Có 'siêu máy bơm', đường Nguyễn Hữu Cảnh vẫn ngập nặng, vì sao?

Công ty cổ phần Tập đoàn Quang Trung cho rằng, lượng mưa vượt công suất máy bơm, thời gian mưa kéo dài… nên ngập.

Người dân bì bõm trong "biển nước" trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, dù có siêu máy bơm chống ngập (Ảnh chụp tối 14/9)

Người dân bì bõm trong "biển nước" trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, dù có siêu máy bơm chống ngập (Ảnh chụp tối 14/9)

Ngày 15/9, Công ty cổ phần Tập đoàn Quang Trung (chủ đầu tư siêu máy bơm chống ngập khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM) có báo cáo gửi lãnh đạo TP về hoạt động chống ngập của máy bơm và cơn mưa tối 14/9 khiến tuyến đường này ngập nặng...

Theo đó, chủ đầu tư lý giải, trạm bơm có thiết kế 104ml, thời gian mưa là 90 phút; công suất tối đa của trạm bơm 96.000 m3/giờ.

Trong trận mưa lớn liên tục kéo dài 3 giờ liền (từ lúc 17h48 đến 21h5) ngày 14/9 với lượng mưa đo được tại trạm bơm là 165ml. Như vậy cả lượng mưa và thời gian mưa đều vượt so với thiết kế và hợp đồng. Tuy nhiên, máy bơm đã phát huy hết công suất và đã chống ngập thành công, vượt yêu cầu được quy định theo tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng (sau khi dứt cơn mưa sau 30 phút mà khu vực chống ngập vẫn bị ngập ≤ 10cm thì được coi là không bị ngập; ≥ 10cm thì được coi là ngập nhẹ; ≥ 20cm được coi là ngập vừa; ≥ 30cm được coi là ngập nặng).

Trận mưa này đã đổ xuống khu vực chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh tương đương 130.000 m3 nước mưa, trong lúc mưa to, trên mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh có một số chỗ bị ngập từ 15-20cm, sau đó nước sẽ được chảy xuống các miệng cống và tiêu thoát xuống dưới cống rồi chảy về trạm bơm cách vị trí ngập khoảng 1km. Nhiệm vụ của trạm bơm là phải bơm hết lượng nước tương đương với 130.000m3 nước mưa trước 30 phút sau khi dứt cơn mưa...

Như vậy, trong quá trình diễn ra cơn mưa, hệ thống bơm đã phải hoạt động hết công suất theo kiểu bơm đuổi mới hết lượng nước mưa đổ về...

Khu vực chân cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh dù cao hơn nhiều so với điểm trũng nhất nước vẫn ngập lai láng

“Ngoài ra, trong lúc mưa lớn, tại khu vực này còn bị hứng chịu nước từ những khu vực lân cận bên ngoài phạm vi chống ngập của máy bơm như khu vực đường Điện Biên Phủ đã làm cho lượng nước đồ dồn về khu vực này một cách quá tải. Tuy nhiên, trạm bơm đã bơm hết sạch nước lúc 20 h30. Như vậy, xét về các yêu cầu kỹ thuật và sự việc diễn ra thực tế thì chức năng của máy bơm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ...”, ông Nguyễn Tăng Cường, Tổng giám đốc tập đoàn công nghiệp Quang Trung khẳng định...

Nhiều phương tiện "chôn chân" vì chết máy

Tối 14/9, cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM bị ngập nặng như khu vực Thảo Điền và Lương Định Của(Q.2). Đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng bị ngập một số nơi, nặng nhất là khu vực gần cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh nước ngập có đoạn gần tới yên xe khiến hàng trăm người dân di chuyển khó khăn, nhiều xe chết máy.

Được biết, từ tháng 9/2017, “siêu máy bơm" chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh được lắp đặt và vận hành thử nghiệm với công suất 27.000 - 96.000 m3/giờ, có hệ thống lọc rác. Tới tháng 5/2019, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương thanh toán chi phí hợp đồng vào cuối mỗi quý và giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Tài chính giám sát thực hiện.

Giá thuê máy bơm chống ngập ở tuyến đường này được các bên thống nhất mức giá trọn gói để đàm phán và ký hợp đồng thuê là hơn 14 tỷ đồng/năm.

Mai Huyên

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/co-sieu-may-bom-duong-nguyen-huu-canh-van-ngap-nang-vi-sao-d434822.html