Cơ quan Trung ương đầu tiên thực hiện liên thông TTHC

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 3199/QĐ-BTNMT ban hành Quy trình thí điểm liên thông giải quyết một số thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ. Đây là lần đầu tiên một cơ quan Trung ương ban hành và triển khai thực hiện liên thông TTHC.

Cách thức thực hiện liên thông giải quyết TTHC của Bộ TN&MT

Theo Quyết định này, sẽ có 11 TTHC thuộc 3 lĩnh vực: Môi trường; tài nguyên nước; biển, hải đảo sẽ được thí điểm liên thông bằng 9 quy trình giải quyết TTHC cụ thể.

Quy trình liên thông của Bộ TN&MT là quy trình tự nguyện. Vì thế, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện. Việc thực hiện theo quy trình liên thông phải bảo đảm cùng một lúc 3 yêu cầu: Cùng một đối tượng thực hiện; cùng một cấp thẩm quyền giải quyết và cùng một thời điểm thực hiện.

Theo đó, một chủ dự án đầu tư muốn xin một số giấy phép khác nhau (cùng một đối tượng thực hiện) thuộc trách nhiệm giải quyết của Bộ TN&MT (cùng thẩm quyền giải quyết) thì chủ dự án đó có thể nộp đồng thời nhiều hồ sơ xin cấp phép (cùng thời điểm thực hiện) thì Bộ TN&MT sẽ tiếp nhận và tổ chức thẩm định, cấp phép đồng thời và trả kết quả cùng một lúc là các giấy phép theo đề nghị của chủ dự án.

Theo tính toán của Vụ Pháp chế (đơn vị chủ trì soạn thảo) của Bộ TN&MT, việc thực hiện quy trình liên thông mới được ban hành sẽ giúp doanh nghiệp rút ngắn trung bình tối thiểu 54% thời gian, đặc biệt có trường hợp thời gian giải quyết TTHC được rút ngắn lên đến 2/3 nhờ liên thông TTHC.

Thời gian làm thủ tục rút ngắn nhờ liên thông

Về tiết kiệm chi phí tuân thủ, doanh nghiệp tiết kiệm trung bình tối thiểu 30% chi phí; có trường hợp có thể tiết kiệm tối đa trên 60% chi phí thực hiện TTHC. Tuy nhiên, việc tiết kiệm chi phí thực hiện TTHC trên thực tế có thể cao hơn bởi các tính toán chi phí này chỉ là những chi phí cơ bản, chưa tính các chi phí khác có thể phát sinh. Ngoài ra, quy trình liên thông cũng loại bỏ một số thành phần hồ sơ trùng lặp cho doanh nghiệp trong khi tiếp nhận hồ sơ.

Với việc rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí tuân thủ TTHC sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp gia tăng đáng kể chi phí cơ hội và giảm các rủi ro trong đầu tư, kinh doanh do chờ đợi giải quyết TTHC.

Việc triển khai thí điểm liên thông giải quyết TTHC là thể hiện quyết tâm của Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ TN&MT trong cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc và đồng hành cùng doanh nghiệp theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển.

Theo Lê Sơn/BaoChinhphu.vn

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/co-quan-trung-uong-dau-tien-thuc-hien-lien-thong-tthc.html