Có số ca mắc COVID-19 đứng đầu thế giới, nhưng thành phố nào của Mỹ bị ảnh hưởng nặng nhất?

Mỹ đang bỏ xa các quốc gia về số người mắc COVID-19. Hiện số ca mắc tại Mỹ đã lên 245.000 người, hơn 6000 người tử vong. Bang New York tiếp tục là bang bị ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh. Nhà Trắng đã thông báo, Tổng thống D.Trump có kết quả âm tính lần 2 với SARS-CoV-2.

Mới đây, Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần thứ hai với SARS-CoV-2. Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio đã khuyến nghị người dân nên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài và tiếp xúc gần với người khác.

New York đang là tâm điểm của dịch bệnh khi tiếp tục phải đương đầu với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Các quan chức Mỹ lo ngại dịch bệnh có thể lây lan ra một số khu vực khác của nước Mỹ nhất là những nơi tập trung đông dân cư . Dưới đây là một số “điểm nóng” về dịch bệnh tại Mỹ:

Thành phố New York

Không còn là trung tâm tài chính sầm uất thường thấy, New York giờ đây được nhắc tới là “tâm điểm” của dịch COVID-19 ở Mỹ với số trường hợp nhiễm COVID-19 cao hơn nhiều các quốc gia châu Âu khác. Hiện New York ghi nhận có hơn 92.000 trường hợp mắc bệnh, hơn 1.940 trường hợp tử vong . Các chuyên gia cảnh báo nhiều thành phố và tiểu bang khác đang trở thành điểm nóng của dịch bệnh.

Nhiều nơi tại Mỹ đường phố vắng lặng, người dân được khuyên ở trong nhà để phòng ngừa dịch COVID-19

Nhiều nơi tại Mỹ đường phố vắng lặng, người dân được khuyên ở trong nhà để phòng ngừa dịch COVID-19

Các cơ sở y tế tại New York đang chứng kiến sự gia tăng các ca nhập viện. Nhiều thành phố lớn ở các bang Louisiana, Illinois, Michigan và Florida đã chứng kiến sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh. Các quan chức Mỹ cảnh báo, khả năng New York sẽ không phải là trung tâm duy nhất về dịch bệnh ở Mỹ. Một số dự đoán ít lạc quan hơn cho rằng đại dịch có thể khiến hơn 100.000 người Mỹ tử vong.

Thống đốc bang New York cảnh báo nguy cơ thiếu máy thở đang dần hiện hữu. Theo ông Andrew Cuomo, với tốc độ sử dụng máy thở cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV2 nhiều như hiện nay, tiểu bang chỉ còn đủ máy dùng cho người bệnh thêm 6 ngày nữa. Ông Cuomo cho biết, hiện tiểu bang chỉ còn 2.200 máy thở dự trữ và mỗi ngày tiểu bang New York lại phải dùng máy thở cho khoảng 350 bệnh nhân mới.

Thành phố Detroit

Là cái nôi của ngành công nghiệp ô tô Mỹ và là một trong những thành phố lớn nhất ở Michigan, Detroit phải đối mặt với tình trạng suy thoái kinh tế trong nhiều năm khi ngành sản xuất ô tô dịch chuyển ra nước ngoài.

Với dân số hơn 4 triệu người, tỷ lệ người nghèo chiếm 35%, gần gấp 3 lần trung bình cả nước, Detroit có một số lượng lớn những người vô gia cư. Theo các chuyên gia y tế, đây là nhóm đối tượng đặc biệt có nguy cơ cao làm lây lan dịch bệnh.

Tiểu bang Michigan - nơi có hơn 9.000 người được xác nhận dương tính với COVID-19- tính đến ngày 2/4, phần lớn các trường hợp là ở Detroit.

Thống đốc bang Michigan Gretchen Whitmer cho biết, tình hình rất thảm khốc, mặc dù bang đã có nhiều biện pháp ngăn ngừa chủ động, tuy nhiên dịch bệnh vẫn gia tăng một cách nhanh chóng.

