Cơ quan thẩm tra chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật

Chiều 9/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau về: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vấn đề trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều ĐB.

Theo đó, thay mặt thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông Hoàng Thanh Tùng- Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo ý kiến của đa số ĐBQH là tiếp tục quy định cơ quan thẩm tra chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật như hiện nay. Đồng thời bổ sung một số quy định nhằm xác định cụ thể, rõ hơn trong Luật đối với trách nhiệm của từng cơ quan trong giai đoạn tiếp thu, chỉnh lý.

Ông Nguyễn Văn Giàu- Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, sau khi Quốc hội cho ý kiến lần đầu thì quá trình tiếp thu, giải trình giao cho cơ quan thẩm tra để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Bộ Chính trị trước khi thông qua là chính xác. Như vừa qua, việc thông qua Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cho thấy vai trò của cơ quan thẩm tra. Nhất là trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang tăng cường ĐBQH chuyên trách.

Trong khi đó, ông Hà Ngọc Chiến- Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề nghị, cần quy trách nhiệm đến cùng đối với các cơ quan trong việc ban hành các văn bản dưới luật. Khi luật được ban hành, các văn bản thực hiện luật cũng phải được ban hành. Như vậy luật mới thực hiện được ngay. “Hiện nay chúng ta mới nói đến trách nhiệm trong ban hành luật nhưng chưa nêu trách nhiệm của việc thực hiện luật. Cho nên mới có việc luật có rồi nhưng văn bản dưới luật chưa ban hành nên không thực hiện được luật. Do đó cần quy trách nhiệm của các cơ quan trong ban hành văn bản dưới luật”- ông Chiến chỉ rõ.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với phương án giữ nguyên như hiện nay. Đó là cơ quan thẩm tra chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Bởi thực hiện theo phương án này không làm xáo trộn lớn trong tổ chức thực hiện, vừa bảo đảm được sự chủ động của các cơ quan của Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua, nhưng đồng thời cũng phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm của cơ quan trình trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến ĐBQH để chỉnh lý dự thảo luật.

H.Vũ

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-hoi/co-quan-tham-tra-chu-tri-viec-giai-trinh-tiep-thu-chinh-ly-du-thao-luat-tintuc456590