Cổ phiếu vượt mệnh giá, động lực nào đưa Hoa Sen trở lại đường đua?

Sau hơn 1,5 năm ngụp lặn dưới mệnh giá, cổ phiếu Hoa Sen đã trở lại đường đua và phát đi những tín hiệu tích cực…

Cổ phiếu HSG vượt mệnh giá

Sau khi tạo đỉnh hồi tháng 6.2017 quanh mức giá 25.220 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu của Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) đã giảm không phanh và chạm đáy hồi tháng 3.2020 tại mức giá 4.150 đồng/cổ phiếu.

Sau khoảng thời gian hơn 1,5 năm (17 tháng) giao dịch dưới mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu) cổ phiếu HSG đang trở lại đường đua và phát đi những tín hiệu tích cực.

Kết thúc phiên giao dịch 27.5, cổ phiếu HSG vượt mốc 10.000 đồng/cổ phiếu, đánh giá sự trở lại của cổ phiếu HSG.

Diễn biến của cổ phiếu HSG trên thị trường sau khi tạo đỉnh năm 2017. Ảnh: FireAnt.

Và từ đó đến nay, cổ phiếu cũng có những diễn biến tích cực, và gần như tăng liên tục từ cuối tháng 3.2020 đến nay (24.6).

Kết thúc phiên giao dịch 24.6, cổ phiếu HSG đóng cửa tại mức giá 11.700 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, chỉ trong 3 tháng, giá cổ phiếu HSG thời điểm hiện tại đã gấp gần 3 lần mức giá hồi cuối tháng 3, tương ứng mức tăng trưởng gần 182%.

Động lực nào để HSG “phi mã”?

Nguyên nhân trực tiếp đến từ việc cổ phiếu HSG tăng mạnh trong thời gian qua, đến từ kết quả kinh doanh tích cực.

Vừa qua, HSG công bố kết quả kinh doanh tích cực trong tháng 5.2020 nhờ được hưởng lợi khi giá cuộn cán nóng (HRC) giảm mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, HSG ghi nhận hơn 2.470 tỉ đồng doanh thu và 112 tỉ đồng lãi sau thuế.

Ước tính lũy kế 8 tháng đầu năm niên độ tài chính 2019-2020, HSG đạt hơn 17.000 tỉ đồng doanh thu và lãi sau thuế 584 tỉ đồng, tương ứng, doanh nghiệp này thực hiện được 61% và 146% kế hoạch về doanh thu và lợi nhuận cả năm niên độ tài chính 2019-2020.

Bên cạnh kết quả kinh doanh tích cực, thì những chiến lược mới của HSG cũng đang phát đi những tín hiệu tích cực.

Sau khi lợi nhuận của Công ty chạm đáy vào quý IV năm tài chính 2018 với khoản lỗ 103 tỉ đồng – sau giai đoạn mở rộng lớn về cả công suất mới và mạng lưới bán lẻ - HSG tập trung vào cắt giảm chi phí vận hành, đơn giản hóa quy trình sản xuất và giảm hàng tồn kho.

Tháng 11.2019, HSG đã tập trung cắt giảm chi phí vận hành và giảm sự phụ thuộc vào vốn vay trong năm 2019 bằng việc đánh đổi tăng trưởng sản lượng (sản lượng bán tôn mạ của HSG giảm 13% so với cùng kỳ trong năm 2019 và 2% so với cùng kỳ trong quý I/2020).

Kết quả kinh doanh của HSG trong năm tài chính 2019 và 6 tháng đầu năm tài chính

2020 đã cho thấy động thái này thành công trong việc phục hồi khả năng sinh lời của công ty thông qua cải thiện biên lợi nhuận gộp, dù tăng trưởng doanh thu chững lại và môi trường giá HRC biến động.

Trong báo cáo hồi cuối tháng 5.2020, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) đặt kỳ vọng HSG sẽ tập trung vào việc phục hồi tăng trưởng sản lượng bán từ năm tài chính 2020, đặc biệt tại thị trường trong nước.

Theo tính toán của VCSC, tỉ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu của HSG tiếp tục giảm, đạt mức 1,40 lần tính đến cuối tháng 3.2020 so với mức 1,72 lần vào cuối năm tài chính 2019, tronPCC1: Diều đang chờ gióg khi tổng số dư nợ tuyệt đối giảm 11% trong 6 tháng đầu năm tài chính 2020 so với cuối năm tài chính 2019 còn 8.600 tỉ đồng.

Các mức giảm này, cùng với việc HSG hiện không có kế hoạch mở rộng công suất lớn nào trong ngắn hạn, dẫn đến dự báo của VCSC cho rằng Công ty sẽ thanh toán dần các khoản nợ dài hạn và không ghi nhận các khoản nợ đáng kể mới.

Công ty chứng khoán này cũng cho rằng HSG không ghi nhận khoản lãi đáng kể nào từ việc thanh lý tài sản từ năm tài chính 2020. HSG đã ghi nhận khoản lãi trước thuế bất thường 218 tỉ đồng từ việc bán 2 trong số các dự án bất động sản có đất của Công ty trong năm tài chính 2019. VCSC cho rằng không có thêm đợt thanh lý nào khác từ năm tài chính 2020.

VCSC đặt kỳ vọng HSG sẽ dần lấy lại đà tăng trưởng sản lượng sau khi nỗ lực vực dậy khả năng sinh lời mang lại kết quả.

Minh Đức

Nguồn NCĐT: https://nhipcaudautu.vn/tai-chinh/co-phieu-vuot-menh-gia-dong-luc-nao-dua-hoa-sen-tro-lai-duong-dua-3335699/