Cô sinh viên đam mê chụp ảnh và nỗi ân hận vì một lần dại dột

Đam mê chụp ảnh từ nhỏ nên khi trở thành sinh viên, Hòa càng có thời gian để thực hiện mơ ước của mình.

Trong một lần nhờ bạn thuê hộ bộ máy ảnh, máy quay để đi “phượt”, do bí tiền chi tiêu dọc đường nên cô đã đem số tài sản thuê này cầm cố lấy 50 triệu đồng. Cứ nghĩ sẽ tìm cách xoay sở để chuộc lại bộ máy ảnh trên trả cho gia chủ nhưng cô không thể thực hiện được điều đó vì số tiền cô lo được chỉ đủ trả tiền lãi của khoản vay.

Không thấy Hòa đem máy ảnh, máy quay đến trả như đã hẹn, gia chủ đã làm đơn tố giác và Hòa trở thành kẻ vi phạm pháp luật với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chịu mức án 5 năm 6 tháng tù, thi hành án ở trại giam Tân Lập.

Tên đầy đủ của nữ phạm nhân này là Nguyễn Thị Hòa, SN 1993, quê ở Đoan Hùng, Phú Thọ. Trước khi khoác áo phạm nhân, Hòa là sinh viên năm thứ ba trường ĐH dân lập Hòa Bình.

Gặp Hòa trong Hội thi “tuyên truyền nội qui trại giam và nếp sống văn hóa trong phân trại nữ” do Ban giám thị trại giam Tân Lập tổ chức, chúng tôi khá bất ngờ khi biết cô chuẩn bị lên diễn một tiết mục múa xòe do chính cô tự sáng tác. Hòa bảo văn hóa văn nghệ là niềm đam mê của cô. Nhất là cái món quay phim, chụp ảnh phong cảnh thì cô cực kỳ thích.

Theo lời Hòa tâm sự thì lần ấy, cô muốn đi Sa Pa chụp ảnh nhưng chiếc điện thoại iPhone bất ngờ bị trục trặc trong khi kế hoạch cho chuyến đi cô đã chuẩn bị, sắp xếp cẩn thận rồi. Không muốn bỏ cuộc, Hòa tính chuyện thuê máy ảnh, máy quay để đi chụp.

“Tôi đã ra cửa hàng cho thuê máy ảnh, máy quay, đặt CMND mang tên tôi và sổ hộ khẩu mang tên mẹ để thuê máy với thời gian 10 ngày. Tuy nhiên do chuyến đi phát sinh một số khoản chi tiêu khác vượt quá số tiền mang theo, buộc tôi phải cầm cố chiếc máy ảnh”, Hòa kể.

Phạm nhân Nguyễn Thị Hòa và vở kịch do cô cùng các bạn trong đội văn nghệ thực hiện.

Cầm cố chiếc máy ảnh để lấy tiền chi tiêu trong những ngày đi vùng cao, Hòa dự tính sau khi về Hà Nội sẽ tìm cách xoay sở để có tiền đi chuộc lại chiếc máy ảnh. Tuy nhiên, do thời gian quá gấp gáp nên cô đã không kiếm đủ số tiền đã vay. Hòa đánh liều đem chiếc máy quay phim là tài sản đi thuê, cầm cố cho một hiệu cầm đồ ở Đống Đa, Hà Nội để vay 70 triệu đồng.

Sau khi có tiền, Hòa quay lên Sa Pa chuộc lại chiếc máy ảnh đem về trả cho gia chủ. Còn chiếc máy quay phim, do quá thời gian cầm cố mà Hòa vẫn chưa lo đủ số tiền đến chuộc, đã bị chủ tiệm cầm đồ bán mất.

“Sao em không nói thật với bố mẹ, nhờ gia đình giúp đỡ”, chúng tôi hỏi. Hòa tư lự: “Sau này nghĩ lại em cũng thấy lúc đó mình dại thật. Giá như khi đó em nói thật với bố mẹ thì chắc chắn bố mẹ em sẽ lo đủ số tiền em vay để trả nợ. Cuộc đời em sẽ không phải như thế này”.