"Đến thời điểm này, đường gia tăng dịch bệnh ở Detroit thậm chí còn dốc hơn cả New York", Tiến sĩ Teena Chopra, Giám đốc phòng chống bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Y tế Detroit cho AP biết.

Mỹ cần huy động lực lượng hỗ trợ cho các thành phố bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh

Chicago

Thành phố lớn nhất ở tiểu bang Illinois cũng đang phải đối mặt với tình trạng nghiêm trọng của dịch bệnh, giống như Thành phố New York .Những số liệu thống kê về COVID-19 của Chicago đang bắt đầu vẽ lên một bức tranh vô cùng thảm hại.

Số trường hợp nhiễm bệnh tăng nhanh ở Illinois, lên gần 7000 người và 146 trường hợp tử vong tính đến ngày 2/4. Gần 5.000 trường hợp được xác nhận tại Chicago, một trong những thành phố lớn nhất ở Mỹ với dân số đô thị hơn 9.500.000 người.

Các quan chức, bao gồm cả những người trong Lực lượng Vệ binh Quốc gia của Mỹ đang xúc tiến xây dựng các bệnh viện dã chiến để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. McCormick Place, - một trung tâm hội nghị lớn nhất ở Mỹ, đã được chuyển đổi thành một bệnh viện dã chiến.

Thống đốc bang Illinois JB Pritzker trong một cuộc họp ngắn cho biết, hầu hết các mô hình diễn tiến dịch bệnh đều cho thấy dịch bệnh sẽ đạt đến đỉnh điểm trong tháng 4.

New Orleans

Tiểu bang Louisiana đã xuất hiện các trường hợp nhiễm COVID-19 sớm tuy nhiên mức độ gia tăng của dịch bệnh dường như nhanh hơn so với các tiểu bang khác. Hiện không có thành phố nào trong tiểu bang bị ảnh hưởng nặng như New Orleans.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tình trạng thảm họa ở Louisiana vào ngày 24/3. Hiện Louisiana đã có hơn 6.000 trường hợp nhiễm bệnh với 273 người chết tính đến ngày 2/4.

New Orleans cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề tương tự như Detroit như tỷ lệ người nghèo đói chiếm khoảng 25% , số người vô gia cư tương đối cao so với các nơi khác. Chính quyền thành phố đã biến Trung tâm Hội nghị Ernest M Morial ở New Orleans thành bệnh viện dã chiến với 1.000 giường và có thể chứa nhiều bệnh nhân hơn nếu cần thiết.

Bác sĩ đang làm việc với cường độ cao tại những "điểm nóng" của dịch bệnh

Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia TS Anthony Fauci cho biết cùng với Detroit , New Orleans là những thành phố dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng nhất. ”Mức độ bùng phát dịch bệnh ở New Orleans là đáng lo ngại", ông Fauci nói.

Nam Florida

Thống đốc bang Florida Ron DeSantis đã ban hành lệnh phong tỏa, theo đó cấm người dân ra ngoài nếu không có việc cần thiết trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 đang gia tăng ở đây.

Lệnh cấm ảnh hưởng đến 4 quận gồm Broward, Miami-Dade, Palm Beach và Monroe. Bang Florida, là 1 trong 5 bang bị nặng nhất và đây cũng là nơi có đông người cao tuổi đã về hưu sinh sống.

Theo đó, khách du lịch vào tiểu bang từ Louisiana hoặc Thành phố New York phải cách ly trong 14 ngày.

Giới chức y tế Mỹ tiếp tục khuyến cáo người dân giãn cách xã hội, và hạn chế đi ra ngoài đến mức thấp nhất, đặc biệt là tại những nơi bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Hải Yến

(Theo Al Jazeera)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/co-so-ca-mac-covid-19-dung-dau-the-gioi-nhung-thanh-pho-nao-cua-my-bi-anh-huong-nang-nhat-n171549.html