Cơ sở cai nghiện có phải nhà tù?

Có hay không hiện tượng tiêu cực trong việc thu phí, đánh đập...học viên trong trại cai nghiện? Phóng viên VOV đã đi tìm câu trả lời cho vấn đề này.

Mới đây, một hãng thông tấn nước ngoài đã đăng tải phóng sự về cuộc sống tại một cơ sở cai nghiện ma túy ở Việt Nam, trong đó cho rằng, những người nghiện bị giam cầm trái với mong muốn của họ. Hãng thông tấn này cũng cáo buộc có hiện tượng tiêu cực trong việc thu phí của các học viên, đánh đập hoặc bắt buộc người nghiện phải làm việc trong các nông trại hoặc nhà máy lân cận…

Vậy có hay không thực tế này? Phóng viên VOV đã đi tìm câu trả lời tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 của thành phố Hà Nội. Cơ sở này nằm trên địa bàn xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây.

Giường cá nhân của các học viên.

10h sáng, khu nhà lưu trú của hơn 300 học viên cai nghiện im lìm, vắng vẻ. Trên những chiếc giường cá nhân, chăn màn được xếp ngay ngắn, đều tăm tắp. Khu chơi thể thao, tập zym, sinh hoạt văn nghệ cộng đồng sạch sẽ, không khác nhiều so với những gì có ngoài xã hội. Thậm chí, phòng văn nghệ còn được trang trí rất đẹp mắt, có thể hát karaoke và nhâm nhi cà phê…

Lúc này đang là thơi gian học tập của học viên. Lớp học dành cho học viên cai nghiện có khoảng 15 người. Thầy giáo Trần Đại Yên là người địa phương. Anh đang bận giảng bài cho học viên về những giá trị sống cơ bản của con người như: khiêm tốn, trung thực, giản dị, đoàn kết, yêu thương…

Giáo dục - tư vấn là giai đoạn thứ 4 của quá trình cai nghiện, sau khi người nghiện được điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh nhiễm trùng. Thầy Yên cho biết nhiệm vụ của anh là truyền đạt cho học viên về quy định của pháp luật liên quan đến phòng chống ma túy, tác hại của ma túy, lợi ích công tác cai nghiện, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đường máu.

Về buổi học đang diễn ra, thầy Yên nói: "Đây là một chuyên đề liên quan đến giáo dục giá trị sống, khơi dậy giá trị đạo đức của mỗi người để họ thấy, ai ai cũng cần phải được tôn trọng”.

Cách khu lớp học không xa là khu điều trị ngoại trú Methadol, dành cho người nghiện heroin, không phải ma túy tổng hợp. Người nghiện hàng ngày đến đây uống thuốc rồi về, hoàn toàn miễn phí.

Nơi giải trí của học viên.

Đỗ Văn Mai - người nghiện có thâm niên 20 năm ở xã Vân Hòa, Ba Vì - Hà Nội cho biết hàng ngày, anh vẫn đi đi, về về khoảng 40 km để điều trị Methadol: “Tôi điều trị Methadol ở đây được gần 2 năm rồi. Tôi đến uống thuốc rồi đi về đi làm. Tôi đi làm vệ sinh ở Khoang Xanh, mỗi tháng cũng được 4-5 triệu. Bây giờ không nghĩ gì đến ma túy. Điều trị Methadol không mất tiền”

Ồn ào và náo nhiệt nhất là khu dạy nghề và tổ chức lao động, nằm ngay trong khuôn viên của cơ sở cai nghiện. Đây cũng là giai đoạn điều trị cuối cùng trước khi người nghiện về với cộng đồng. Mục tiêu đặt ra là giúp người nghiện lao động trị liệu và có thêm thu nhập. Học viên đi làm thì được chấm công. Cuối tháng họp lại để họ ký nhận và quyết định dùng tiền đó làm gì, hoặc là chuyển vào bữa ăn để cải thiện bữa ăn, hoặc chuyển vào căng tin để họ giải trí.