Vì không trả nợ nổi khoản tiền vay 70 triệu đồng có mức lãi ngày cao ngất ngưởng nên Hòa tìm cách tránh mặt. Cô thậm chí còn chặn facebook, cắt liên lạc với tất cả mọi người chỉ vì lo sợ chủ hiệu máy quay, máy ảnh tìm đến đòi nợ. Không liên lạc được với Hòa, người chủ máy ảnh, máy quay phim kia đã làm đơn trình báo. Kết quả là sau một thời gian tìm kiếm, Hòa đã bị bắt giữ và bị khép tội lừa đảo.

Về trại giam Tân Lập (Bộ Công an) cải tạo, tính đến nay đã được hơn 3 năm, Hòa bảo cô đã quen với nề nếp sinh hoạt cũng như công việc ở trại. “Ngày mới vào, em cũng tự ti, mặc cảm lắm. Một vài người cùng buồng hiểu hoàn cảnh em thì động viên nhưng làm sao có thể vô tư được khi mà chính mình tự hủy hoại tương lai cuộc đời mình chỉ vì một cái lỗi rất ngớ ngẩn ấy”, Hòa tâm sự.

Cô bảo cũng may là sau khi vào trại giam, biết cô có khiếu văn nghệ nên được cán bộ quan tâm, cho tham gia ở đội văn nghệ. Từ ngày “có đất diễn”, Hòa cảm thấy tư tưởng thoải mái hơn. Cô như có thêm động lực cho chặng đường phục thiện của mình.

“Lúc mới vào, tư tưởng em còn dao động lắm. Em chưa xác định được việc nào mình phải làm, việc gì làm trước, việc gì làm sau đâu. Mọi thứ cứ bùng nhùng, hỗn độn. Quay cuồng trong đầu em chỉ là ý nghĩ thế là coi như chấm dứt, cuộc đời mình coi như bỏ đi,… Rồi sau này về, với bản lý lịch đi tù thì làm sao có thể đi học lại được nữa. Cũng chẳng có chỗ nào chứa để mà xin việc… chắc chỉ còn ra chợ ngồi bán rau thôi”, Hòa kể lại.

Nhưng giờ thì cô tự tin hơn rồi. Cô bảo để có được sự tự tin ấy, công lớn do Trung úy Nguyễn Thị Huyền Trang, cán bộ quản giáo phụ trách đội của Hòa. Những lời động viên, khích lệ của quản giáo Trang đã kéo Hòa ra khỏi vỏ ốc tự ti. Từ những phân tích điều hơn lẽ thiệt, có lý có tình của nữ cán bộ này, Hòa đã xác định được trách nhiệm của mình với bản thân, với gia đình. Cô muốn chuộc lỗi, muốn được bày tỏ sự hối cải của mình và mong có cơ hội được thể hiện khả năng của mình.

Kể từ khi xác định được phương hướng, Hòa chăm chỉ hơn trong lao động. Cô dồn hết đam mê của mình vào các tiết mục văn nghệ. Hòa làm thơ, sáng tác các điệu múa và Trung úy Trang là người chắp nối cho cô có điều kiện thể hiện những điều đó.

Tại hội nghị lần này, có 2 tiết mục do Hòa sáng tác trong đó bài múa do cô thể hiện một mình còn vở kịch là cùng chị em trong đội diễn cho mọi người xem. Do tích cực cải tạo, nhiệt tình tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ của trại nên năm ngoái, cô được giảm án 4 tháng tù. Hòa chắc chắn năm nay sẽ có tên trong danh sách giảm án nữa và nếu được như vậy thì ngày cô trở về với gia đình đang đến rất gần.

Hòa dự định sau khi ra trại sẽ tiếp tục đi học và vẫn theo đuổi đam mê quay phim chụp ảnh của mình còn “sai lầm mà em đang quyết tâm sửa chữa sẽ mãi là hành trang để nhắc em phải cân nhắc mỗi khi định làm một việc gì phiêu lưu, mạo hiểm”. Câu nói của Hòa cho thấy cô đã trưởng thành lên rất nhiều và chúng tôi tin cô sẽ không bao giờ vấp lại sai lầm nữa...

Phương Tâm

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/co-sinh-vien-dam-me-chup-anh-va-noi-an-han-vi-mot-lan-dai-dot-116782.html