Cơ quan điều tra có thể yêu cầu gỡ bài trên báo, mạng xã hội về nhân thân bị hại dưới 18 tuổi?

Khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị hại dưới 18 tuổi bị xâm hại, cơ quan điều tra có thể đề nghị gỡ các bài báo, thông tin trên mạng xã hội về nhân thân của người này…

Đó là một trong những nội dung được nêu ra trong Dự thảo Thông tư quy định trách nhiệm của lực lượng CAND trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi đang được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến.

Theo Dự thảo, khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị hại là người dưới 18 tuổi hoặc người thân thích của họ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại do việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, thông tin liên quan đến tội phạm thì cơ quan điều tra phải áp dụng ngay các biện pháp theo quy định tại Khoản 1 Điều 486 của Bộ luật TTHS để bảo vệ họ. Có thể áp dụng thêm các biện pháp:

Đề nghị các cơ quan thông tin, truyền thông gỡ các bài báo, thông tin trên mạng xã hội về nhân thân của người dưới 18 tuổi là bị hại khi họ có yêu cầu hoặc xét thấy cần thiết phải bảo vệ.

Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ thông tin nhân thân, danh dự, nhân phẩm người dưới 18 tuổi là bị hại bị phát tán trên Internet, mạng xã hội;

Xử lý theo thẩm quyền người cố tình phát tán, truyền đưa thông tin nhân thân của người dưới 18 tuổi là bị hại, người tố giác tội phạm, người làm chứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của họ.

CQĐT có thể yêu cầu gỡ thông tin, hình ảnh trên mạng về nhân thân bị hại là trẻ em (ảnh minh họa)

CQĐT có thể yêu cầu gỡ thông tin, hình ảnh trên mạng về nhân thân bị hại là trẻ em (ảnh minh họa)

Cũng theo Dự thảo, hành vi xâm hại người dưới 18 tuổi bao gồm việc xâm phạm tính mạng, sức khỏe; dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục. Ngoài ra còn là hành vi mua bán, chiếm đoạt người; hành hạ, ngược đãi, bắt lao động trái quy định đối với người dưới 18 tuổi.

Điều tra viên, cán bộ điều tra được phân công thụ lý giải quyết cần được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn hoặc có kinh nghiệm về khởi tố, điều tra đối với những vụ việc, vụ án hình sự xâm hại người dưới 18 tuổi hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục người dưới 18 tuổi.

Việc lấy lời khai người bị hại dưới 18 tuổi có thể thực hiện tại nơi tiến hành điều tra, nơi cư trú hoặc nơi học tập, nơi làm việc của người đó. Điều tra viên, Cán bộ điều tra lựa chọn nơi lấy lời khai và bố trí theo cách thức thích hợp để họ cảm thấy an toàn, thoải mái. Nơi nào đã bố trí phòng điều tra thân thiện thì có thể lấy lời khai ở phòng điều tra thân thiện.

Điều tra viên, Cán bộ điều tra khi tiến hành lấy lời khai người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi phải có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ phù hợp, không nhất thiết phải mặc trang phục CAND.

Dự thảo còn nêu rõ, phải hạn chế đến mức thấp nhất việc tiến hành đối chất giữa người bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo. Đối với các vụ án xâm phạm tình dục, hành hạ, mua bán, chiếm đoạt người dưới 18 tuổi thì chỉ tiến hành đối chất khi thấy cần thiết để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án.

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/co-quan-dieu-tra-co-the-yeu-cau-go-bai-tren-bao-mang-xa-hoi-ve-nhan-than-bi-hai-duoi-18-tuoi-post447274.antd