Cơ quan thuế trả lời 'vênh' kiến nghị của doanh nghiệp

Doanh nghiệp (DN) kiến nghị thủ tục tham chiếu giá sản phẩm của cơ quan hải quan không đúng chủng loại và mất thời gian. Tuy nhiên, vụ chính sách thuế lại giải thích về biểu thuế áp dụng cho sản phẩm.

Đây là trường hợp kiến nghị của Cty CP Kinh đô Thăng Long vướng mắc về thủ tục hải quan trong xuất khẩu than củi gửi lên Thủ tướng Chính phủ thông qua VCCI mới đây.

Sản phẩm than củi xuất khẩu là than được các hộ gia đình hầm từ các loại gỗ vườn tận thu được thu gom và tổ chức gia công đóng gói theo yêu cầu của nhà nhập khẩu

Sản phẩm than củi xuất khẩu là than được các hộ gia đình hầm từ các loại gỗ vườn tận thu được thu gom và tổ chức gia công đóng gói theo yêu cầu của nhà nhập khẩu

DN hỏi “gà”

Theo kiến nghị của Công ty CP Kinh đô Thăng Long, DN này hiện đang kinh doanh xuất khẩu mặt hàng than củi (than đen dùng cho nướng BBQ) cho các thị trường Úc, Trung đông và Châu Âu... Sản phẩm than củi xuất khẩu của Cty là than được các hộ gia đình hầm từ các loại gỗ vườn tận thu như: nhãn, bạch đàn, bưởi, chôm chôm..., được thu gom và tổ chức gia công đóng gói theo yêu cầu của nhà nhập khẩu. Giá FOB của sản phẩm phổ biến dao động từ 450 – 650 USD/tấn, tùy thuộc vào loại than, bao bì và quy cách đóng gói..., cao hơn so với giá FOB trung bình của mặt hàng than củi của các nước trong khối Asian như Thái Lan, Indonesia, hiện tại chỉ dao động từ 350 – 500 USD/tấn. Trong quá trình xuất khẩu mặt hàng than củi và tiến hành các thủ tục hải quan, cơ quan Hải quan thường thực hiện việc kiểm hóa và tham vấn giá DN. Mặc dù, Cty là DN xuất khẩu mặt hàng than củi đã nhiều năm nhưng việc xuất khẩu hàng thường phải tham vấn giá làm mất rất nhiều thời gian, làm tăng chi phí của DN.

Ngoài ra, theo Cty Thăng Long, mặt hàng than củi từ mục số 73 đến 80 (trong danh mục mã hàng và giá tham chiếu của Quyết định số 1114/QĐ-TCHQ) trên thực tế chia ra 02 loại than là than củi và than trắng. Trong đó, than củi (còn gọi là than đen) gồm các tên hàng thuộc mục 73, 74, 75, 79 và 80, được sản xuất từ các loại cây bạch đàn, bạch đàn trắng, keo, nhãn, vải... Còn than trắng là các tên hàng thuộc mục 76, 77 và 78 trong danh mục mã hàng và giá tham chiếu. Đây là sản phẩm cũng có thể được sản xuất từ các loại cây bạch đàn, bạch đàn trắng, keo, nhãn, vải... nhưng kỹ thuật sản xuất khác than củi.

Về giá tham chiếu giá, mặt hàng than củi (than đen) có chi phí sản xuất thấp hơn, chỉ tương đương 50% so với mặt hàng than trắng nên giá bán mặt hàng than củi trên thị trường cũng chỉ ở mức bằng 40 – 50% so với giá bán mặt hàng Than trắng. Mặt hàng than trắng chủ yếu được cung cấp cho hai thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi đó nhu cầu Than củi lại rất lớn và phổ biến. Than củi của Việt Nam có chất lượng phù hợp với yêu cầu của thị trường thế giới nên dù giá bán cao hơn các nước trong khối ASEAN nhưng vẫn được thị trường chấp nhận ở mức giá FOB 400 – 650 USD/tấn (tùy theo quy cách đóng gói).

Như vậy Công ty CP Kinh đô Thăng Long cho rằng trên thực tế, mặt hàng Than củi khác biệt với mặt hàng Than trắng và cần thiết điều chỉnh quy định để khắc phục những điểm còn bất cập nói trên.

Cơ quan thuế hướng dẫn “vịt”

Trong khi Cty CP Kinh dô Thăng Long kiến nghị về thủ tục hành chính tham chiếu mất thời gian và giá tham chiếu sản phẩm cần chính xác đúng chủng loại thì cơ quan hải quan lại giải thích về biểu thuế. Tổng cục Hải quan đã gửi kiến nghị của DN sang Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính để được xem xét cụ thể.

Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi đã có công văn trả lời về thuế xuất khuẩ mặt hàng than củi. Theo đó, căn cứ Khoản 4, Điều 2, Thông tư số 164/2013 của Bộ Tài chính quy định mặt hàng than gỗ rừng trồng để được áp dụng mức thuế suất 5% phải đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật như: Độ cứng phải rắn chắc, cứng; hàm lượng tro bằng hoặc dưới 3%; hàm lượng carbon cố định là carbon nguyên tố, không mùi, không khói khi tiếp lửa phải lớn hơn hoặc bằng 70%; nhiệt lượng phải lớn hơn hoặc bằng 7000 Kcal/kg; hàm lượng lưu huỳnh phải dưới 0,2% và độ bốc phải trên 4%. Vụ Chính sách thuế cho rằng, việc quy định các tiêu chí của mặt hàng than gỗ rừng trồng như trên nhằm góp phần hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm rừng trồng của người nông dân, đồng thời khuyến khích sản xuất theo quy mô công nghiệp, không ô nhiễm môi trường, hạn chế than gỗ được sản xuất theo phương thức truyền thống nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng than sạch, an toàn cho sức khỏe, tăng giá trị xuất khẩu.

Theo đó, các loại than từ gỗ rừng tự nhiên đạt các tiêu chí trên hoặc than gỗ từ rừng trồng không đảm bảo các tiêu chí trên đều không được áp dụng mức thuế suất 5%. Các tiêu chí của mặt hàng than gỗ rừng trồng được đã được trao đổi thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và thực hiện ổn định từ tháng 6/2013 đến nay.

Theo LS Nguyễn Thị Minh Châu – Văn phòng LS Bảo Châu, với hai cách kiến nghị và trả lời vênh nhau này thì khiến DN rất khó hiểu. Bởi vì, DN muốn phân biệt than củi và than trắng với hai công nghệ sản xuất khác nhau cho giá bán gấp đôi nhau. Còn Vụ Chính sách thuế cũng chỉ ra cần phân biệt hai công nghệ sản xuất khác nhau và cho biểu thuế khác nhau. Và vì thế, DN cho rằng kiến nghị của mình vẫn chưa được trả lời thấu đáo là hoàn toàn dễ hiểu.

Theo Enternews

Nguồn ANTT: http://antt.vn/co-quan-thue-tra-loi-venh-kien-nghi-cua-doanh-nghiep-207932.htm