Có quy trình đưa thực phẩm vào trường học nhưng sao vẫn tuồn thức ăn 'bẩn' vào trường học?

Trước những lo ngại về tình trạng thiếu an toàn thực phẩm, thực phẩm không đảm bảo yêu cầu chất lượng nhưng vẫn được đưa vào bếp ăn trường học trong thời gian qua, chúng tôi đã tìm hiểu thêm về việc cung cấp thực phẩm và suất ăn vào trường học trên địa bàn Hà Nội.

Theo thống kê, Hà Nội có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước với gần 2 triệu học sinh, trong đó, số trường học tổ chức cho học sinh ăn bán trú khoảng 1.600 trường. Trên thực tế, việc học 2 ca/ngày tại các trường trên địa bàn Hà Nội được thực hiện chủ yếu ở hai cấp mầm non và tiểu học, đây cũng chính là hai cấp học có tổ chức ăn trưa cho trẻ theo học tại trường.

Quy định đưa thực phẩm vào trường học

Cũng giống như nhiều cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn Hà Nội, việc cung cấp thực phẩm vào các trường học, được tổ chức theo hai hình thức chính: Trường tự tổ chức bếp ăn, mua nguyên vật liệu, thực phẩm và thuê người nấu, phục vụ; và Trường ký hợp đồng với một đơn vị cung cấp các suất ăn sẵn, khoảng 80% các trường học thực hiện theo hình thức này.

Đối với cả hai hình thức này, các trường đều thực hiện theo các quy định về An toàn Thực phẩm trường học. Cụ thể, theo quy định về việc bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm trong trường tại Điều 6, Thông tư Liên tịch số 13/2016/TTLB-BYT-BGDĐT nêu rõ:

"Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm

1. Trường học có bếp ăn nội trú, bán trú

a) Bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất về an toàn vệ sinh thực phẩm theo khoản 1, khoản 2, khoản 3, mục VI và yêu cầu vệ sinh đối với hoạt động bảo quản, chế biến thực phẩm theo khoản 5 của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 07:2010/BYT) phòng chống bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Thông tư số 46/2010/TT-BYT;

b) Bếp ăn, nhà ăn (khu vực ăn uống), căng tin trong trường học bảo đảm theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 30/2012/TT-BYT ngày 05 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố;

c) Đối với người làm việc tại nhà ăn, bếp ăn trong trường học phải bảo đảm các yêu cầu về sức khỏe theo quy định Thông tư số 15/2012/TT-BYT ngày 12 tháng 9 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm

2. Đối với các trường học không có bếp ăn nội trú, bán trú ký hợp đồng với các cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để cung cấp thức ăn cho học sinh; căng tin của nhà trường phải bảo đảm yêu cầu tại điểm b khoản 1 Điều này."

Về quy định, thực phẩm hoặc đồ ăn đưa vào trường học phải theo quy định của quy trình kiểm thực ba bước, là việc thực hiện kiểm tra, ghi chép và lưu giữ tài liệu tại cơ sở ghi chép nhằm kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) trong suốt quá trình từ khi nhập nguyên liệu, thực phẩm, sơ chế, chế biến, phân chia, bảo quản và vận chuyển thức ăn cho đến khi ăn uống tại cơ sở.

Cũng theo quy định, việc giám sát thực phẩm đưa vào trường học do các trường tự thực hiện. Một số trường thành lập Ban kiểm soát việc cung cấp thực phẩm cho nhà trường, thành phần gồm đại diện trường, đại diện cha mẹ học sinh và công đoàn trường. Bộ phận này chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc cung cấp thực phẩm, đồ ăn vào trường hàng ngày.

Ngành giáo dục Hà Nội chịu trách nhiệm ra sao trước thực trạng thực phẩm 'bẩn' vào trường học

Trước những lo lắng về thực trạng thực phẩm bẩn vẫn có nguy cơ tiếp tục được đưa vào trường học. Khi được hỏi ngành giáo dục Thủ đô có giải pháp nào để hạn chế tình trạng này, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GDĐT Hà Nội Phạm Ngọc Tuấn cho biết, theo phân cấp, UBND thành phố Hà Nội là cơ quan quản lý và chịu trách nhiệm chung, UBND các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp về quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn, trong đó có các trường học.

Theo quyết định 16/2016/QĐ-UBND ngày 09/5/2016 của UBND TP. Hà Nội ban hành quy định phân công trách nhiệm quản lý về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội, phân cấp rõ ràng, trong đó Sở GDĐT có hai trách nhiệm chính là Chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện đúng các quy định và Tuyên truyền, đảm bảo các cơ sở giáo dục thực hiện các quy định đó.