Học viên Đinh Xuân Hoành.

Tại xưởng lắp ráp cầu trì, công tắc, Đinh Xuân Hoành - 44 tuổi ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết: “Ở đây, người ta phân công công việc theo lứa tuổi và sức khỏe. Nếu có tuổi, mắt kém, chân tay chậm thì được phân công công việc nhẹ nhàng hơn. Ở đây, tôi làm việc nửa ngày. Nửa ngày còn lại thì chơi bi-a, bóng bàn, vui chơi giải trí”.

Ông Vũ Văn Trí – Giám đốc cơ sở cai nghiện số 7 cho biết: Quá nhiều khó khăn trong việc giúp người nghiện từ bỏ ma túy. 70-80% người nghiện có tiền án tiền sự, có lối sống buông thả, bất hợp tác. Sức khỏe yếu, khả năng lao động thấp.

Ông Trí nêu ví dụ: "Một phòng y tế có 16 cán bộ thì 10 người bị nhiễm lao, thậm chí có người lao kháng thuốc nên rất vất vả. Người nghiện đã yếu lại mắc nhiều bệnh, có lúc 30-40% bị HIV, viêm gan, lao… Họ thường xuyên phải đi viện. Một người đi viện thì 2 người đi cùng để chăm sóc, vất vả hơn cả chăm sóc người thân của mình”.

Bữa ăn tùy theo mức tiền.

Cơ sở cai nghiện số 7 đang quản lý cả người cai nghiện bắt buộc và tự nguyện. Người cai nghiện bắt buộc thì được miễn phí. Người tự nguyện thì chịu 35% chi phí, còn lại nhà nước hỗ trợ. Cơ sở cai nghiện chỉ thu thêm chi phí nếu gia đình vào thăm thân và ở lại tại buồng lưu trú hoặc muốn con em họ ăn ngon hơn so với mức quy định của nhà nước.

Từ đầu năm đến nay, cơ sở này tiếp nhận gần 800 lượt người, trong đó chỉ có 44 học viên cai nghiện bắt buộc. Đó là những người quá lệ thuộc vào ma túy, đã cai nghiện nhiều lần nhưng vẫn tái nghiện. Họ được đưa vào cơ sở cai nghiện theo quyết định của tòa án.

Trên toàn thành phố hiện có khoảng 13.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó có 3000 người đang điều trị tại 7 cơ sở cai nghiện, giảm 3 cơ sở so với những năm trước đây. Cho đến nay, tất cả các cơ sở cai nghiện ma túy trên địa bàn Hà Nội đã chuyển đổi, hoặc là cai nghiện tự nguyện hoặc là mô hình quản lý đa chức năng gồm: chữa bệnh, cai nghiện, phục hồi sức khỏe, chăm sóc tư vấn, dạy nghề, lao động sản xuất…

Rõ ràng, cáo buộc "những người nghiện bị giam cầm trái với mong muốn của họ" là hoàn toàn không có cơ sở bởi phần lớn số người cai nghiện là tự nguyện. Đã là tự nguyện thì không thể có chuyện đánh đập. Và mức phí của các học viên cũng chỉ chiếm một phần ba so với chi phí của họ tại cơ sở cai nghiện. Việc gia đình đóng thêm tiền để cải thiện bữa ăn cho con em mình cũng được công khai, rõ ràng, các gia đình có thể thấy rõ qua mức giá của mỗi bữa ăn...

Việc đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện và tới đây, Hà Nội cũng sẽ chấm dứt việc quản lý người nghiện sau cai, xây dựng mạng lưới quản lý tại cộng đồng... Đó là những hành động cụ thể nhằm bảo đảm quyền con người như tinh thần Hiến pháp 2013./.

Hương Giang/VOV.VN

Hương Giang/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/co-so-cai-nghien-co-phai-nha-tu-707885.vov