Cô Phượng Hàng Ngang: Hồng nhan bạc phận ứng với đời lưu lạc của 'Tây Thi phố cổ'

Sở hữu nhan sắc khó ai bì kịp nhưng cuộc đời của cô Phượng Hàng Ngang lại là những lối rẽ khiến cô phải chịu đựng nỗi đau, lưu lạc, điên dại và cuối cùng là cái chết đơn cô không một giọt nước mắt. Đúng là hồng nhan bạc phận.

Tây Thi khiếp vía, Hằng Nga giật mình

Vào giữa thập kỷ 30 của thế kỷ trước, người ta thường nhắc đến Tứ đại mỹ nhân Hà thành gồm: Cô Phượng Hàng Ngang, cô Síu Cột Cờ, cô Nga Hàng Gai và cô Bính hàng Đẫy. Đó là những thiếu nữ có nhan sắc và nổi tiếng đến nỗi từng làm mê đắm biết bao trái tim của các quý ông học hàm, học vị cao, công tử hào hoa, văn nhân, ký giả đa tình. Người nổi tiếng nhất trong Tứ đại mỹ nhân Hà thành có lẽ là cô Phượng Hàng Ngang.

Cô Phượng Hàng Ngang tên là Vương Thị Phượng, con gái cưng của thương gia Vương Toàn Thắng, một nhà buôn bán tơ lụa giàu có ở phố cổ. Sinh ra trong gia đình giàu có nên ngay từ nhỏ cô đã được coi là tiểu thư lá ngọc cành vàng. Cô sở hữu làn da trắng mềm như trứng, gương mặt thanh tú và mái tóc đen mượt. Người Hoa kiều ở Hàng Ngang nói rằng, cặp lông mày của cô “yên my” (lông mày như mây khói), cặp mắt là “bán thụy phượng hoàng” (con phượng hoàng nửa thức nửa ngủ) nghĩa là mắt mơ màng say đắm. Các chàng trai nhìn vào đôi mắt ấy sẽ tự thấy mình như một chiếc lá vàng rơi...

Mặc dù là tiểu thư lá ngọc cành vàng, nhan sắc nức tiếng và được nhiều người săn đón nhưng cô Phượng ăn mặc rất nền nã. Khi cô chít khăn nhiễu tam giang, khi chít khăn nhung đen, đuôi gà vắt qua mái tóc. Cô hay mặc yếm hoa hiên, quần lĩnh tía cạp điều thắt lưng quan lục. Tất cả những màu sắc ấy ánh lên qua chiếc áo dài vải phin trắng may sát vào thân hình nở nang. Trước nhan sắc ấy nhiều văn nhân, ký giả đương thời đã phải thốt lên: “Tây Thi khiếp vía, Hằng Nga giật mình”.

Ngày ấy, nhan sắc của cô Phượng nổi tiếng đến mức nhiều thanh niên, nhà ngay sát chỗ làm nhưng hàng ngày vẫn 4 lần đi về theo đường vòng để qua phố Hàng Ngang, để được ngắm cô Phượng từ xa. Nếu hôm nào không một lần được thấy cô, họ thấy bồn chồn, bứt rứt, đứng ngồi không yên. Khi tàu điện chạy qua phố hàng Ngang, không ai bảo ai, tất cả hành khách đều hướng mắt về phía dãy nhà mang số chẵn, nơi có một mỹ nhân.

Không chỉ là người sở hữu sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, cô Phượng còn nổi tiếng là người thông minh, sáng dạ khi biết đủ cầm kỳ thi họa. Tài sắc vẹn toàn nên cô Phượng là người vợ trong mơ của biết bao chàng trai, công tử nhà giàu. Thế nhưng, nhan sắc hơn người ấy cũng chính là thứ đã khiến cuộc đời của cô phải trải qua những đoạn trường cay đắng. Người phụ nữ từng khiến cho biết bao công tử hào hoa đất Hà thành si mê, say đắm cuối cùng lại phải sống cuộc đời lưu lạc, chết không một ai bên cạnh.

Cuộc hôn nhân oan nghiệt

Thời đó, trạc tuổi với cô Phượng có công tử A Đẩu sống ở Hàng Đào, cháu ruột của nhà tư sản chuyên buôn bán lụa Phan Vạn Thành. Thấy gia đình hai bên môn đăng hộ đối nên thương gia Vương Toàn Thắng đã đồng ý gả con gái cho A Đẩu. Đây cũng là thời điểm bắt đầu cuộc đời sóng gió của một trong Tứ đại mỹ nhân nức tiếng Hà thành.

Khi về nhà chồng, cô Phượng sống cuộc sống nhung lụa, hàng ngày cô chỉ ra cửa hàng ngồi bán hàng cùng mẹ chồng, việc quán xuyến nhà cửa không phải động tay vào vì đã có người hầu kẻ hạ làm hết. Sau khi sinh con trai đầu lòng, cô càng được bố mẹ cưng chiều. Với cuộc sống ấy, người ta tưởng cô chẳng còn mong gì hơn. Thế nhưng, kể từ ngày kết hôn đôi mắt cô Phương đã không còn rạng rỡ mà thay vào đó là sự u uất, ẩn chứa nhiều tâm tư. Hóa ra, chồng cô Phượng là kiểu công tử bột, vô công rồi nghề.

