Có 'Siêu Ủy ban', SCIC thành đơn vị 'đưa vốn mồi'

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, việc SCIC trực thộc Ủy ban, được coi là công cụ của Ủy ban về đầu tư, kinh doanh vốn nghĩa là trong 18 tập đoàn, tổng công ty còn lại khi triển khai các dự án lớn, thiếu vốn thì SCIC phải là 'đơn vị đưa nguồn vốn mồi'.

Ảnh minh họa.

Tại buổi Tọa đàm về nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước tổ chức vừa mới đây, ông Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc đưa Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) trực thuộc Ủy ban là đúng đắn.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, cần phải có phương án nhằm phát huy vai trò của SCIC mà vẫn đảm bảo tính thống nhất của Ủy ban. Đồng thời, cần phải đặt ra trách nhiệm của SCIC khi chịu trách nhiệm quyền đại diện chủ sở hữu cho một số lượng doanh nghiệp chuyển từ các Bộ ngành cũng như vai trò của Ủy ban đối với các doanh nghiệp SCIC làm đại diện chủ sở hữu thế nào.

"SCIC vẫn được giao đại diện quyền chủ sở hữu của các doanh nghiệp chuyển giao từ các Bộ ngành. Như vậy Ủy ban là đại diện chủ sở hữu của các doanh nghiệp chuyển về Ủy ban, trong Ủy ban lại có một đại diện chủ sở hữu khác đại diện cho doanh nghiệp. Vô hình chung tạo nên một Nhà nước trong một Nhà nước", ông Hồ lo ngại.

Thông tin về mối quan hệ giữa SCIC và Siêu Ủy ban, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, các cơ chế chính sách của các Bộ ngành ban hành hiện nay đã đủ các khung khổ pháp lý cần thiết để Ủy ban thực hiện. Theo đó, Ủy ban với vai trò đại diện chủ sở hữu có thể yêu cầu doanh nghiệp thực hiện, doanh nghiệp nào không thực hiện sẽ bị xử lý mà không phải đợi ý kiến các Bộ ngành.

Theo ông Tiến, việc SCIC trực thộc Ủy ban được coi là công cụ của Ủy ban về đầu tư, kinh doanh vốn nghĩa là trong 18 tập đoàn, tổng công ty còn lại khi triển khai các dự án lớn, thiếu vốn thì SCIC phải là “đơn vị đưa nguồn vốn mồi”.

"Ở đây SCIC có trách nhiệm là một trong những doanh nghiệp đưa “vốn mồi” và quản trị các dự án này thay cho Ủy ban và chịu trách nhiệm trước Ủy ban về vấn đề đầu tư vốn. Mặt khác, SCIC là đơn vị giúp cho Ủy ban, Chính phủ tiếp nhận những doanh nghiệp cổ phần hóa nhỏ, doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ và chịu trách nhiệm trước Ủy ban", ông Tiến dẫn giải.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, SCIC có nhiều kinh nghiệm, kết quả tốt trong thực hiện thoái vốn ở các doanh nghiệp. Tốc độ thoái vốn do SCIC thực hiện thường nhanh hơn bởi là doanh nghiệp nên có nguồn lực để thuê các chuyên gia tốt.

"SCIC có tính trách nhiệm “một mình làm, một mình chịu trách nhiệm”, còn các Bộ ngành nếu thực hiện gặp vướng sẽ báo cáo Chính phủ nên tính trách nhiệm khó hơn", ông nói.

Liên quan đến việc thành lập "Siêu Ủy ban", ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc thành lập Siêu Ủy ban là cần thiết. Ủy ban tập trung quản lý về vốn chứ không có trách nhiệm, chức năng quản lý nhà nước, do đó sẽ chấm dứt tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như trước đây ở các Bộ.

Về e ngại Ủy ban khó quản nổi 19 tập đoàn, tổng công ty có quy mô lớn cùng lúc chuyển giao về, theo ông Lưu Bích Hồ cần làm mới biết có thành công chứ ngồi bàn sẽ khó.

"Ở một số nước như Trung Quốc, Singapore đã làm rất tốt. Ở Indonesia đã lập ra một Bộ thống nhất quản lý và thay 3 lần Bộ trưởng mới điều hành hiệu quả do đó không nên ngại, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, các Bộ cần có tư duy đổi mới, khi đã giao cho Ủy ban thực hiện thì cần hỗ trợ Ủy ban hoạt động hiệu quả", ông Hồ nói thêm.

LÂM AN

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/tai-chinh/co-sieu-uy-ban-scic-thanh-don-vi-dua-von-moi-3470170.html