Có quyền bắt giữ nhưng không được đánh, hành hạ kẻ trộm

Theo quy định của pháp luật, bất cứ người dân nào cũng được quyền bắt giữ, tham gia truy bắt kẻ trộm. Tuy vậy, vấn đề đặt ra là khi bắt giữ được kẻ trộm rồi người dân phải hành xử ra sao cho đúng luật .

Luật gia Lê Văn Nhân (trái), Hội Luật gia tỉnh tư vấn pháp luật về hình sự cho người dân xã Tà Lài (H.Tân Phú). Ảnh: Đ.Phú

Luật gia Lê Văn Nhân (trái), Hội Luật gia tỉnh tư vấn pháp luật về hình sự cho người dân xã Tà Lài (H.Tân Phú). Ảnh: Đ.Phú

Luật gia Lê Văn Nhân (Hội Luật gia tỉnh) cho hay, người dân chỉ có quyền bắt giữ kẻ trộm, không được quyền hành hạ, đánh đập, gây thương tích... Đồng thời, khi bắt được kẻ trộm, người dân phải dẫn giải ngay bàn giao cho cơ quan chức năng: công an, viện kiểm sát hoặc UBND nơi gần nhất...

* Không được hành xử thô bạo

Ông L.V.H. (ngụ xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất) thắc mắc, thời gian qua, vườn trái cây của gia đình ông và hàng xóm liên tục bị trộm cắp. Vậy khi phát hiện kẻ trộm ông có quyền bắt giữ, tra khảo buộc kẻ trộm khai nhận nhiều lần vào vườn ông trộm trái cây rồi mới trình báo công an hay không?

Còn bà L.T.P. (ngụ xã Phú Bình, H.Tân Phú) cũng cho biết, nhà bà liên tục bị trộm chó. Hiện nay, kẻ trộm rất manh động, sẵn sàng tấn công lại chủ nhà nếu bị truy đuổi. Nếu vậy, bà và người thân có được quyền đánh lại khi kẻ trộm có hành động chống trả nhằm thoát thân?

Về thắc mắc này, luật gia Lê Văn Nhân cho hay, việc người dân bức xúc trước nạn trộm cắp tài sản là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, không phải vì bức xúc mà hành xử thô bạo, trái pháp luật như: giam cầm, tra khảo, đánh trọng thương... khi bắt được kẻ trộm. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc UBND nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

* Phải thượng tôn pháp luật

Để người dân hiểu và xử sự đúng những gì pháp luật cho phép trong quá trình bắt, giữ kẻ trộm, luật gia Nhân cho biết thêm, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, những trường hợp người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nhưng không phải chịu trách nhiệm hình sự, được miễn trách nhiệm hình sự, không được xem là tội phạm như: sự kiện bất ngờ, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, gây thiệt hại khi bắt giữ tội phạm.

Luật sư Vũ Văn Tăng (Đoàn Luật sư tỉnh) cho hay, pháp luật nghiêm cấm hành vi tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe người phạm tội.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Đồng thời, Khoản 1, Điều 24 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định, hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.

“Tuy vậy, khi người dân thực hiện hành vi trong quá trình bắt, truy bắt, giữ kẻ trộm mà hành vi đó vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, gây thiệt hại khi bắt giữ tội phạm thì phải chịu trách nhiệm hình sự” - luật gia Nhân nói.

Cụ thể, theo Khoản 1, Điều 135, Bộ luật Hình sự năm 2015, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31-60% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Ngoài ra, Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định, người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31-60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5-20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm (Khoản 1, Điều 136). Người nào vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31-60%, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5-20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm (Khoản 1, Điều 138).

“Đặc biệt, khi bắt giữ kẻ trộm, người dân cần lưu ý không vì quá bức xúc mà vi phạm tội hành hạ người khác. Theo Khoản 1, Điều 140, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 (tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm” - luật gia Nhân phân tích.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202007/co-quyen-bat-giu-nhung-khong-duoc-danh-hanh-ha-ke-trom-3011502/