Cơ sở Đảng đồng hành cùng doanh nghiệp

Sắp tới, Đảng ủy Khối Cơ quan - Doanh nghiệp tỉnh Ninh Thuận sẽ tập trung nâng cao vai trò của cấp ủy trong doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn

Đảng bộ Khối Cơ quan - Doanh nghiệp (CQ-DN) tỉnh Ninh Thuận hiện có 94 tổ chức cơ sở Đảng (TCCSĐ) với 3.600 đảng viên, trong đó có 35 Đảng bộ cơ sở (với 226 chi bộ trực thuộc) và 59 chi bộ cơ sở. Trong 94 TCCSĐ, 35 đơn vị thuộc thành phần DN, trong đó có 15 DN nhà nước và cổ phần có vốn nhà nước chi phối, 2 DN nhà nước sở hữu từ 50% vốn điều lệ trở xuống và 18 DN tư nhân.

Phát huy vai trò hạt nhân

Xác định vị trí, tầm quan trọng của TCCSĐ, Đảng bộ Khối CQ-DN tỉnh Ninh Thuận đã tập trung lãnh đạo xây dựng, củng cố để không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cho các TCCSĐ.

TCCSĐ trong các DN đã phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở; lãnh đạo và phối hợp lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động công nhân và người lao động (NLĐ) trong DN chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; góp phần tích cực vào sự phát triển của DN; chăm lo, thực hiện tốt chế độ, chính sách cho người lao động và thực hiện nghĩa vụ đối với nhà nước.

Tuy nhiên, nhìn chung vẫn có một số TCCSĐ năng lực lãnh đạo còn yếu, ý chí chiến đấu giảm sút, có biểu hiện lúng túng, bị động, buông lỏng lãnh đạo hoặc lơ là… Đặc biệt, từ tháng 5-2019, khi nhập 2 Khối CQ-DN theo phương pháp cơ học thì hoạt động các TCCSĐ trong các DN gặp không ít khó khăn, nhất là trong việc thành lập TCCSĐ và phát triển đảng viên mới.

Một buổi sinh hoạt Chi bộ Đảng tại Công ty TNHH Thông Thuận, Chi nhánh Ninh Thuận

Một buổi sinh hoạt Chi bộ Đảng tại Công ty TNHH Thông Thuận, Chi nhánh Ninh Thuận

Nguyên nhân là do trong quy định phát triển TCCSĐ đối với loại hình DN không quy định Đảng lãnh đạo sản xuất - kinh doanh. Trong lúc đó, các chủ DN có khi không phải là đảng viên nên không tham gia TCCSĐ. Nhiều chủ DN không muốn thành lập TCCSĐ, Công đoàn và Đoàn Thanh niên vì cho rằng hoạt động của tổ chức này sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động của họ…

Chi bộ tại một số DN không chú trọng công tác xây dựng Đảng và phát triển đảng viên. Cũng do không ràng buộc nên NLĐ có tâm lý không muốn vào Đảng. Việc vào Đảng càng ngày quy định chặt chẽ hơn, nhất là việc xác định lý lịch nên tạo tâm lý e ngại đối với NLĐ. Một lý do nữa là phần lớn người làm công tác phát triển Đảng còn làm theo hành chính, chưa thực sự đi sâu tìm hiểu, khuyến khích, vận động các chủ DN quan tâm công tác Đảng…

Điển hình như Công ty TNHH Thông Thuận, Chi nhánh Ninh Thuận, đang sử dụng gần 1.600 lao động, trong đó có gần một nửa là người dân tộc thiểu số. Nhận thức được vai trò của TCCSĐ, chủ DN chú trọng công tác phát triển đảng viên, thậm chí đề nghị đưa chỉ tiêu phát triển đảng viên cao hơn. Tuy nhiên, do đặc thù của DN là phải làm theo ca và lao động theo mùa vụ nên thời gian để bồi dưỡng cảm tình Đảng cho NLĐ ở đây rất khó.

Khó phát triển do không ràng buộc

Ông Võ Duy Chung, Bí thư Chi bộ Đảng chi nhánh Công ty TNHH Thông Thuận, cho biết: "Đối với DN, do không có ràng buộc về đánh giá mặt Đảng, không giống như cơ quan nhà nước là Đảng lãnh đạo. Trong DN, tổ chức Đảng chỉ phối hợp với chủ DN để DN hoạt động tốt hơn; chủ đầu tư là người quản lý công việc chứ không phải là bí thư chi bộ và NLĐ cũng chỉ làm sao để có thu nhập cao nên không quan tâm nhiều đến việc vào Đảng…".

