Cơ quan thuế có cần 'bảo kiếm'?

Bộ Tài chính khẳng định việc bổ sung chức năng điều tra, khởi tố cho cơ quan thuế là cần thiết nhằm ngăn chặn tội phạm về thuế; trong khi giới chuyên gia, doanh nghiệp lo ngại việc này có thể dễ dẫn đến lạm quyền

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (diễn ra tháng 10-2018), thông qua tại kỳ họp thứ 7 (diễn ra tháng 5-2019). Thời gian có hiệu lực của luật này dự kiến từ ngày 1-1-2020 hoặc từ ngày 1-7-2020. Một trong những nội dung của dự luật đang gây sự chú ý của dư luận là đề xuất bổ sung thẩm quyền khởi tố, điều tra cho cơ quan thuế.

Không chồng chéo

Giải trình về lý do đưa ra đề xuất bổ sung quyền khởi tố, điều tra cho cơ quan thuế, cơ quan soạn thảo luật, Bộ Tài chính cho biết nhiều nước đã giao chức năng điều tra cho cơ quan quản lý thuế như điều tra tố tụng hình sự. Khi có dấu hiệu tội phạm đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, cơ quan quản lý thuế căn cứ vào kết quả điều tra để áp dụng các biện pháp truy thu tối đa số thuế đã trốn, đã gian lận, đồng thời chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng để điều tra theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Một số nước như Mỹ, Nga còn tổ chức lực lượng cảnh sát thuế, tòa án thuế.

Tại Việt Nam, cơ quan thuế chưa được giao quyền điều tra nên toàn bộ các vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự đều chuyển sang cơ quan công an để điều tra, khởi tố vụ án. Tuy nhiên, tỉ lệ các vụ xử lý được còn thấp do hành vi vi phạm pháp luật về thuế phức tạp, đa dạng, diễn ra trên phạm vi rộng, có liên quan đến chứng từ, sổ sách, kế toán, thanh toán... Trong khi đó, cơ quan công an do hạn chế về lực lượng, không chuyên sâu chuyên môn, nghiệp vụ thuế, không trực tiếp quản lý thông tin về lĩnh vực này nên quá trình điều tra, trưng cầu giám định thường bị chậm trễ dẫn đến truy thu tiền thuế trốn, tiền thuế chiếm đoạt không kịp thời; tác dụng răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm về thuế bị hạn chế.

Bộ Tài chính khẳng định việc bổ sung chức năng điều tra cho cơ quan thuế trong dự thảo Luật Quản lý thuế về bản chất là điều tra ban đầu, không chồng chéo với công tác điều tra chuyên sâu của các cơ quan chức năng khác. Quy định này tốt cho toàn hệ thống quản lý của nhà nước, tránh kéo dài thời gian xác minh hành vi vi phạm pháp luật về thuế, tránh để lọt tội phạm trong lĩnh vực thuế, đem lại công bằng cho các đối tượng nộp thuế.

Bị cáo Nguyễn Hữu Thạnh, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Nông dược Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), trong vụ án xét xử về tội trốn thuêÁ̉nh: Trần Thường

Bị cáo Nguyễn Hữu Thạnh, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Nông dược Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), trong vụ án xét xử về tội trốn thuêÁ̉nh: Trần Thường

Lo oan sai

Theo Luật Quản lý thuế hiện nay, cơ quan quản lý thuế được giao các thẩm quyền như: thanh tra, kiểm tra; cưỡng chế tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính thuế từ phong tỏa tài khoản... Trường hợp phát hiện vi phạm có dấu hiệu hình sự, cơ quan thuế chuyển hồ sơ sang công an để khởi tố, điều tra.

Với việc bổ sung thẩm quyền khởi tố, điều tra như đề xuất của Bộ Tài chính, quyền lực của cơ quan thuế sẽ lớn hơn. Chính điều này đang gây ra nhiều băn khoăn, tranh luận.

Ông Nguyễn Hồng Khoái, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn phát triển doanh nghiệp KN Hà Nội, dẫn số liệu mỗi năm thất thu 80.000-100.000 tỉ đồng tiền thuế để đánh giá công tác quản lý thuế của Bộ Tài chính còn nhiều bất cập, hạn chế. Riêng đối với hóa đơn, ngành thuế đã không quản nổi. "Nếu bây giờ giao thêm thẩm quyền điều tra liệu có đủ sức làm không? Tôi cho rằng cần xem xét lại năng lực của ngành thuế để xem đề xuất có tính khả thi hay không" - ông Khoái băn khoăn.

Trong khi đó, nhiều ý kiến lo ngại thực tế những năm qua, chính sách thuế thay đổi quá nhiều, quá nhanh gây ra nhiều hệ lụy cho người dân và doanh nghiệp (DN). Sau thanh tra, kiểm tra thuế, phát hiện số DN vi phạm pháp luật thuế khá nhiều nhưng cũng có không ít DN bị oan sai do chính sách thuế thay đổi quá nhanh gây ra. Nếu cơ quan thuế được bổ sung thẩm quyền điều tra, khởi tố dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền, gây oan sai cho DN.

