Cơ quan Phúc thẩm tê liệt, WTO đi về đâu

Các tranh chấp thương mại quốc tế trong thời gian tới sẽ không thể được giải quyết, hệ thống thực thi các quy định của WTO coi như tê liệt.

Việc cơ quan trọng tài thương mại hàng đầu thế giới rơi vào tình cảnh tê liệt có thể thúc đẩy các quốc gia tự tìm cách giải quyết tranh chấp thương mại bằng "luật rừng”. (Nguồn: Axios)

Khả năng của WTO trong việc kiểm soát thương mại toàn cầu dựa vào Cơ quan Phúc thẩm gồm bảy thẩm phán, có trách nhiệm xem xét các phán quyết trọng tài. Tuy nhiên, đến nay, bốn thẩm phán đã nghỉ hưu, ngày 10/12 vừa qua thêm hai thẩm phán nữa hết nhiệm kỳ. Phía Mỹ đang trì hoãn việc bổ nhiệm người mới, có nghĩa là các vị trí bỏ trống chưa biết bao giờ sẽ được thay thế.

Thiếu nhân sự, Cơ quan Phúc thẩm của WTO sẽ không còn ai nghe các kháng cáo trong các tranh chấp thương mại và cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại những kẻ phá luật.

WTO tê liệt

Trong hai năm qua, Mỹ đã ngăn cản WTO bổ nhiệm các thành viên mới vào Cơ quan Phúc thẩm. Tất cả bảy thành viên của Cơ quan Phúc thẩm đều phải được bầu theo nguyên tắc đồng thuận và sẽ không thành viên mới nào được lựa chọn vào cơ quan này nếu Mỹ không gật đầu.

Mặc dù các chính quyền Mỹ trước đây đã luôn than phiền và thỉnh thoảng can thiệp việc bổ nhiệm các thẩm phán của WTO, nhưng chính quyền Tổng thống Trump đi xa hơn cả. Các quan chức Mỹ phàn nàn tranh chấp thường kéo dài hơn nhiều so với thời gian tối đa là 90 ngày và nghiêm trọng hơn là Cơ quan Phúc thẩm đã đưa ra phán quyết vượt xa thẩm quyền mà các nước thành viên đã đồng thuận. Họ nói rõ rằng, trừ khi lo ngại đó được giải quyết, sẽ không có thẩm phán mới nào được xác nhận.

Ở thời điểm hiện tại, chính quyền Mỹ đã bỏ qua WTO và tiến hành cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Vì vậy, cơ hội mà nước này sớm đồng ý và phê chuẩn các đề cử cho Cơ quan Phúc thẩm dường như rất thấp. Trong một động thái nhằm hạn chế hơn nữa Cơ quan Phúc thẩm, chính quyền Tổng thống Trump mới đây đề nghị cắt giảm lương của các thành viên của Cơ quan Phúc thẩm, giới hạn các nguồn lực ngân sách cho năm tới chỉ bằng khoảng 7% ngân sách hai năm một lần - khoảng 3 triệu USD. Ngân sách này đủ để kéo dài nhiệm kỳ của các thẩm phán hiện tại cho đến khoảng tháng Ba năm tới, cho phép họ đưa ra phán quyết về ba kháng cáo đang diễn ra.

Các quốc gia thành viên của WTO đang thảo luận biện pháp mới nhằm ứng phó với khả năng Cơ quan Phúc thẩm biến mất, như xây dựng một quy trình phúc thẩm phi chính thức bất chấp phán quyết của tổ chức. Nhiều nước lại hy vọng rằng cơ quan này có thể được khôi phục khi Tổng thống Trump mãn nhiệm, dù có thể phải chờ đến năm 2021 hoặc 2025.

Việc WTO thực sự gặp khủng hoảng có phải do Tổng thống Trump? Hay việc Mỹ ngăn chặn các bổ nhiệm thẩm phán mới chỉ là đã kích hoạt cuộc khủng hoảng trong nội tại của WTO?

