thực hiện các dự án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và an sinh xã hội tại địa phương. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo nghề trên cơ sở khẳng định vai trò của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội ngành nghề nông thôn trong việc tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch, mở lớp đào tạo, biên soạn giáo trình, triển khai đào tạo đến tiếp nhận học viên sau đào tạo.

Cùng với đó, các cơ sở đào tạo cần chú trọng, tăng cường đào tạo những ngành nghề đáp ứng trực tiếp nhu cầu sử dụng tại các doanh nghiệp nông nghiệp, quản lý của các hợp tác xã nông nghiệp; đổi mới phương pháp, cách thức đào tạo, gắn việc đào tạo lý thuyết với mô hình sản xuất tại doanh nghiệp, địa phương để người học nắm bắt được từ lý thuyết đến thực tiễn theo nhu cầu đặt hàng, bảo đảm người lao động có việc làm ổn định sau học nghề. Đồng chí Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng: "Một trong những giải pháp trọng tâm hiện nay là các cơ sở đào tạo cần gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, nắm bắt yêu cầu về người lao động, xác định chuẩn "đầu ra" cần gì thì đào tạo cái đó. Đồng thời các cơ sở đào tạo cần thực hiện tự chủ, chịu trách nhiệm về các hoạt động, về "đầu ra", thì mới có động lực nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút đông LĐNT đến học".

NGUYỄN THU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/co-so-dao-tao-can-xac-dinh-chuan-dau-ra-gan-ket-chat-che-voi-doanh-nghiep-591529