A Đẩu có thói ăn chơi, cờ bạc rượu chè, gái gú. A Đẩu chỉ coi vợ như một thứ đồ đắt tiền, xinh xinh, để ra oai với người khác, là thứ chỉ để ngắm nghía, canh chừng chứ không phải người để tâm tình. Không những thế, người đàn ông này còn có thói vũ phu. Thế nên, bất cứ khi nào nhìn thấy cảnh không vừa mắt là thẳng tay đánh đập vợ. Không biết bao đêm cô Phượng phải khóc vì chồng ngang nhiên "gái gú" trước mặt cô. Với một người con gái tài sắc vẹn toàn như cô Phượng cuộc sống ấy chẳng khác gì địa ngục.

Giữa lúc đau khổ vì cuộc hôn nhân không hạnh phúc, cô đã gặp gỡ nhà báo Hoàng Tích Chu, người đàn ông tài hoa đất Kinh Bắc. Cô Phượng rung động trước người thanh niên đẹp trai, nho nhã này. Rồi một ngày, cả Hà Nội chấn động trước tin cô Phượng mất tích. Mãi sau này, mọi người mới biết, cô Phượng đã theo Hoàng Tích Chu vào Sài Gòn chỉ để lại một lá thư từ biệt đầy nước mắt cho gia đình.

Tuy nhiên, cuộc tình đẹp giữa chàng ký giả và cô Phượng chẳng kéo dài được bao lâu vì Tích Chu sang Pháp học và không thể mang cô theo được. Ông đành bảo cô Phượng về Bắc Ninh tìm gia đình mình, với bức thư thống thiết do ông viết, xin cha nhận cô là con dâu trong nhà. Cả hai chia tay nhau trong nước mắt. Thế nhưng, vốn là người có quan niệm nặng nề về lễ giáo, ông Huyện cho rằng gia đình Phượng không môn đăng hộ đối nên sai người đưa Phượng về xin lỗi chồng để trở lại nhưng bị từ chối.

Cuộc đời lưu lạc và cái chết cô đơn

Trở về, A Đẩu không chấp nhận vợ. Bản thân cô Phượng cũng không muốn về sống chung với người chồng đó nữa. Lúc này, bố mẹ cô đều đã qua đời nên cô Phượng đành phải làm nghề buôn bán nuôi thân. Thế nhưng, trong một lần buôn bán không thành cô bị lừa hết vốn liếng nên đã phải cậy nhờ đến sự giúp đỡ của người đàn ông đã từng si mê mình tên là Lưu. Người đàn ông giàu có ấy đã thuê cho cô Phượng một ngôi nhà bên Long Biên để làm nơi tình tự. Rồi một ngày, câu chuyện đến tai vợ của Lưu, người đàn bà này đã phong tỏa tài sản của chồng, khiến ông đã không còn cơ hội để gặp cô Phượng. Quá đau khổ, cô quyết định về Hưng Yên, tìm một ngôi chùa xin xuất gia.

Trong những ngày tháng ở chùa, nhan sắc rực rỡ của cô Phượng lại khiến nhiều chàng trai si mê. Trong số đó có người đàn ông tên Bách làm Tham tán ở tòa Sứ. Ngay từ lần gặp đầu tiên, Tham tán đã mê mẩn vẻ đẹp mặt hoa da phấn của cô Phượng nên mượn người đến đánh tiếng với cô và xin với sư bà cho cô Phượng về làm vợ lẽ. Tưởng rằng, cuộc sống của cô Phượng từ đây sẽ sang trang cùng sự bình yên. Nhưng không,... vợ cả của Bách đến đón Phượng về làm chị làm em rất quý hóa ngọt ngào, nhưng thực ra đã có tà tâm với vợ lẽ của chồng. Ít lâu sau, Tham tán Bách được chuyển đi Lai Châu; vợ cả lại cho Bách và Phượng đi trước, còn mình sẽ lên sau. Ai ngờ, bà cả đã ngầm sai người đầu độc cô Phượng bằng một loại thuốc gì đó làm cho cô hóa điên lúc tỉnh lúc mê, lúc cười lúc khóc, gầy rộc đi.

Cuộc đời của cô Phượng lại một lần nữa phải đối diện với lưu lạc khi Tham tán Bách sai người đưa cô về chợ Bờ (Hòa Bình). Cuộc sống đưa đẩy khiến cô Phượng sau đó về lại Gia Lâm tìm đến bà hàng xóm cũ, trong người chỉ có 15 đồng bạc. Khi ấy, bà hàng xóm tốt bụng đã trông nom cô như con đẻ. Tốt bụng nhưng vì nghèo nên khi cô Phượng trở bệnh nặng, bà đành phải đưa cô vào nhà thương làm phúc. Một tuần sau, cô Phượng qua đời. Đám tang của cô Phượng không có một giọt nước mắt, chỉ có một người tình cũ rủ lòng thương, khắc cho cô tấm bia đề: "Mộ người bạc mệnh Vương Thị Phượng".

Cuộc đời ba chìm bảy nổi của nàng “Tây Thi phố cổ" Hà Nội đã từng là cảm hứng cho nhiều nhà văn, nhà thơ. Nhìn lại cuộc đời nhiều đau khổ của cô Phượng mới thấy, câu "hồng nhan bạc mệnh" đã vận vào cô. Cuộc đời của cô đã rẽ lối với những ngã rẽ đau đớn cũng chỉ vì nhan sắc hơn người.

Lê Anh

Bài đăng báo giấy Đời sống & Pháp luật số 73

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/co-phuong-hang-ngang-hong-nhan-bac-phan-ung-voi-doi-luu-lac-cua-tay-thi-pho-co-a233680.html