Chấp nhận kịch bản xấu

Trụ sở WTO tại Geneva, Thụy Sỹ. (Nguồn: Reuters)

Theo một ước tính gần đây, WTO đã thúc đẩy thương mại giữa các thành viên tăng 171%. Khi iPhone chuyển từ Trung Quốc sang Mỹ, hoặc rượu whisky từ EU sang Ấn Độ, chính các quy tắc của WTO đã giữ cho hàng rào thuế quan và phi thuế quan thấp, đồng thời cung cấp cho giới doanh nhân sự chắc chắn mà họ cần để lập kế hoạch và đầu tư phát triển.

WTO là nền tảng cho 96% thương mại toàn cầu. Việc cơ quan trọng tài thương mại hàng đầu thế giới này rơi vào tình cảnh tê liệt có thể thúc đẩy các quốc gia tự tìm cách giải quyết tranh chấp thương mại bằng "luật rừng", mở đường cho những cuộc chiến thuế quan "ăn miếng trả miếng" khốc liệt. Đây cũng có thể gọi là dấu hiệu báo hiệu sự suy tàn của tổ chức 24 năm tuổi này, khi hệ thống phân xử các tranh chấp thương mại từ lâu đã là cơ chế hoạt động hiệu quả nhất của WTO.

Tổng thống Trump dường như đã chấp nhận kịch bản xấu này, khi sẵn sàng sử dụng sức mạnh kinh tế của Mỹ để đòi hỏi những điều khoản thương mại tốt hơn. Ông phớt lờ các quy định của WTO khi đơn phương áp thuế kim loại với cả các đồng minh như Canada, châu Âu và Nhật Bản, cũng như liên tục tăng thuế trừng phạt đối với hàng Trung Quốc, khiến WTO liên tiếp nhận được đơn khiếu nại.

Tổng thống Trump và các cố vấn cũng chỉ trích WTO thiên vị Trung Quốc, nước có nền kinh tế bùng nổ kể từ khi gia nhập tổ chức hồi năm 2001, trong khi dường như không làm gì để kiềm chế các hoạt động thương mại không công bằng của Bắc Kinh. Các cố vấn ở Nhà Trắng thậm chí đổ lỗi, việc WTO không thể đối đầu Trung Quốc là lý do Mỹ phát động cuộc chiến thương mại.

WTO mắc kẹt. Không có gì ngạc nhiên khi Tổng thống Trump đã không phê duyệt những trọng tài không phải là người Mỹ, vì ông ấy vốn không thiện cảm với các quy tắc đa phương. Nhưng có các vấn đề sâu xa hơn nhiều, xuất phát từ sự đổ vỡ niềm tin đối với cách thực thi luật pháp quốc tế và sự thất bại của cơ quan hòa giải WTO.

Việc có nhiều quốc gia tham gia WTO là một thành tích đáng chú ý. Tuy nhiên, thành tích này có được là nhờ các nhà đàm phán đã đưa ra các quy tắc mơ hồ và giải quyết sự khác biệt của họ cũng với ngôn ngữ mơ hồ. Người Mỹ thì nói rằng, quy tắc không nói họ không thể làm như thế. Nhưng những người khác cũng có thể phản bác rằng, các quy tắc không nói rằng họ có thể làm như vậy. Chính sự khác biệt kéo dài đó đã dẫn đến tình cảnh hiện tại.

WTO đã gần như thất bại ngay trong chức năng soạn thảo các hiệp định thương mại, khi tổ chức này nhận ra rằng, việc đạt được sự đồng thuận giữa các nước thành viên như Mỹ, Trung Quốc, Afghanistan, Ấn Độ… là điều dường như không thể.

Chỉ còn duy nhất thẩm phán với ít nhất mười đơn kháng cáo đang chờ xem xét và có thể còn nhiều hơn nữa trong kế hoạch, trong khi Cơ quan Phúc thẩm của WTO vẫn không có thêm thẩm phán mới…

Phạm Thắng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/co-quan-phuc-tham-te-liet-wto-di-ve-dau-105993.html