Cơ sở cai nghiện gặp khó

Tình hình nghiện ma túy diễn biến phức tạp, đặc biệt có sự thay đổi về loại ma túy sử dụng, trong khi cơ sở quá tải là những nguyên nhân khiến cho công tác điều trị cai nghiện gặp nhiều khó khăn.

Thay đổi về loại ma túy sử dụng khiến công tác điều trị cai nghiện gặp khó khăn (ảnh minh họa)

Thay đổi về loại ma túy sử dụng khiến công tác điều trị cai nghiện gặp khó khăn (ảnh minh họa)

Theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), thời gian qua, các vụ buôn bán ma túy với hình thức tinh vi diễn biến phức tạp và với số lượng ngày càng lớn.

Giai đoạn 2010-2017, những chất ma túy buôn bán vào Việt Nam chủ yếu là nhóm Opiat có nguồn gốc từ thuốc phiện chiếm 90%, đặc biệt là khu vực phía Bắc, hiện nay các nhóm đối tượng đã chuyển sang sử dụng ma túy tổng hợp chiếm 70-75%.

Việc sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần gây nên biểu hiện rối loạn tâm thần, mất kiểm soát. Ở các tỉnh phía Nam và Tây Nam Bộ, tỷ lệ này lên đến 90-95%. Đáng chú ý, tình trạng người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại chất ma túy ngày càng phổ biến, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng.

Trong khi đó, một số quy định của Luật phòng, chống ma túy chưa thích ứng với Luật xử lý vi phạm hành chính. Công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng gặp nhiều khó khăn, một số địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí và cơ sở vật chất cho cai nghiện…

Hiện cả nước có 120 cơ sở cai nghiện ma túy, trong đó có 105 cơ sở công lập. Số người cai nghiện hiện xấp xỉ 40 nghìn người. Tình hình người nghiện ma túy diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ, đặc biệt có sự thay đổi về loại ma túy sử dụng.

Xung quanh vấn đề cai nghiện, Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian qua, nhất là sau Đề án đổi mới về công tác cai nghiện, đặc biệt, sau phiên họp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với 21 tỉnh, thành, đến nay việc triển khai các Đề án này có một số tiến bộ nhất định.

Theo đó, các cơ sở cai nghiện ma túy được quản lý tốt hơn, nhất là trong việc tiếp nhận, phân loại đối tượng nghiện, cắt cơn, cai nghiện, điều trị phác đồ cũng như lao động trị liệu, dạy nghề, tạo việc làm, quản lý và hỗ trợ sau cai nghiện.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn tồn tại những khó khăn, hiệu quả thấp, hầu hết các cơ sở cai nghiện đều quá tải. Thông thường, quá tải gấp 2 lần, thậm chí có nơi quá tải đến 4 lần. Sự quá tải này, dẫn đến tình trạng học viên phá cơ sở, bằng mọi lý do khác nhau, sẵn sàng đưa ra các xung đột nhất định để trốn khỏi cơ sở cai nghiện.

Có đến 43% số người nghiện này có tiền án tiền sự. Tại các tỉnh phía nam, 90% là người sử dụng ma túy đá. Hầu như các cơ sở cai nghiện ma túy đang rất hạn chế số lượng bác sĩ, người có chuyên môn sâu về vấn đề y tế. Bên cạnh đó, rất thiếu phác đồ điều trị, vì các loại nghiện khác nhau, mỗi loại cần một phác đồ điều trị khác nhau.

Về chất lượng và hiệu quả cai nghiện, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng quan trọng nhất là giáo dục tại gia đình, cộng đồng, cố gắng thực hiện mọi biện pháp để con em mình không mắc nghiện. Thời gian tới, cần phấn đấu giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại. Đồng thời, thực hiện đồng bộ cả 3 mô hình cai nghiện: mô hình cai nghiện tại gia đình cộng đồng, cai nghiện tổng hợp và cai nghiện bắt buộc.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/co-so-cai-nghien-gap-kho-4008864-v.html