Cơ quan cấp trên tuyển dụng có ngăn được tình trạng nhận người nhà, người quen?

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức không giải quyết được những bất cập mà lại nảy sinh bất hợp lý khác.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại phiên thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận phát biểu tại phiên thảo luận.

Đại biểu Cương đặt vấn đề: “Khái niệm người tài năng trong hoạt động công vụ ở Điều 6, khó định lượng được. Hiểu như thế nào là có năng lực chuyên môn vượt trội? Rất khó để định lượng được.

Những người không có khả năng vượt trội nhưng lại có rất nhiều đóng góp cho cơ quan, tổ chức nếu chiểu như quy định này thì chưa chắc được ghi nhận là người tài. Chưa nói là việc công nhận người tài như thế nào. Nếu như quy định có năng lực vượt trội thì rất có thể có cửa đưa công chức thuộc diện “5c” vào, ảnh hưởng chung đến chế độ chính sách đãi ngộ.

“Với tư cách người đứng đầu cơ quan, tổ chức, người ta cần nhất cấp dưới là ý thức trách nhiệm với công việc. Tài năng xuất chúng đến mấy mà không có ý thức trách nhiệm thì cũng chẳng để làm gì cả” – đại biểu Cương nói.

Theo đại biểu, quy định tuyển dụng không có gì mới, quan trọng là khi giải quyết các vấn đề vướng mắc hiện nay. Thứ nhất là người sử dụng cán bộ công chức mới là người có quyền tuyển dụng.

Lâu nay ở các địa phương, việc tuyển dụng là cấp trên. Người sử dụng chỉ biết tiếp nhận sử dụng. Trong quá trình sử dụng, cán bộ công chức không thực sự phát huy hiệu quả, thậm chí không phù hợp cũng không có quyền cho nghỉ, cũng không có quyền kỷ luật cán bộ vi phạm kỷ luật.

“Người sử dụng cán bộ công chức, viên chức mới là người có quyền tuyển dụng. Tôi tham khảo ở nước ngoài, họ ra quyết định tuyển dụng rất đơn giản. Họ cần tuyển thì họ đăng tuyển và nghiên cứu hồ sơ rồi gọi đến phỏng vấn, tiếp nhận và làm việc” – đại biểu Cương dẫn giải, đồng thời cho biết:

Quá trình làm việc, họ đánh giá rất rõ là có làm được việc hay không, có thể làm việc ít ngày đã phải nghỉ việc vì không đảm nhiệm được công việc ở vị trí đó. Người ta đơn giản vậy, nhưng ở ta thì tuyển dụng rất chậm chạp.

Tổ chức một kỳ thi, camera khắp nơi, an ninh canh gác vòng trong vòng ngoài, đề thi nghiêm ngặt, nghe thì có vẻ nghiêm túc nhưng lại tiêu cực. Có ý kiến sợ giao cho cơ quan sử dụng tuyển dụng sẽ nhận người quen, người nhà. Sao không đặt câu hỏi ngược lại là giao cho cơ quan cấp trên tuyển dụng thì có ngăn chặn được tình trạng đó không?

Liên quan đến việc nâng ngạch công chức, viên chức, đại biểu Cương nêu ý kiến: “Việc nâng ngạch các đại biểu đánh giá như thế nào khi đã thực hiện từ năm 1995. Nhưng mục tiêu đề ra để có được một đội ngũ công chức có trình độ chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu thông qua nâng ngạch, tôi nghĩ rằng không đạt”.

Đại biểu cho rằng, với bất kỳ cơ quan tổ chức nào đều có một cơ cấu. Ví dụ cơ quan cơ cấu khoảng 10 người, bao nhiêu công chức cao cấp, chuyên viên chính, cán sự… chứ không phải cứ đủ tiêu chuẩn là đưa hết lên công chức cao cấp được.

“Tiêu chuẩn dự thi nâng ngạch rất nhiều nhưng chủ yếu thể hiện trên văn bằng chứng chỉ. Rất nhiều người sợ thi ngoại ngữ do trình độ còn hạn chế. Có những người nộp hồ sơ không có chứng chỉ ngoại ngữ nhưng mấy hôm sau lại có. Ngoại ngữ đâu nâng nhanh vậy được, rất kỳ cục” – đại biểu Cương thẳng thắn nói.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/co-quan-cap-tren-tuyen-dung-co-ngan-duoc-tinh-trang-nhan-nguoi-nha-nguoi-quen-4042300-v.html