Công ty TNHH May Tiến Thuận cũng gặp khó khăn trong việc xây dựng TCCSĐ và phát triển đảng viên, như sử dụng đông công nhân, đa số là lao động nữ có con nhỏ, làm việc theo ca, làm công ăn lương… nên nhiều người chưa muốn vào Đảng.

Từ thực tế của DN, ông Võ Duy Chung cho rằng ổn định chính trị trong DN là rất quan trọng. Khi tư tưởng ổn định, an ninh trật tự được bảo đảm thì NLĐ sẽ yên tâm sản xuất. Xã hội ổn định kéo theo thị trường ổn định. Đó là yếu tố quan trọng để DN duy trì và phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho NLĐ. Điển hình như trong đại dịch Covid-19 vừa qua, nếu không có sự lãnh đạo thống nhất của Đảng thì sẽ không có kết quả như hôm nay. Nhờ ổn định xã hội, an ninh trật tự đã tạo điều kiện cho các DN phát triển sản xuất, bảo đảm thu nhập cho NLĐ.

"TCCSĐ cần đồng hành cùng DN để thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước. Hiện nay, có một thuận lợi là nhà nước đã quan tâm cấp kinh phí hoạt động cho TCCSĐ trong DN, vì vậy nếu chủ DN không quan tâm thì TCCSĐ vẫn có kinh phí để duy trì các hoạt động. Mặt khác, việc phát triển TCCSĐ và đảng viên còn phụ thuộc sự quan tâm của lãnh đạo Đảng ủy khối, tạo điều kiện thuận lợi cho TCCSĐ trong DN" - ông Chung nói.

Phải đi sâu, đi sát quần chúng

Trước thực trạng trên, ông Lê Đức Khai, Bí thư Đảng ủy Khối CQ-DN tỉnh Ninh Thuận, cho rằng muốn phát triển TCCSĐ và đảng viên trong DN, trước hết phải làm sao "lôi kéo quần chúng" về với mình; phải đi sâu, đi sát, nắm được tâm tư, nguyện vọng của quần chúng, phải "gạn đục khơi trong" nguồn tư tưởng trong xã hội, nhất là những thông tin trên mạng xã hội, nhằm giúp quần chúng nhận thức đúng về phát triển xã hội và lý tưởng phấn đấu; phải động viên, khuyến khích họ đứng vào hàng ngũ của Đảng để phát triển sự nghiệp của mình…

Theo ông Lê Đức Khai, thời gian tới, Đảng bộ Khối CQ-DN tỉnh Ninh Thuận sẽ có nghị quyết chuyên đề về giáo dục nâng cao nhận thức về lý tưởng cho đoàn viên thanh niên; tăng cường phối hợp với tổ chức Đoàn Thanh niên và LĐLĐ tỉnh. Đẩy mạnh công tác tuyên giáo để thực sự "lôi kéo quần chúng" về với mình. Đảng ủy khối đồng hành với DN bằng cách cho DN đăng ký đối tượng cảm tình Đảng và mở lớp cảm tình Đảng ngoài giờ dành cho DN. Định kỳ 3 tháng và 9 tháng, Đảng ủy sẽ làm việc với từng DN để tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của DN. Tăng cường vai trò cầu nối với học viện, trường chính trị làm sao để Tỉnh ủy tăng thêm các lớp học đáp ứng nhu cầu của DN. Vận dụng công nghệ 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tham gia học tập các lớp chính trị.

"Đặc biệt, Đảng ủy khối sẽ nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy trong DN, làm sao thể hiện được tính gương mẫu đầu tàu, giúp chủ DN hoạt động hiệu quả hơn…" - ông Khai thông tin.

Cần có chế tài

Một giải pháp khác lớn hơn, căn cơ hơn, theo ông Lê Đức Khai đề xuất, là cần có chế tài cho DN hoạt động, trong đó buộc DN phải tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị hoạt động, qua đó sẽ hỗ trợ và giám sát lẫn nhau, cùng nhau phát triển. Nếu DN làm tốt điều này sẽ được hỗ trợ, làm sai thì bị rút giấy phép hoạt động.

Bài và ảnh: Như Thừa

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ly-tuong-song/co-so-dang-dong-hanh-cung-doanh-nghiep-20201227203754668.htm