Chính vì đã được phân cấp rõ ràng như vậy nên khi xảy ra các vụ việc, trách nhiệm sẽ thuộc về liên ngành. Trong vụ việc 35kg thịt gà ôi thiu vào trường Tiểu học Chu Văn An thì UBND quận Hoàng Mai phải là cơ quan xử lý rốt ráo, báo cáo với Sở, với thành phố. Để xảy ra sự việc, trách nhiệm phải thuộc về hiệu trưởng, cơ quan quản lý chức năng, còn để làm rõ vụ việc thì cần sự phối hợp của các cơ quan, trong đó có Sở Y tế, Sở GDĐT.

Về cơ chế giám sát, Sở thấy việc phụ huynh tham gia giám sát từ khâu nhập thực phẩm đến khâu ăn được thực hiện thường xuyên là một việc rất thiết thực. Sở cũng đã chỉ đạo các trường phải có bộ phận giám sát thực phẩm. Về quy trình chuẩn như vậy nhưng vẫn xảy ra sai sót, đó là do con người ở từng khâu đã không làm tròn trách nhiệm của mình.

Ông Tuấn cũng cho biết, đầu năm học, Sở đã tham gia kế hoạch được ký liên ngành, từng thời điểm Sở cũng có những văn bản về công tác thi đua, tăng cường… lồng ghép vào các thời điểm hoạt động trong năm.

Khi xảy ra các vụ việc, Sở GDĐT cũng đều có văn bản ngay để chỉ đạo thực hiện, đồng thời tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vụ việc. Trong thời gian công tác gần 20 năm tại Sở, ngay khi có 'hiện tượng' là Sở đã có ngay văn bản chỉ đạo, ông Tuấn nói thêm.

Ngoài những hoạt động trong công tác kiểm tra, giám sát theo kế hoạch năm học, Sở cũng thường xuyên tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành, phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế (Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm)… để tiến hành các cuộc kiểm tra đột xuất. Việc phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng khi xảy ra các vụ việc cũng được Sở chú trọng, quan tâm xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, với những yêu cầu tăng cường đảm bảo công tác VSATTP của Bộ GDĐT, UBND TP. Hà Nội, Sở cũng thường xuyên nắm bắt thông tin và có chỉ đạo kịp thời để phối hợp xử lý các vụ việc.

Thực phẩm bẩn vẫn "rình rập" học sinh

Thực tế là khi các cơ quan, trường học báo cáo thực hiện nghiêm túc những quy định cũng như quy trình kiểm tra kiểm soát thực phẩm vào trường học, nhưng ngay trong năm học này đã có hàng trăm học sinh trên địa bàn TP. Hà Nội phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm. Hồi tháng 11/2018 là vụ việc 223 trẻ mầm non và 2 giáo viên trường mầm non xã Xuân Nộn, Đông Anh, Hà Nội được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Anh và Bệnh viện Bắc Thăng Long cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm.

Hay vụ việc phát hiện 35 kg thịt gà bốc mùi ôi thiu được đưa vào trường Tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai do công ty An Việt cung cấp, một công ty cung cấp thực phẩm cho gần 200 trường học trên địa bàn Thành phố, cũng khiến nhiều phụ huynh hoang mang, lo lắng. Cũng giống như vụ việc xảy ra tại trường mầm non xã Xuân Nộn, nhà trường ký hợp đồng cung cấp thực phẩm với một đơn vị nhưng thực phẩm đưa vào trường lại do một đơn vị khác cung cấp. Đây chính là một kẽ hở trong việc quản lý thực phẩm trường học hiện nay.

Không chỉ ở Hà Nội, sự việc rúng động xã hội đối với hàng trăm ca trẻ mầm non dương tính với ấu trùng sán lợn ở Bắc Ninh sau khi xét nghiệm tại Bệnh viện Nhiệt đới hồi tháng 3/2019 cũng là một ví dụ điển hình của tình trạng mất an toàn thực phẩm trường học.

Những vụ việc này khiến nhiều phụ huynh cũng như người dân đặt sự hoài nghi cho việc cung cấp thực phẩm vào trường học. Có phải đây là một trong những biểu hiện xuống cấp đạo đức trong ngành giáo dục khi để con trẻ trở thành những đối tượng để họ kinh doanh? Chính xác hơn là những người này đang đặt lời lãi kinh doanh lên tính mạng, sức khỏe của con trẻ.

Việc xây dựng niềm tin vào một điều gì đó là việc cực khó nhưng việc đánh mất niềm tin thì lại rất dễ. Giờ đây, câu hỏi về ai được hưởng lợi từ việc đưa thực phẩm 'bẩn' vào trường học vẫn đang chờ đợi câu trả lời từ những người có trách nhiệm…

Khánh Vân

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/co-quy-trinh-dua-thuc-pham-vao-truong-hoc-nhung-sao-van-tuon-thuc-an-ban-vao-truong-hoc-20190414213943818.htm