Cần thiết phải điều tra

Theo giải trình của Bộ Tài chính, giai đoạn 2011-2015, cơ quan thuế đã chuyển sang công an 16.087 trường hợp vi phạm pháp luật thuế. Trong đó, kiến nghị khởi tố 395 trường hợp có chứng cứ rõ ràng. Các hồ sơ thông tin về tội phạm còn lại gồm 15.692 trường hợp, cơ quan công an chỉ coi là tin báo trong công tác phối hợp và đề nghị cơ quan thuế phân tích trong số này có bao nhiêu trường hợp có dấu hiệu phạm tội. Bộ Tài chính cho rằng để phân tích được như đề nghị của cơ quan công an, bắt buộc phải được thực hiện qua công tác điều tra, thu thập chứng cứ. Do vậy, việc trao thêm quyền chủ động điều tra cho cơ quan thuế là cần thiết.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Luật Basico:

Bổ sung quyền là hợp lý

Trong 4 bước điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử, Bộ Tài chính đề xuất ngành thuế được khởi tố, điều tra là hợp lý. Về nguyên lý, đề xuất này không có gì phức tạp, điều tra cũng phải hợp tác hay đến giai đoạn nào đó phải chuyển sang cơ quan công an. Còn chuyên môn, thuế là một ngành đặc thù, chuyên sâu và cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế, liên quan tới ngân sách và chuyện mấu chốt của nhà nước là thu thuế và phát hành công trái. Ngành công an có nghiệp vụ điều tra nhưng nếu liên quan đến thuế thì còn nhiều cái khó, phức tạp, vẫn phải dựa vào kết luận của cơ quan thuế mới thực hiện được. Ngành hải quan cũng là cơ quan quản lý thuế, đã được giao quyền điều tra, khởi tố rồi thì giao thêm quyền này cho cơ quan thuế cũng là hợp lý.

Đương nhiên là chúng ta nghĩ đến khả năng lạm quyền của ngành thuế vì bản thân ngành này cũng có điều tiếng, tiêu cực. Nhưng cần giao quyền để tăng sức răn đe với các hành vi vi phạm chính sách thuế, tạo sự công bằng giữa những người nộp thuế. Pháp luật đã có ràng buộc, quy định những trường hợp ra quyết định điều tra, khởi tố sai phải chịu trách nhiệm bồi thường.

TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế:

Nguy cơ thất thu ngân sách

DN lo lắng khi cơ quan thuế, công chức, cán bộ thuế được tăng quyền khi thực hiện các biện pháp phòng chống và ngăn chặn vi phạm pháp luật thuế, trốn thuế là dễ hiểu, nhất là tình trạng cán bộ thuế nhũng nhiễu, tiêu cực vẫn xảy ra nhiều. Đó là chưa nói kinh tế ngầm vẫn đang tồn tại mà bản chất của nó là sự "bắt buộc hoặc bắt tay" giữa một số cán bộ thuế, hải quan với DN. Do vậy, nếu gia tăng quyền lực cho ngành thuế, cán bộ thuế sẽ có nguy cơ nhà nước thất thu ngân sách khi DN phải tìm cách "xử lý riêng" khi phát hiện vụ việc vi phạm.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM:

Không nên giao thêm "quyền sinh sát"

Tăng thẩm quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện các hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật cho cơ quan thuế là không nên. Ngành thuế là đơn vị hành pháp chứ không phải cơ quan tư pháp nên nếu thực hiện nhiệm vụ như cơ quan công an, cơ quan điều tra thì chẳng khác nào "vừa đá bóng vừa thổi còi". Quy định này được thông qua sẽ phải sửa rất nhiều luật, trong đó có Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Tố tụng Hình sự…

Chưa kể hiện nay, các DN vốn đã rất sợ cơ quan thuế vì các sai sót, vi phạm liên quan đến thuế là nhiều và khó tránh. Việc giao thêm quyền, giống như "quyền sinh sát", sẽ khó tránh cán bộ thuế, cơ quan thuế lạm quyền, dù trong thực tế chưa biết DN, cá nhân có làm sai hay không?

TS Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính:

Cực kỳ rủi ro cho DN

Ở Mỹ cũng có quy định cho phép cơ quan thuế được quyền bắt người trốn thuế. Nhưng Mỹ là nước có hệ thống pháp luật rất nghiêm ngặt và họ quản lý từng công dân, DN rõ ràng, minh bạch. Do vậy, quyền của cơ quan thuế được tăng thêm là dễ hiểu.

Còn với điều kiện của Việt Nam, trong thời điểm hiện tại, nếu trao quá nhiều quyền cho cơ quan thuế sẽ càng thêm khó khăn, vướng mắc cho DN. Có một thực tế là cơ quan hành pháp nào cũng muốn tăng quyền và điều này cực kỳ rủi ro cho DN.

Th.Phương - T.Hà ghi

TÔ HÀ

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/co-quan-thue-co-can-bao-kiem-20180512211453106.htm